Hoàn thiện thể chế để cán bộ "không thể tham nhũng"

Thứ Hai, 17/02/2025 15:23

|

(CATP) Với Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị, cho thấy tính cấp thiết của việc giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong nội bộ Ðảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trọng liêm sỉ, danh dự, không tham nhũng, lãng phí; thực hiện các chủ trương lớn để cán bộ "không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng".

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư phải là phẩm chất đạo đức hàng đầu

Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong đó nhấn mạnh đây là những phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CCVC).

Theo chỉ thị này, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên được Ðảng, Nhà nước và các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác này ở không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ và đúng mức.

Ðể tăng cường công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực, xây dựng Ðảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Bộ Chính trị yêu cầu, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Chỉ thị yêu cầu tuyên truyền sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên, CCVC và tính cấp thiết của việc giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong nội bộ Ðảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30/10/2024

Ðối với cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải nêu gương về học tập và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới, nhất là về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Tâm huyết, trách nhiệm, mẫn cán, tận tụy với công việc được giao; tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí; giữ mình trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; trung thực, ngay thẳng, công tâm, khách quan; nghiêm túc, gương mẫu chấp hành quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, nghề nghiệp.

Nội dung học tập và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đưa thành chuyên đề sinh hoạt bắt buộc của chi bộ, là nội dung kiểm điểm trong sinh hoạt định kỳ và là tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên hàng năm.

Chỉ thị yêu cầu đưa nội dung đạo đức cách mạng nói chung, nội dung cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói riêng thành một trong những chương trình chính trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện, trường học trong quân đội, công an, trường chính trị các địa phương, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp...

Bộ Chính trị yêu cầu cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư về giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Thực hiện giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cả khu vực công và tư với nội dung, phạm vi phù hợp.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; giữa Trung ương với địa phương; giữa cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong công tác giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Tâm huyết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chỉ thị này là một bước quan trọng tiếp theo để thực hiện ước nguyện và quyết tâm PCTN của cố Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Năm 2016, TBT Nguyễn Phú Trọng đã khởi xướng một "chiến dịch chống tham nhũng" chưa từng có. Chủ trì Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 31/7/2017, TBT phát biểu: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công". Đó là thông điệp, là lời tuyên bố đanh thép của Đảng và Nhà nước, tỏ rõ sự không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng.

Năm 2021, "lò” cháy rực lên. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo gọi tên và đưa vào diện theo dõi, như vụ Việt Á, vụ "Chuyến bay giải cứu", vụ AIC, vụ FLC, Tân Hoàng Minh, "đại án" đăng kiểm, vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, vụ án Tập đoàn Thuận An... Và đi kèm với đó là nhiều cán bộ, kể cả cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã bị xử lý kỷ luật về Đảng, bị xử lý hình sự... Nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã phải thôi giữ chức vụ vì liên quan đến quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu.

Chống và xây, là cách nhìn toàn diện của cố TBT Nguyễn Phú Trọng, đi kèm theo đó là tăng cường công tác giáo dục cán bộ, đảng viên. Phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, ngày 15/01/2018, TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và căn dặn lực lượng Công an nhân dân: "Hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Còn Đảng thì còn mình", "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".

"Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", hàm ý của cố TBT Nguyễn Phú Trọng mong muốn cán bộ, đảng viên, CCVC phải biết trọng liêm sỉ, danh dự, không tham nhũng, lãng phí.

TBT Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở chúng ta phải nhận thức sâu sắc về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, nó làm tê liệt sức chiến đấu, tổn thương thanh danh, xói mòn uy tín của Đảng, làm biến chất Đảng, không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, mất chế độ.

Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xuất phát từ quan điểm của cố TBT Nguyễn Phú Trọng. Coi trọng danh dự, coi "danh dự là điều thiêng liêng nhất", yêu cầu thực hiện các chủ trương lớn để cán bộ, đảng viên, CCVC, người lao động "không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng".

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - nguyên nhân cơ bản của tham nhũng; phải gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực; gắn PCTN, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo cố TBT Nguyễn Phú Trọng, nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, phải gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nếu chỉ PCTN về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ; tiền bạc, tài sản có thể thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả; phòng, chống tiêu cực tức là trị tận gốc của tham nhũng.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí

Ngày 30/10/2024, tại Hà Nội, TBT Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực, đã nhận định, tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, yêu cầu các cơ quan chức năng phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời TBT đề nghị xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Từ đó, Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư ra đời, cụ thể hóa chỉ đạo của TBT Tô Lâm.

Cốt lõi của chỉ thị này là yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trọng liêm sỉ, danh dự, không tham nhũng, lãng phí; làm sao để cán bộ, đảng viên, CCVC, người lao động "không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng".

Đây là vấn đề lớn, rất lớn. Theo đó yêu cầu quan trọng nhất đối với cán bộ, đảng viên là phải thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Kinh nghiệm trong công tác PCTN, tiêu cực đã cho thấy nếu cán bộ không trọng liêm sỉ, danh dự, thì con đường đi đến tham nhũng, tiêu cực gần như tất yếu.

Nhớ lại những vụ án lớn đã xử lý, chúng ta thấy rõ hậu quả đó. Lấy ví dụ những vụ án như Việt Á trong đại dịch Covid-19, vụ án "Chuyến bay giải cứu", để thấy rằng cán bộ mà không biết trọng liêm sỉ, thì cái kết không chỉ cay đắng mà còn nhục nhã.

Nhớ lời nói sau cùng trước tòa của những cán bộ "dính chàm" như nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: "Bị cáo thấy ân hận, xót xa, đau khổ, gần 30 năm học tập, rèn luyện, gìn giữ. Bản thân có lỗi với họ, với gia đình, người thân, bạn bè và các nhân viên". Hay bị cáo cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh: "Bản thân bị cáo rất đau xót và không có gì để biện minh cho sai phạm phải bị trừng phạt và thực sự bị cáo cũng đã bị trả giá trong ân hận, đau xót, day dứt suốt 581 ngày qua bị tạm giam. Những ngày này tại tòa và những ngày tới đây, và cả những ngày tháng được trở về với xã hội, bị cáo vẫn day dứt". Bị cáo Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong vụ án "Chuyến bay giải cứu", vừa khóc vừa nói trước tòa: "Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và nhân dân".

Nhân dân nào, Đảng nào tha thứ cho những tội lỗi của họ? Trước sự cám dỗ của đồng tiền, họ mờ mắt và quên đi những lời dặn dò tâm huyết của TBT Nguyễn Phú Trọng: "Cái quý nhất trên đời là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì, đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn bị mọi người khinh bỉ. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân".

Với những cán bộ cấp cao đã thoái hóa biến chất, họ cố tình quên những lời tâm huyết của cố TBT Nguyễn Phú Trọng, đã thiếu rèn luyện, quên liêm sỉ, để rồi phải trả giá.

Do vậy, với Chỉ thị 42-CT/TW, một lần nữa Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện, phải biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tự rèn luyện mình để "không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng".

Bình luận (0)

Lên đầu trang