Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng: Nền tảng vững chắc là sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhân dân

Thứ Hai, 27/01/2025 15:20

|

(CAO) Giáo sư G. Devarajan, Tổng thư ký Đảng Khối Tiến lên toàn Ấn Độ (AIFB) đánh giá, những thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của những cam kết, chính sách hướng về dân.

Trong công cuộc lãnh đạo đất nước suốt 95 năm hình thành và phát triển, thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên nền tảng vững chắc là sự ủng hộ mạnh mẽ từ quần chúng nhân dân. Đó là kết quả của những cam kết, chính sách hướng về dân.

Đây là khẳng định của Giáo sư G. Devarajan, Tổng thư ký Đảng Khối Tiến lên toàn Ấn Độ (AIFB) trong cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam tại New Delhi nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930–3/2/2025).

Theo Giáo sư Devarajan, việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 không chỉ là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đấu tranh giành độc lập của Việt Nam mà còn đánh dấu một bước ngoặt trong sự chuyển biến sâu rộng hơn về chính trị, xã hội của đất nước.

Trong hành trình 95 năm phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, cam kết kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và khả năng kiên cường trước những nghịch cảnh bên ngoài và bên trong. Thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vượt qua chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và các thách thức nội bộ đã khiến Đảng trở thành nguồn cảm hứng chính cho các phong trào xã hội chủ nghĩa và cánh tả trên toàn cầu.

Nhìn lại những giai đoạn lịch sử của Việt Nam trong thập niên 30 của thế kỷ trước, Giáo sư G. Devarajan đánh giá sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa cần thiết về mặt tư tưởng, vừa là phản ứng chiến lược trong bối cảnh khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc dưới chế độ thực dân. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành lực lượng then chốt trong việc định hình phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam, đỉnh cao là cuộc đấu tranh giành độc lập thành công khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

(Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Đầu thế kỷ 20, cuộc kháng chiến chống ách thống trị của thực dân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với một số phong trào dân tộc chủ nghĩa. Tuy nhiên, các phong trào này bị phân mảnh, với nhiều hệ tư tưởng khác nhau tranh giành ảnh hưởng, bao gồm chủ nghĩa cải cách lấy cảm hứng từ Nho giáo, chủ nghĩa quân chủ và chủ nghĩa dân tộc cách mạng. Do đó, không phong trào nào có thể tạo nên sức mạnh đoàn kết cần thiết để vượt qua sức mạnh của thực dân Pháp và những thách thức do sự chia rẽ trong nội bộ đặt ra.

Ý tưởng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thành công của Cách mạng Bolshevik ở Nga năm 1917, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm trong quá trình này với niềm tin chắc chắn vào con đường đi tới độc lập dân tộc chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đoàn kết được các lực lượng cách mạng trong một khuôn khổ rộng lớn hơn.

Thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn đầu mới thành lập, trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cả sau này, theo Giáo sư Devarajan, chính là khả năng tập hợp và đoàn kết các tầng lớp quần chúng nhân dân từ đó tạo nên cơ sở mạnh mẽ ủng hộ Đảng.

Sự hình thành của Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những thành công về quân sự và chính trị khẳng định vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Thành công của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã truyền cảm hứng cho nhiều phong trào cánh tả và xã hội chủ nghĩa trên khắp thế giới.

Giáo sư Devarajan nhận định, kể từ khi thành lập vào năm 1930, chặng đường của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được xác định bằng cam kết nhất quán về chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc. 95 năm phát triển phản ánh sự kiên cường, quyết tâm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vượt qua những thách thức cả bên trong và bên ngoài.

Cam kết về mặt tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với chủ nghĩa Marx-Lenin, sự tập trung kiên định vào nhu cầu và nguyện vọng của người dân, cũng như khả năng đoàn kết các tầng lớp xã hội khác nhau dưới một ngọn cờ chung chống chủ nghĩa đế quốc và tiến lên xã hội chủ nghĩa là trọng tâm cho khả năng của Đảng trong việc duy trì vai trò cách mạng của mình qua nhiều thập kỷ đấu tranh. Vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đưa Đảng trở thành lực lượng kiên định và quyết tâm nhất trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và công bằng xã hội của Việt Nam.

Theo Giáo sư, cam kết về mặt tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ nhằm giải phóng Việt Nam khỏi ách thống trị của ngoại bang mà còn giải quyết những bất bình đẳng xã hội sâu xa trong xã hội Việt Nam. Tầm nhìn này đã gây được tiếng vang trong nhiều tầng lớp dân chúng, bao gồm cả nông dân, công nhân và trí thức, những người đã đoàn kết với nhau bởi lời hứa về cải cách ruộng đất, công bằng xã hội và độc lập.

Sự lãnh đạo của Đảng tập trung vào điều kiện vật chất của quần chúng, đưa ra tầm nhìn về một trật tự xã hội mới không bị bóc lột. Không giống như các phong trào dân tộc chủ nghĩa khác, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ hứa hẹn độc lập dân tộc mà còn tìm cách giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống như nghèo đói, bất bình đẳng và công bằng xã hội.

Chính vì thế, theo Giáo sư Devarajan, các chính sách hướng tới người dân là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đảng Cộng sản Việt Nam giữ được vai trò cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh những chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho giai cấp công nhân và nông dân, thành phần chiếm đại đa số dân chúng. Những chính sách này bao gồm cải cách đất đai toàn diện, cung cấp giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí, đảm bảo quyền của phụ nữ, bảo vệ quyền của người lao động và tái phân phối của cải và công bằng xã hội.

Những chính sách này đã tạo nền tảng cho sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng và sự thành công cách mạng lâu dài của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là một đảng hành động quan tâm sâu sắc đến việc cải thiện đời sống vật chất của nhân dân chứ không chỉ là những lý tưởng cách mạng trừu tượng.

Đảng Khối Tiến lên Toàn Ấn Độ (AIFB) ghi nhận rằng trong suốt lịch sử của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững vai trò cách mạng thông qua sự cam kết kiên định với nguyện vọng của nhân dân. Sự cống hiến về mặt tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho chủ nghĩa xã hội, khả năng xây dựng các chính sách giải quyết nhu cầu trước mắt của người dân và khả năng lãnh đạo đoàn kết quần chúng chống lại các thế lực thực dân và đế quốc là rất quan trọng cho sự thành công của Đảng.

Tinh thần cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ được duy trì nhờ những chiến thắng quân sự mà còn nhờ những nỗ lực không ngừng nhằm biến đổi xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua nỗ lực xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, cải thiện phúc lợi xã hội và thúc đẩy ổn định chính trị, đã giúp tạo ra một xã hội, tuy phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn tập trung vào khát vọng của người dân về bình đẳng, độc lập và công bằng.

Giáo sư Devarajan đặc biệt nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cách mạng khác, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng không mệt mỏi đấu tranh giải phóng dân tộc và chuyển hóa xã hội chủ nghĩa.

Khả năng đoàn kết các nhóm xã hội đa dạng, huy động sự ủng hộ của quần chúng và tuân thủ các nguyên tắc cách mạng cốt lõi của mình đã cho phép Đảng duy trì vai trò trung tâm trong việc định hình vận mệnh của Việt Nam, đưa ra một mô hình lâu dài cho các phong trào xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang