Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

Có biện pháp can thiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt

Thứ Hai, 05/06/2023 08:44

|

(CAO) Sự cố rút tiền hàng loạt đòi hỏi phải xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, khác với các trường hợp tổ chức tín dụng yếu kém qua theo dõi phải được can thiệp.

Điểm mới đáng chú ý tại dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trình Quốc hội sáng nay (5/6) có liên quan đến các biện pháp can thiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bị rút tiền hàng loạt.

Phản ánh ý kiến của cơ quan thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, quy định này là cần thiết và tạo tính chủ động để bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là trong bối cảnh xảy ra một số trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình

Tuy nhiên, theo ông Thanh, các biện pháp nêu tại Điều 148 của dự thảo Luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài (chủ yếu từ NHNN) mà chưa có những biện pháp tự thân của TCTD để nhanh chóng khắc phục tình trạng rút tiền hàng loạt.

“Chẳng hạn như vấn đề chuẩn bị tiền mặt, xử lý truyền thông, phối hợp với cơ quan chức năng, bảo đảm ổn định trật tự, an toàn tại điểm giao dịch, củng cố quản trị, điều hành, năng lực tài chính của TCTD để ổn định lại hoạt động” – ông Thanh phân tích.

Đi kèm với hỗ trợ từ phía NHNN, cơ quan thẩm tra nói, quy định về việc được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp hỗ trợ TCTD có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại của TCTD, làm hạn chế động lực phải khắc phục ngay khó khăn trước mắt cũng như có những giải pháp ổn định trong lâu dài của TCTD.

Phiên làm việc của Quốc hội sáng 5/6

Quá trình thẩm tra, có ý kiến đề nghị làm rõ mối liên hệ, sự tương quan giữa biện pháp can thiệp trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt (Điều 148) với các biện pháp can thiệp sớm (Điều 145), vì trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt là một trong các trường hợp áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nhưng hiện đang quy định 2 biện pháp riêng.

“Ủy ban Kinh tế thấy rằng sự cố rút tiền hàng loạt đòi hỏi phải xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, khác với các trường hợp TCTD yếu kém qua theo dõi phải được can thiệp” – ông Thanh nêu và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định có liên quan đến các biện pháp can thiệp sớm và biện pháp TCTD bị rút tiền hàng loạt.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn tại dự thảo Luật các biện pháp can thiệp trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp từ chính TCTD và từ phía NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước; bảo đảm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên cũng như các biện pháp hiệu quả, phù hợp.

Đề cập đến quy định thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm (TSĐB), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đánh giá, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 187 dự thảo Luật) đã có sự điều chỉnh so với nội dung của Nghị quyết số 42.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra

Theo đó, số tiền thu hồi từ việc xử lý TSBĐ sau khi trừ đi chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được thực hiện theo thứ tự: các khoản án phí trực tiếp liên quan đến việc xử lý TSBĐ đó, thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính TSBĐ đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ.

Xếp thứ 2 trong thứ tự ưu tiên là thanh toán cho nghĩa vụ nợ, tiếp theo là các nghĩa vụ án phí, thuế khác và cuối cùng là nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.

Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Lưu ý quy định như dự thảo Luật chưa rõ nghĩa vụ nộp án phí, thuế đối với trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ hoặc trong trường hợp chủ nợ bị giải thể, phá sản, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật việc ưu tiên nộp các khoản án phí và thuế liên quan trực tiếp đến TSBĐ, kể cả trong trường hợp tài sản đó được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ theo quy định tại Điều 308 Bộ luật Dân sự.

Trường hợp chủ nợ bị giải thể, phá sản, thứ tự phân chia tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật Phá sản.

Bình luận (0)

Lên đầu trang