Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa báo cáo Quốc hội một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp 5.
Tại báo cáo này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, các cân đối lớn được bảo đảm, thu nhập của người lao động được cải thiện.
“Thu nhập bình quân của người lao động qúy I là 7 triệu đồng, tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước” – ông Dung thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ lên "ghế nóng" trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 6/6 tới
Nhìn nhận thị trường lao động có sự phát triển nhẹ nhờ sự tăng trưởng ở ngành thương mại - dịch vụ, song Bộ trưởng Dung phản ánh, diễn biến cuối tháng 4 và tháng 5 về sản xuất kinh doanh kéo theo vấn đề lao động, việc làm có diễn biến khó khăn hơn.
Theo ông Dung, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Tương ứng với đó, 509.903 lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng).
Nêu giải pháp, tư lệnh ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Song song với đó, theo ông Dung, cần thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.
Ông Dung cũng lưu ý cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng…
Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc cũng là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.
“Do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều nên khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn nên đã rút BHXH 1 lần” – ông Dung cho biết.
Bên cạnh đó, sự thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng được Bộ trưởng Dung nhìn nhận như một nguyên nhân vì chưa giúp người lao động duy trì được việc làm, như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp…
Dẫn báo cáo của BHXH Việt Nam, ông Dung cho hay, trong năm 2022, số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.
Giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người, chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng.
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn; sửa đổi quy định chính sách phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn để người lao động tham gia BHXH.
Vẫn theo ông, phải tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội…
Theo chương trình kỳ họp 5, Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên sẽ trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 này.
Nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng Dung sẽ bao gồm giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm cũng sẽ được đặt ra với tư lệnh ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.