(CAO) Vừa mới chào đời, bé đã phải mang khối bướu vùng cổ. Ban đầu, bướu chỉ bằng hạt đậu, nhưng chỉ sau một đêm người mẹ đã ngất xỉu khi thấy bướu đã to lên một cách bất thường chiếm gần hết khuôn mặt của bé.
Đó là trường hợp của bé trai Phạm Thành Nam (2 tháng tuổi, ngụ tại ấp Long Tân, xã Long An, thị trấn Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Bé Nam đang điều trị cách ly tại Khoa Sơ sinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Lúc mới sinh ra tại bệnh viện tỉnh Vĩnh Long, các bác sĩ đã chuẩn đoán bé bị bệnh viêm phổi nặng và bị bướu ở quai hàm. Ban đầu, bướu trên quai hàm của bé chỉ bằng hạt đậu, hơn 1 giờ sau, bướu to lên bằng ngón chân cái.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (37 tuổi, mẹ bé Nam) cho biết, lúc đầu quai hàm xuất hiện bướu nhưng nhỏ bằng ngón chân nhưng chỉ sau một đêm bướu đã to lên một cách bất thường chiếm gần hết khuôn mặt cháu. Vì thế, các bác sĩ bệnh viện tỉnh Vĩnh Long đã yêu cầu gia đình chuyển bé lên TP.HCM chữa trị càng sớm càng tốt.
Nhưng vì không có tiền nên gia đình không thể thuê xe cấp cứu đưa cháu lên TP.HCM để chữa trị. Các bác sĩ phải cho gia đình đi nhờ một chiếc xe cấp cứu khi xe này vừa trả bệnh nhân từ TP.HCM về bệnh viện Vĩnh Long.
Bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Sơ sinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, kết quả chịp CT cho thấy, khối bướu của bé khá lớn, lan xuống lưỡi, hàm, cổ 2 bên. Hiện bé đang nằm điều trị cách ly vì bé có thêm tiền sử viêm phổi.
Bướu mọc lấn lên trên cả hàm trước khiến lưỡi cháu bé nhô ra gây khó khăn cho việc bú sữa
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, dạng bướu của bé Nam là dạng bướu tân dịch hay bướu bạch mạch, là một bất thường bẩm sinh của hệ bạch huyết, dẫn đến hình thành những u có nhiều nang hoặc một nang. Dạng thương tổn này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên trong một số nghiên cứu cho thấy u thường xuất hiện nhiều ở vùng đầu, cổ và nách.
Bướu bạch mạch là dạng u lành tính, nhưng do tính chất dễ lan rộng của u, nên trong nhiều trường hợp, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân vì chèn ép vào các cơ quan xung quanh, đặc biệt là hệ hô hấp.
Do đó, bướu dù được điều trị phẫu thuật cắt đi nhưng khả năng tái phát vẫn cao do khả năng không lấy hết được khối u. Những năm gần đây thế giới có ứng dụng tiêm thuốc vào khối bướu nhằm làm xơ dính và xẹp bướu, hạn chế tối đa khả năng tái phát của bướu.
Với trường hợp của bé Thành Nam, các bác sĩ Bệnh viên Nhi Đồng 1 chuẩn đoán khối bướu ảnh hưởng trực tiếp đến dây thanh quản. Cháu còn quá nhỏ và yếu nên không thể phẫu thuật ngay lúc này vì có thể liên quan đến tính mạng. Hiện các bác sĩ tiến hành tiêm chích để làm xơ bướu chờ khi thích hợp mới xem có thể phẫu thuật được hay không.
Gia đình bé Nam thuộc diện khó khăn, không có đất làm ăn và cả gia đình đang phải ở nhờ trên đất của nhà vợ, căn nhà của chị Tuyền đang sinh sống cũng gần sập vì quá mục nát. Hằng ngày, hai vợ chồng kiếm sống bằng nghề làm phụ hồ từ sáng đến chiều tối.
Anh chị có 3 người con, con đầu của họ năm nay lên lớp 8, còn bé kế út lên lớp 3 và bé Nam. Vì hoàn cảnh thiếu thốn nên hai anh em được nhà nước hỗ trợ tiền học phí.
Chị Tuyền bị bệnh yếu tim nên không thể cho con bú sữa. Vì thế, từ lúc mới sinh ra bé đã chịu thiệt thòi khi phải bú sữa bình tự pha, nhưng do khối bướu chèn ép nên việc uống sữa của bé cũng rất khó khăn. Bướu của bé khá lớn khiến mặt cháu bé bị ngả về một phía. Bướu mọc lấn lên trên cả hàm trước khiến lưỡi cháu bé nhô ra và bít luôn cả cuốn họng gây khó khăn cho việc bú sữa.
Hiện tại, chị Tuyền vẫn hằng ngày chăm sóc con ở Khoa Sơ sinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Các nhà hảo tâm, mạnh thường quân nào muốn giúp đỡ có thể hỗ trợ phần nào cho gia đình cháu bé sớm vượt qua gia đoạn hiểm nghèo.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết thêm, loại bướu u nang bạch mạch ở bệnh nhi không phải là một loại bướu hiếm. Mỗi năm, bệnh bệnh viện phẫu thuật 30-40 ca loại bướu này.
Hiện tại khoa Sơ sinh cũng có một trường hợp, đó là bé Tô Gia M. (2 tháng tuổi, ngụ tại Cà Mau). Khối bướu của bé M. cũng đang dần xâm chiếm khuôn mặt của bé.