(CAO) Chồng bị bệnh gan giai đoạn cuối nằm bất động suốt nhiều năm, một mình chị Ka Chơi phải nuôi chín đứa con và người mẹ già. Miếng cơm manh áo là nổi lo thường trực, còn thịt, cá là món ăn xa xỉ đối với người phụ này.
Vượt hơn 20km, từ trung tâm TP.Đà Lạt chúng tôi tìm đến gia đình chị Ka Chơi (38 tuổi), ngụ buôn Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Nhiều năm qua, chị Ka Chơi phải một mình nuôi chín đứa con, người chồng bị bệnh gan giai đoạn cuối nằm bất động trên giường và người mẹ già ốm yếu.
Túng quẫn vì... trời cho có thai
Trong căn nhà gỗ chỉ chừng 20m2 đã dột nát vì thời gian, xung quanh được che bởi tấm bạt cũ kỹ, tài sản quý giá nhất ngoài những cái xông, nồi và vài lon gạo là hình ảnh chín đứa con nheo nhóc đang khóc vì đói khát.
Chị Ka Chơi và các con của mình
Ngậm ngùi khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình, chị Ka Chơi cho biết: “Một mình tôi phải nuôi 12 miệng ăn, lại phải lo tiền thuốc thang cho chồng bị bệnh gan giai đoạn cuối. Nhiều lúc túng quẫn tôi phải mượn gạo của bà con hàng xóm, có khi người ta không cho mượn nữa. Không có ai thuê làm gì thì cả nhà phải nhịn đói. Đã nhiều năm nay, gia đình tôi hiếm khi biết tới mùi thịt, mùi cá”.
Chị Ka Chơi chưa kịp dứt lời thì đứa con út mới một tuổi khóc ngằn ngặt dưới nền đất vì thèm sữa. Đứa thứ tám chừng hai tuổi với khuôn mặt xanh xao vì bệnh đã mấy ngày nay không có tiền mua thuốc chạy lại bên chị. Còn anh Ha Thuông (45 tuổi), là chồng chị Ka Chơi, thì đang nằm bất động trên giường với hơi thở yếu ớt do bệnh gan hành hạ. Cũng do cảnh nghèo, thiếu thốn nhiều thứ mà Ka Đại đứa con lớn sau Ka Mai của chị Ka Chơi đã qua đời vì không có tiền mua thuốc chữa bệnh.
Chỉ tay vào bóng đèn điện còn lấm lem bụi, Ka Mai (đứa con đầu của bà Ka Chơi) nói : “Mỗi khi trời về tối, tụi con phải sống trong bóng tối. Nhà đã thiếu gạo nên không dám mở điện vì sợ dùng quá số tiền điện hằng tháng Nhà nước hỗ trợ”.
Bữa ăn hằng ngày của gia đình chị Ka Chơi phụ thuộc vào tiền thu được từ việc đi làm thuê. Những lúc có người thuê đi làm thì mới có tiền mua gạo để nấu cơm và mua vài con cá khô nuôi 12 miệng ăn. Còn những ngày thiếu thốn thì nấu cháo ngô. Có không ít lần gia đình chị Ka Chơi phải nhịn đói vì không có tiền đong gạo.
Nhắc đến cuộc đời của mình, chị Ka Chơi gạt đi nước mắt cho biết: “Năm 1997, tôi bắt được chồng, mới đầu hai vợ chồng tôi sống rất vui vẻ, thiếu thốn không nhiều. Nhưng khi các con lần lượt chào đời cũng là lúc bước vào vòng luẩn quẩn, đói kém, thiếu thốn nhiều thứ”.
Do không biết cách kế hoạch hóa gia đình nên lần lượt 10 người con (đã chết một còn 9) lần lượt ra đời trong cái đói nghèo. Đối với chị Ka Chơi, việc sinh đẻ chẳng khác gì trời sắp đặt, chị vẫn thơ ngây mà nói rằng: “Tôi có biết đến kế hoạch hóa gia đình là gì đâu, trời cho có thai thì nó phải ra thôi. Nhà mình đói quá, không muốn sinh nữa nhưng cái bụng mình cứ to ra, chẳng thấy nó nhỏ bao giờ!...”
Ăn cháo bắp sống qua ngày
Ngoài chín đứa con cùng người chồng bệnh tật, hiện chị Ka Chơi phải nuôi thêm mẹ già là bà Ka Pí (71 tuổi). Để nuôi sống 12 miệng ăn mặc dù chẳng lúc nào được no, hằng ngày chị Ka Chơi phải dậy từ rất sớm đi làm thuê đến tối mịt mới về.
Miếng ăn của 12 người phụ thuộc vào tiền làm thuê của người mẹ 38 tuổi
Chị Ka Chơi chia sẻ: “Tôi đi làm rẫy cho người ta mỗi ngày được 130.000 đồng về mua gạo nấu cháo bắp cho 12 người ăn. Hôm nào người ta không thuê, không mượn được gạo thì cả nhà nhịn đói… Nhà có 2 cái giường, một để mẹ mình ngủ, một bố nó và 3 đứa nhỏ, còn lại đứa ngủ trên bàn, đứa nằm dưới đất với tôi”.
"Tôi phải đi làm thuê suốt ngày nên không có thời gian chăm lo cho con cái, thậm chí đến việc làm giấy khai sinh cho chín đứa con cũng chưa xong. Chỉ có 4 đứa là có giấy khai sinh. Và cũng chỉ 4 đứa ấy được đến trường nhưng hiện còn hai đứa đi học là Ka Lai (13 tuổi) và Ha Guy (10 tuổi)”, nhìn vào đứa con nhỏ đang run lên vì bệnh nằm trên giường, chị Ka Chơi tủi phận.
Nghĩ đến việc một người phụ nữ tự thân nuôi 12 miệng ăn khiến chúng tôi vừa xót thương và cảm phục. Cũng chính vì đó mà cuộc sống của chị Ka Chơi luôn rơi vào bế tắc, đói kém triền miên. Những lúc thất nghiệp chị phải đi vay gạo về nấu cháo loãng cho con ăn. Đi vay nhiều lần có khi người ta không cho, nếu không có ai thuê làm gì thì cả nhà phải nhịn đói. Đã lâu lắm rồi nhà chưa biết tới mùi thịt, mùi cá, Chị Ka Chơi cho biết thêm.
Mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực triển khai các chương trình 30a, 135 về hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế địa phương đều ưu tiên hỗ trợ. Tuy nhiên, vì chồng bệnh tật, con cái đau ốm thường xuyên, nhà lại đông con, hầu như thiếu đói quanh năm. Chị Ka Chơi là lao động duy nhất nên gia đình rất khó để vươn lên thoát nghèo.
Gia đình của chị Ka Chơi thuộc diện hộ đặc biệt nghèo của buôn Đarahoa, xã Hiệp An. Hiện nay, gia đình đang rất cần sự giúp đỡ, cưu mang của tất cả mọi người.
Buôn Đarahoa cách UBND xã Hiệp An khoảng 7km và cách Trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20km. Đời sống của không ít gia đình đồng bào K’Ho nơi đây đang còn rất lạc hậu, khó khăn chồng chất. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn tình trạng sinh con không có kế hoạch.