Chàng thanh niên khiếm thị Tài Lộc ước mơ mở vựa ve chai cho mẹ

Thứ Bảy, 13/05/2017 07:20

|

(CAO) Câu chuyện về chàng trai khiếm thị với nghị lực "xương rồng" sẽ là bài học cho mọi người về sự nỗ lực, kiên trì đeo đuổi đam mê.

Giọt nước mắt bất lực của người mẹ

Gặp gỡ Tài Lộc sau cơn mưa rào bất chợt của Sài Gòn tháng 5, một cuộc trao đổi ngắn diễn ra tự nhiên như những câu hỏi thăm thường ngày nhưng lại khiến người nghe có đôi khi phải lắng lại bởi những lời chia sẻ chân thành.

Trần Tài Lộc – chàng sinh viên năm hai trường Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh từ lúc sinh ra đến bây giờ chỉ còn 30% thị lực. Mẹ Tài Lộc vốn là một người khiếm thị bẩm sinh, ước mong của cô có chăng chỉ là mong con mình có thể lành lặn ra đời như bao đứa trẻ khác... nhưng số phận thật biết trêu đùa lòng người.

Mẹ Tài Lộc mua bán ve chai kiếm sống qua ngày

Khi đứa bé ra đời, cô xót xa nhận ra đứa con trai bé bỏng của mình cũng mang trong mình khuyết tật về thị lực. Bác sĩ ngập ngừng thông báo, thị lực của cậu chỉ còn khoảng 30% khiến người mẹ không khỏi day dứt tự hỏi có phải chính mình đã di truyền căn bệnh cho con hay không.

Người phụ nữ không ngại mưa nắng tần tảo ngót nghét hơn chục năm nay mua bán ve chai kiếm sống qua ngày, cơm canh bữa đực bữa cái. Ngay cả việc bán buôn cũng dựa nhiều vào lòng tốt của người đời. Thị lực kém, cô chẳng thể tự mình đếm những chiếc lon hay cân những xấp giấy vụn, mọi chuyện đều nhờ sự giúp đỡ của những người bán hảo tâm.

Nếu ba Lộc không bệnh tật triền miên, mất khả năng lao động dẫn chán nản rượu chè, có lẽ gia đình đã không khổ sở đến thế. Mọi chi phí trong nhà trước giờ đều do một tay cô gánh vác. Lộc càng lớn, người mẹ ấy càng mang trong lòng nhiều nỗi trăn trở về tương lai của con. Làm sao để tránh lời trêu chọc của miệng người đời? Làm sao để con có thể hoà nhập với xã hội? Làm sao để con có cuộc sống không khổ như mẹ nó? Khi Lộc lên sáu, sau bao năm đắn đo nghĩ suy, cô đành dứt ruột gửi đứa con duy nhất của mình vào Mái Ấm Khiếm Thị Nhật Hồng, nghẹn ngào tự nhủ với lòng đó là cách tốt nhất cho đứa bé.

Tuy phải xa con nhưng Lộc sẽ được đi học, được sống trong môi trường với những bạn bè có cùng hoàn cảnh và hơn hết là tương lai biết đâu sẽ tươi sáng hơn. Nhớ con, trông ngóng con từng ngày, nhưng cô biết, ở đó con mình có bữa ăn no đủ, có thể đến trường, được chắp cánh ước mơ. Nhờ thế con tim người mẹ được an ủi và yên lòng phần nào.

Có thật sự Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo?

Lộc cứ thế lớn lên tại Mái Ấm Khiếm Thị Nhật Hồng, nơi có bạn bè đồng trang lứa, cùng hoàn cảnh xung quanh. Một cậu bé sáu tuổi là quá nhỏ để ý thức được khiếm khuyết sẽ ảnh hưởng đến thế nào chưa kể đến nỗi nhớ mẹ, nhớ gia đình luôn hiện hữu. Sài Gòn ấy, có bạc bẽo, có vô tình nhưng bất kỳ khi nào bạn cần vẫn có những cánh tay đưa ra sẵn sàng giúp đỡ.

Trong câu chuyện này, các ma sơ tại Mái Ấm chính là những thiên thần chắp cánh ước mơ cho cậu bé 6 tuổi. Những nỗi buồn tủi của Lộc đều qua đi nhờ sự quan tâm, ân cần chỉ dạy từng ngày giúp cậu hòa nhập cùng cộng đồng.

Tài Lộc bên bàn học

Từ một cậu bé nhút nhát, không bạn bè, không có những buổi ra ngoài đi chơi như những cậu trai cùng trang lứa thì giờ đây Lộc đã có bạn bè, có thầy cô luôn bên cạnh. Mái Ấm còn là nơi giúp Lộc phát hiện ra tài năng với âm nhạc, đặc biệt là niềm đam mê với các loại nhạc cụ. Trong các buổi sinh hoạt, cậu bé thị lực kém nhưng đôi tai hơn người, mê mẩn âm thanh trầm bổng của đàn ghi – ta, piano...

Đến lớp 9, các ma sơ còn khám phá ra giọng hát trời phú từ cậu học trò có máu nghệ sĩ. Nhờ sự động viên của các ma sơ, Lộc vừa học phổ thông vừa mạnh dạn thi vào Nhạc viện Thành Phố Hồ Chí Minh Khoa Nhạc cụ dân tộc, môn sáo trúc và được nhận bằng chính nỗ lực và tài năng của bản thân.

Giờ đây, cậu đang trong quá trình thi tốt nghiệp lớp 12 đồng thời là sinh viên năm 2 tại Nhạc viện. Càng lớn, cậu bé ngày xưa càng trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn rất nhiều. Lộc luôn tự nhủ với bản thân rằng mình may mắn hơn rất, rất nhiều những hoàn cảnh khác. Cậu luôn tự lập làm mọi thứ có thể bằng một thái độ tích cực. Điển hình là hàng ngày cậu luôn tự đến trường bằng xe buýt mặc cho đường xá đông đúc và tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Tài Lộc thăng hoa trên sân khấu

Khi được hỏi về gia đình, về mẹ, Lộc chưa bao giờ oán trách số phận, cũng chưa một lần thôi tự hào vì được sinh ra làm con của mẹ. Lộc được thừa hưởng từ mẹ không gì khác hơn chính là tinh thần lạc quan và ý chí mãnh liệt giữa cuộc sống còn đó bộn bề những khó khăn. Mỗi khi Lễ, Tết, Lộc đều trở về nhà phụ giúp gia đình, mơ ước của Lộc là mở cho mẹ một vựa ve chai để mẹ đỡ khổ cực. “Hoa” của mẹ chẳng phải chính là đã sinh ra một đứa con tuyệt vời như thế hay sao? Cậu học trò ấy, nói là làm.

Hát Mãi Ước Mơ là sân khấu đầu tiên chàng khiếm thị được hát cho thỏa lòng…

Tham gia “Hát Mãi Ước Mơ”, một cuộc thi hát giành phần thưởng cho người mình yêu thương, cũng chính là lần đầu tiên Lộc biểu diễn trên một sân khấu lớn. Với năng khiếu sẵn có, Lộc lọt sâu vào vòng trong, nhận được cơn mưa lời khen từ Trấn Thành, Cẩm Ly và cuối cùng mang về giải nhì cùng số tiền 25 triệu đồng. Lộc phấn khởi cho biết cậu sẽ dành hết số tiền này cho người mẹ bao năm vất vả. Cậu cũng không quên gửi lời tri ân và biết ơn với những người đã tạo nên một chương trình đầy ý nghĩa.

Tài Lộc gây bất ngờ cho ban giám khảo bằng khả năng của mình

Nhắm mắt lại, âm thanh từ các loại nhạc cụ khác nhau vang lên, hòa quyện một cách hoàn hảo tạo nên một bản nhạc không thể quên. Lộc – một người khiếm thị – có ước mơ trở thành một nhà sản xuất âm nhạc. Chỉ cần nói đến âm nhạc, khuôn mặt Lộc bỗng bừng sáng. Việc học tại Nhạc viện đã là một nỗ lực đáng khen của cậu học trò chịu khó vì đọc nốt, ký âm luôn là nỗi ám ảnh không ngừng. Một lần nữa, thầy cô, bạn bè... mỗi người góp một ít gió với hy vọng Lộc sẽ tạo được “cơn bão” lớn sau này.

Phần thưởng đầu tiên mà Tài Lộc mang về cho mẹ và tặng chính mình

Nhờ có nền tảng nhạc lý trong quá trình học tại Nhạc Viện, Lộc tự tin với ước mơ của mình. Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể thành công mà thiếu đi một mơ ước, đúng không? Trên con đường đi đến ước mơ đó, Lộc đã và đang gặp không ít những thử thách. Đam mê ghi-ta, piano nhưng những nhạc cụ này thường được biểu diễn trong những bản nhạc cổ điển nhiều nốt rất khó khăn để theo đuổi nên cậu tập trung vào sáo trúc, môn cậu giỏi nhất.

Hàng ngày, Lộc vẫn cần mẫn tự học, tự luyện tập, lên mạng tìm hiểu tràu dồi thêm nhiều kinh nghiệm hay cho những nhạc cụ khác. Bước tiếp theo mà Lộc đang chuẩn bị đó là có thể tham gia vào môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, gặp gỡ nhiều nhà sản xuất, ca sĩ, nghệ sĩ... để dần dần tiếp cận với ước mơ sản xuất âm nhạc của mình. Chắc chắn, đam mê và một lối đi đúng sẽ chắp cánh cho ước mơ của Lộc bay xa hơn nữa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang