Người cha nuôi con bệnh teo não: 'Gia tài lớn nhất của tôi là hai đứa con'

Thứ Sáu, 12/05/2017 14:29

|

(CAO) Trong xã hội hiện đại khi con người ta càng ngày càng thực dụng chỉ biết nghĩ có lợi ích bản thân trước hết thì đâu đó lại xuất hiện những số phận đáng cho chúng ta phải suy ngẫm. Anh Đặng Hữu Nghị - người cha một mình nuôi nấng hai con mắc bệnh teo não ngặt nghèo khiến các bậc làm cha, làm mẹ giật mình nhìn lại... trên đời này vẫn còn tình phụ tử thiêng đến như thế sao?

Rơi nước mắt với bài hát 'Gà trống nuôi con' của người cha nuôi 2 con bại não
 

Đến thăm cha con anh trong một buổi chiều mưa, đoạn đường dài hơn 25 cây số gập ghềnh được ví như chính cuộc đời anh: gian nan, gập ghềnh không kém. Thế nhưng, người đàn ông ấy vẫn luôn giữ nụ cười lạc quan trên môi, chính điều đó đã khiến trái tim chúng ta phải thổn thức.

“Đau lòng nhất là vợ cho con lên xe ôm chở trả lại cho nhà…”

Anh Nghị quê tận Nam Đông, Thừa Thiên – Huế, một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc màu da cam. Những tưởng hậu quả chiến tranh tàn khốc đã không còn, vậy mà số phận trớ trêu, hai đứa con anh lần lượt ra đời mang trong mình khuyết tật không thể chữa khỏi khiến cả gia đình anh suy sụp.

Nhưng người ta có câu: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”, hai “trái tim vàng” cùng nhau san sẻ thì sóng lớn thế nào cũng có thể vượt qua. Vậy mà, chỉ sau 6,7 năm chung sống, mặc cho anh van nài đến đâu, người vợ vẫn lạnh lùng dứt tình dứt nghĩa ra đi. Ban đầu, vợ anh nhận nuôi đứa nhỏ nhưng chỉ sau một năm, người phụ nữ ấy nhẫn tâm rũ bỏ “giọt máu” của mình, cho xe ôm trả đứa út về nội khiến anh bàng hoàng.

Gương mặt chất chứa nhiều nỗi niềm khó tả, anh Nghị cho biết câu chuyện chỉ có người trong cuộc là hiểu rõ, kể ra cũng không ai tin, người ta chỉ nghĩ anh kể xấu vợ. Ngay cả hàng xóm xung quanh cũng không hiểu tại sao anh sống một mình. Họ cười khẩy nói: “Hai đứa con đã như vậy thì làm sao vợ ly dị được!”. Khi hỏi anh có từng nghĩ sẽ đi bước thêm bước nữa để tìm ai đó san sẻ gánh nặng nuôi con, người cha khắc khổ chỉ cười nhẹ và cho biết chính người mẹ mang nặng đẻ đau còn không chịu cực nỗi, huống chi là người khác, rằng người ta thà sống độc thân chứ không muốn “mang gông vào cổ”.

Người ta thường nói, chỉ có cha bỏ con chứ mẹ tuyệt đối không bao giờ. Tréo ngoe thay, anh Nghị lại chính là người ở lại.

Dù cuộc đời có đắng cay, có vùi dập anh đến tận cùng, anh vẫn xem hai con là tài sản quý giá nhất, không gì có thể thay thế được.

Người cha cơ cực từng mang đứa con bệnh tật bôn ba kiếm sống nơi xứ người

Trong suốt một năm sau khi ly dị, anh cùng đứa con lớn rong ruổi mưu sinh khắp nơi từ Châu Đốc, An Giang, Phú Quốc đến Cam-pu-chia, Thái Lan. Anh kinh qua biết bao nhiêu là nghề, từ bán vé số, bán kẹo... nhưng người mua thì ít, người hiểu lầm, đánh anh thì nhiều.

Gần cuối 2013, anh đánh liều mang con trai lớn qua Thái Lan khi ấy đang có biểu tình để bán kẹo. Không người thân, không biết đường, không biết tiếng Thái lẫn tiếng Anh, hai cha con sống chui nhủi, ở bờ ở bụi với dân biểu tình. Đã có lúc, khi đang hát rong bán kẹo, anh bị người ta miệt thị, dòm ngó với ánh mắt khinh khi để rồi nước mắt thay phiên rơi, lòng thì đau thắng vì tủi hờn.

Bị quỵt tiền nhà trong những ngày đầu cùng hai con “chân ướt chân ráo” vào Sài Gòn

Trải qua những ngày tháng bôn ba nơi xứ người, dành dụm được một số tiền, anh luôn mơ ước về cảnh gia đình sẽ được đoàn viên. Rồi trong một lần gọi điện về hỏi thăm, mẹ anh đã khóc nức nở rồi cho biết vợ anh đã trả lại đứa con trai nhỏ cho bà nội nuôi trong khi bà thì đang đau mắt không giữ được cháu nhỏ.

Anh tức tới nỗi không ở yên được ngày nào. Sự thương con trong anh trỗi dậy, tất cả số kẹo chưa bán hết anh bỏ lại Thái và tức tốc về nước. Mất hai, ba ngày đi xe về Việt Nam, anh bồng hai đứa vô Sài Gòn sinh sống. Tay ẵm, tay bồng cực khổ, một mình anh vừa làm cha làm mẹ nuôi con, nhất là hai đứa con còn bị khuyết tật, không hiểu chuyện hay quậy phá: “Cực khổ trăm bề, kể ra là hết nước mắt”.

Lần đầu chân ướt chân ráo lên thành phố ở trọ, anh đau đớn bị chủ nhà gạt mất một tháng tiền nhà và cưỡm luôn số tiền cọc. Những lần mướn nhà sau đó cũng không được suôn sẻ vì hai đứa con hay la hét ồn ào khiến cả nhà bị chủ đuổi đi. Sau cùng, anh tìm được một căn trọ ở huyện Bình Chánh và sống ổn định cùng hai con đến giờ.

“Cuộc đời tôi không dám tính trước chuyện gì nữa. Càng tính mọi chuyện càng trật lất”

Chia sẻ về cơ duyên đến với Hát Mãi Ước Mơ, anh cho biết mình mới sắm thùng loa từ Tết để kết hợp niềm đam mê ca hát vào công việc bán kẹo. Tâm trạng của hai bé cũng vui hơn khi nghe cha hát. Một ngày khi đang hát rong trên chiếc xe tự chế cùng hai con, có người đến hỏi anh về việc tham gia một chương trình ca hát ý nghĩa, ngoài việc thể hiện đam mê, anh còn có thể lãnh một số tiền thưởng trang trải cuộc sống.

Không suy nghĩ nhiều, anh đăng ký ngay vì cho biết ca hát là niềm đam mê từ nhỏ của mình. Vừa thỏa niềm mơ ước, vừa có thể thả mọi nỗi ưu phiền, đau buồn vào âm nhạc. Có những bài hát khi hát xong khiến anh khóc sướt mướt tủi thân vì đúng hoàn cảnh, tâm trạng.

Tham gia chương trình, anh cầu mong sao mọi người không hiểu lầm mình nữa. Từng có nơi làm phóng sự về gia đình anh rồi lại bóp méo câu chuyện, đặt nghi vấn anh bắt cóc con trẻ em đi xin ăn khiến anh bị nhiều người kết tội, đánh đập mà không biết nguyên nhân. Sau đó, anh mới biết những người đó đã xem đoạn phóng sự nói sai sự thật về mình.

Trấn Thành, Cẩm Ly xúc động trước câu chuyện của anh Hữu Nghị

Ôm con đang nằm ngoan uống sữa, anh nhìn xa xăm về phía đồng trống mà trải lòng: “Cuộc đời tôi không dám tính trước chuyện gì nữa hết. Càng tính thì mọi chuyện càng trật lất. Mình sống ngày hôm nay chỉ biết hôm nay, không biết ngày mai sẽ ra sao”. Anh mong sao có sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để cha con anh không phải đi bán nắng mưa cực khổ và bị người đời dèm pha.

Ước mơ giản dị của anh là được chiều chiều chở con đi dạo cho tâm trạng con vui vẻ, đỡ bức bối giữa bốn bức tường. Quả thật, lắm lúc cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi bé lớn bất ngờ lao đến đánh cha rất đau nhưng anh Nghị chỉ nhỏ nhẹ khuyên: “Con đừng đánh cha đau, con chỉ thương cha thôi nha” khiến ai trông thấy cũng phải chạnh lòng. Anh mong muốn sắp tới tìm được công việc có thu nhập ổn định và mướn một người tin tưởng để trông hai bé, đỡ đần một phần công việc vì anh cũng đang bị thoát vị đĩa đệm rất nặng.

Đàn ông khóc…khóc cho nỗi nhọc nhằn của đời….nhưng vẫn lạc quan sống

Rời khỏi căn nhà nhỏ của anh Nghị vào lúc trời chập choạng tối, chúng tôi nắm chặt đôi bàn tay thô ráp của người cha “gà trống nuôi con” tuyệt vời nhất thế gian: “Tạm biệt anh người đàn ông mạnh mẽ”. Đột nhiên, anh bật khóc nức nở như một đứa trẻ, rũ bỏ hết lớp vỏ nghị lực thường thấy.

Có lẽ đúng như lời Trấn Thành đã thốt lên trong chương trình: “Đã lâu anh Nghị không cảm nhận được tình thương và san sẻ giữa người với người”. Câu hát anh từng thể hiện trong cuộc thi bỗng vang lên trong đầu chúng tôi khi trông theo bóng anh dần khuất trong khu xóm lao động nhỏ: “Tình cha ấm áp như vầng Thái Dương, ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn”.

Câu chuyện của anh Nghị như hồi chuông thức tỉnh cho những bậc làm cha làm mẹ giữa xã hội thời hiện đại. Với tình thương con vô bờ bến và tinh thần không đầu hàng trước số phận của anh, chắc hẳn sẽ khiến trái tim của hàng triệu khán giả một lần nữa thổn thức với nhiều nỗi niềm trăn trở.

Bình luận (0)

Lên đầu trang