Chút kỷ niệm với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Thứ Sáu, 08/05/2020 16:12

|

(CATP) Sáng 7/5, đọc tin trên báo, buồn nghẹn. Mới năm kia anh còn về họp mặt với anh em Báo CATP ngày 21-6, vậy mà giờ đã theo hương khói về trời!

Thời sinh viên, 1986 - 1988, ở ký túc xá Ngô Gia Tự (quận 5), các bạn tôi thích đàn, hát bài Thu hát cho người, nghe hoài đến thuộc.

Đầu tháng 4-1992, tôi về làm phóng viên Báo CATP, được làm quen với anh Vũ Đức Sao Biển, lúc đó là một trong bốn tổ trưởng phóng viên của báo. Anh đã ký tặng tôi trên bản copy bài Thu hát cho người và tôi đã khoe với các bạn ở ký túc xá Ngô Gia Tự từng thích bài hát này.

Khoảng tháng 5-1992, Bộ Ngoại giao nước ta nhờ Báo CATP chuyển món quà của Chủ tịch nước Cuba Fidel Castro cho người anh kết nghĩa là anh hùng Đinh Núp ở Việt Nam. Anh Huỳnh Bá Thành - Tổng biên tập Báo CATP đã giao cho anh Sao Biển và tôi, anh Châu Hùng mang món quà đặc biệt đó giao tận tay cụ Đinh Núp (1914 - 1999, nguyên ủy viên Ban thường vụ Quốc hội khóa IV năm 1976 - 1981); được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh phong Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1955.

Tác giả (bìa phải) cùng nhà văn Bùi Anh Tấn (bìa trái) - Phó tổng biên tập Báo CATP - trong một lần đến thăm nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển khi nghe tin ông lâm bệnh nặng.

Ba anh em chúng tôi đi hai ngày mới đến thị xã Pleiku (tháng 4-1999 mới lên TP.Pleiku) vì đường sá thời đó rất xấu. Sáng sớm hôm sau, anh Sao Biển gọi chúng tôi dậy, bảo đây là nhiệm vụ rất quan trọng và chúng ta sắp được gặp một nhân vật huyền thoại nên phải ăn mặc chỉnh tề, thắt cravat. Chúng tôi liên hệ với Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai thì được cho mượn một xe U-oát gầm cao máy mạnh, vì xe của Toyota Tecel đời cũ của tòa soạn không thể đi đường rừng. Từ Pleiku vào đến làng Sơ - Tơr (trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc gọi là làng Kông Hoa) thuộc xã Tơ Tung, huyện KBang, khoảng 40 cây số.

Khi chúng tôi đến làng, cụ Núp cũng vừa từ tỉnh về. Cụ vui vẻ kể: "Bác ghé Văn phòng Tỉnh ủy nghe có các cháu đến thăm, nên mua một đùi heo về đãi cơm. Nhưng ô tô chạy dọc đường xóc quá rớt mất, giờ để bác làm gà đãi các cháu". Năm đó, cụ Núp đã 78 tuổi, lông mày trắng và râu dài tới ngực bạc như cước, nhìn quắc thước như ông tiên.

Vì cụ là nhân vật lịch sử nổi tiếng, là biểu tượng của Tây nguyên anh hùng nên có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm. Tỉnh Gia Lai đã xây một căn nhà rông một trệt một lầu lợp mái ngói đỏ rất đẹp để cụ ở và tiếp khách. Thế nhưng hôm chúng tôi đến, cụ chỉ ở căn nhà tranh vách đất lụp xụp, sát căn nhà mới xây. Anh Sao Biển hỏi: "Sao bác không lên nhà lầu ở?". Cụ Núp đáp: "Nhà đó Chính phủ xây cho mình tiếp khách, người Ba Na thích đốt lửa trong nhà. Nếu bác ở trong nhà mới mà đốt lửa thì hư nhà của Chính phủ mất!". Câu trả lời làm chúng tôi càng kính phục người Anh hùng!

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, sinh năm 1948 tại Quảng Nam, đã qua đời đêm 6-5 tại TPHCM ở tuổi 72, sau hai năm chống chọi với ung thư.

Ông là nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo nổi tiếng với nhiều tác phẩm khán giả nằm lòng như: Thu hát cho người, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Điệu buồn phương Nam, Đau xót lý chim quyên...

Lễ nhập quan vào hồi 13 giờ ngày 7-5. Lễ viếng bắt đầu từ chiều ngày 7-5, tại tư gia 22/7 đường Tân Thới Nhất 18, phường Tân Thới Nhất, Q12. Linh cữu sẽ được an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương, vào sáng ngày 10-5.

CHIA BUỒN

Được tin nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo Vũ Đức Sao Biển, từng công tác tại Báo CATP qua đời, Đảng ủy, Ban biên tập, CBCS Báo CATP xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến của ông.

Thay mặt đoàn, anh Sao Biển trao món quà của Chủ tịch Fidel Castro cho cụ Núp. Đó là hộp xì gà Habana nổi tiếng thế giới do Cuba sản xuất. Khi tiểu thuyết Đất nước đứng lên được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, Chủ tịch Fidel Castro đã đọc và rất ngưỡng mộ anh hùng Đinh Núp, nên nhận làm anh kết nghĩa. Cụ Núp xúc động trước món quà đặc biệt của Fidel, cụ muốn nhờ Báo CATP chuyển lời cảm ơn đến lãnh tụ Cuba.

Trong chuyến công tác đáng nhớ đó, anh Sao Biển đã thể hiện một năng lực làm việc rất đáng nể. Khi đó tôi mới 28 tuổi, còn anh đã 44 tuổi. Khi về đến TPHCM, người tôi ê ẩm rã rời, phải ngủ đến trưa mới dậỵ nổi. Thế mà khi vào cơ quan, tôi đã thấy anh nộp một lèo 5 - 6 bài cho chuyến đi đó; không hiểu anh viết khi nào? (thời đó chỉ viết bản thảo tay, chưa có máy vi tính).

Bài chính của chuyến đi anh ký tên Sao Biển - Văn Long và chia cho tôi 100 ngàn đồng nhuận bút; số bài còn lại anh cảm nhận về từng sự kiện trên đường như: Gặp đoàn xe chở gỗ dài dặc, Một quán cà phê có tiếp viên nữ mặc váy thổ cẩm, Những cung đường đầy ổ voi, ổ trâu; Đêm cúp điện ở thị xã Tuy Hòa... Nói chung, anh nhìn đâu cũng ra đề tài và viết rất nhanh, chỉ một tiếng đồng hồ một bài. Tôi đã học được rất nhiều điều trong năm ngày đi công tác cùng anh và rất nể phục khả năng làm báo của anh!

Đầu năm 1993, Tổng biên tập Huỳnh Bá Thành mất vì bạo bệnh, anh Sao Biển có lý do riêng nên nghỉ làm việc tại Báo CATP sau đó vài tháng. Những năm gần đây cứ dịp 21-6 và kỷ niệm Ngày thành lập Báo CATP, anh lại về cơ quan cũ họp mặt cùng anh chị em các thế hệ. Mọi người đều quý mến anh nên sáng 7-5-2020 nghe tin anh mất, ai cũng bàng hoàng thương tiếc. Báo CATP xin chia buồn cùng gia đình anh, luôn nhớ đến anh - một nhạc sĩ, nhà báo, nhà văn, thầy giáo rất tài hoa, sống chan hòa, giản dị, giàu tình cảm. Kính tiễn hương hồn anh về trời!

Văn nghệ sĩ TPHCM tiễn biệt tác giả “Thu hát cho người”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang