(CAO) Những ngày qua, cơ quan chức năng bàn chuyện tu bổ Chùa Cầu (Hội An) làm “nóng” dư luận. Nhiều ý kiến được các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước… đưa ra đòi hỏi cần có giải pháp trùng tu khoa học, đảm bảo các yếu tố về lịch sử, văn hóa, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di tích Chùa Cầu…
Chùa Cầu là biểu tượng của Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới, được xây dựng đến nay hơn 400 năm. Dưới tác động của thời gian, thiên tai, con người khiến di sản này xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, ngày 16-8-2016, tại Hội An, một hội thảo quốc tế về “Trùng tu di tích Chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp” đưa ra nhiều ý kiến góp ý hết sức thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết, Chùa Cầu còn có các tên gọi khác như: Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.
Chùa Cầu - biểu tượng văn hóa phố Hội
Trải qua mấy trăm năm tồn tại, tính đến nay Chùa Cầu được tu bổ lớn 7 đợt (vào các năm 1763, 1815, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996) từ nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều lần tu bổ nhỏ ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn… của di tích. Theo ông Dũng, hiện nay Chùa Cầu đang đứng trước nguy cơ xuống cấp với áp lực ngày càng nặng nề hơn.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, muốn thực hiện tốt công tác trùng tu Chùa Cầu, điều đầu tiên đặt ra là phải khảo sát thật kỹ lưỡng hiện trạng của Chùa Cầu, từ đó có chuẩn đoán đúng “bệnh” mới có thể đề ra phương án phù hợp.
“Nên áp dụng những phương tiện khoa học công nghệ hiện đại hiện có ở nước ta hoặc có sự trợ giúp của tổ chức, cá nhân quốc tế để khảo sát, đánh giá mức độ hư hỏng của Chùa Cầu và đề xuất các phương án tu bổ phù hợp”, PGS Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng đề xuất 3 phương án trùng tu gồm: Tu bổ cục bộ, hỏng chỗ nào sửa chỗ đó; tu bổ theo cách hạ giải từng phần công trình, kết cấu của Chùa Cầu; tu bổ theo phương pháp hạ giải toàn bộ.
“Trong 3 phương pháp trên, phương án hạ giải toàn bộ để xử lý triệt để các hạng mục của Chùa Cầu là phù hợp với hiện trạng xuống cấp của Chùa Cầu hiện nay. Tuổi thọ của Chùa Cầu sau tu sửa kéo dài nhất, đỡ phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Trên thực tế, các hạng mục của Chùa Cầu có nhiều thay đổi, chân cầu có chỗ dịch chuyển ít nhiều, các cấu kiện gỗ qua nhiều lần tu sửa chất lượng cũng khác nhau. Vì thế, nếu không tu sửa tổng thể sẽ không tránh khỏi việc sửa đi sửa lại nhiều lần, sửa được chỗ này, một vài năm sau chỗ khác lại hỏng”- PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng nói.
Lưu dấu Chùa Cầu
PGS.TS Nguyễn Xuân Toản và ThS Nguyễn Duy Thảo đến từ Đại học Bách khoa Đà Nẵng lập luận, địa chất khu vực Chùa Cầu khá đồng nhất, chủ yếu là cát có trạng thái bão hòa, kết cấu xốp, chặt vừa, chặt đến rất chặt phân bố theo độ sâu từ trên xuống. Kết cấu khung, dầm đỡ, sàn đỡ đáy của Chùa Cầu hiện đủ khả năng chịu tải trọng bản thân và tải trọng người. Tuy nhiên có một số kết cấu bị mục và nứt làm suy giảm khả năng chịu lực cần phải gia cường hoặc thay thế.
Trong khi đó, kết cấu mố trụ cơ bản còn đủ khả năng làm việc theo phương thẳng đứng, chịu được tải trọng bản thân. Tuy nhiên, nhiều bộ phận kết cấu mố trụ bị rạn nứt, đặc biệt phần đáy móng của trụ bị xói, lở khá nguy hiểm cần phải gia cường kết cấu mố trụ và kết cấu móng.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhìn nhận: “Khe Ồ Ồ, nơi Chùa Cầu bắc qua sông Hoài đang sử dụng làm chức năng thoát nước thải của thành phố. Đây là nguyên nhân chính làm cho nước dưới chân Chùa Cầu bị ô nhiễm trầm trọng. Vì thế cần ưu tiên tìm biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đô thị trước khi xả vào Khe Ồ Ồ”.
“Chùa Cầu có 2 bộ phận cấu thành chính là móng, trụ cầu và khung sườn gỗ, mái ngói là đáng quan tâm nhất. Bằng mắt thường cũng dễ nhìn thấy sự sụt lún cơ bản được khắc phục vì Chùa Cầu được giải phóng khỏi chức năng công cộng bằng 2 con đường tránh ở phiá Bắc và một cây cầu gỗ ở phía Nam giáp sông Hoài. Tuy nhiên, vẫn nên sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại khảo sát, đánh giá lại khả năng chịu lực và độ bền vững của bộ phận móng, trụ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngoài ra, bộ khung, sườn gỗ và mái ngói được làm bằng chất liệu gỗ kém bền vững, lại phải chịu tác động của thiên nhiên khắc nghiệt hơn 400 năm qua, hiện đang xuống cấp trầm trọng, liên kết giữa các bộ phận kết cấu gỗ bị “nhả miệng”. Do đó cần đặt vấn đề hạ giải, xác định chính xác nguyên nhân gây hại và loại bỏ các cấu kiện gỗ không thể tái sử dụng để có biện pháp xử lý triệt để hơn, tạo được độ bền vững lâu dài cho di tích”, PGS Bài đề xuất.
GS Tomoda Hiromichi (Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản), 20 năm từ khi Nhật Bản tiến hành khảo sát Chùa Cầu. Sau đó, do khả năng kỹ thuật phía Việt Nam có nhiều tiến bộ đáng kể nên dường như phía Nhật ít tham gia xây dựng kế hoạch tu bổ di tích này.
“Chúng ta cần phương án tu bổ Chùa Cầu mà không làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa của di tích này. Sau khi đề xuất được phương án tu bổ Chùa Cầu, phía Nhật mong muốn tham gia ý kiến dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản”- GS Tomoda Hiromichi nhấn mạnh.