(CAO) Sáng 20-6 tại Hà nội Nhà xuất Bản CAND tổ chức giới thiệu cuốn sách Lê Vĩnh Hoà tuyển tập. Phó thủ tướng Trương Hoà Bình gửi lẵng hoa đến chúc mừng buổi lễ ra mắt sách.
Tới dự buổi giới thiệu sách có đồng chí Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Lãnh đạo Hội nhà văn, nhà báo, các nhà văn, nhà thơ trong ngoài lực lượng Công an nhân dân và đại diện gia đình Nhà văn- Liệt sĩ Lê Vĩnh Hoà.
Nhà văn Lê Vĩnh Hoà tên thật là Đoàn Thế Hối (SN 6-10-1932) tại Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định. Từ thủa nhỏ ông theo gia đình từ Bình Định vào sống tại xã Vĩnh Hoà, thuộc Rạch Giá, Kiên Giang. Vì tình yêu với quê hương thứ hai này nên sau này ông lấy bút danh là Vĩnh Hoà.
Ông từng theo học tại trường Nguyễn Văn Tố huyện U Minh; năm 1950 ông công tác tại Phân Liên khu miền Tây sau đó năm 1951 về công tác tại Hội Liên Việt Sóc Trăng, phụ trách học sinh. Bên ngoài ông tạo lớp vỏ bọc là gây dựng phong trào thanh niên nhưng bên trong là tổ chức lực lượng quân sự để diệt ác trừ gian và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Sau hiệp định Geneve năm 1954 Lê Vĩnh Hoà được cử ở lại Miền Nam tiếp tục phụ trách Thanh vận tại thị xã Sóc Trăng với vỏ bọc là giáo viên trườn trung học Trần Văn. Thời gian này ông viết văn, viết báo in trên các báo Tiến bộ, Nhân loại, Tiến thủ...
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười tặng sách và hoa cho bà Lê Thị Hạnh
Ngày 3-2-1957 ông được kết nạp vào Đảng với sự giới thiệu của đồng chí Trần Phong Sắc, Phó bí thư Thị uỷ Sóc Trăng. Tháng 10 năm 1958 ông bị địch bắt, toà án Quân sự Sài gòn kết án ông tội "xúi giục chống chế độ", bị địch giam cầm hết nhà lao này đến nhà giam khác khét tiếng như Sóc Trăng, Chí Hoà, Thủ Đức, Phú Lợi..., bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man, man rợ nhưng lòng dũng cảm, sự gan dạ, kiên trung của người chiến sĩ Cách mạng không hề khuất phục trước kẻ thù.
Năm 1963 ông được tha tù và chỉ một thời gian ngắn ông đã liên lạc với tổ chức để hoạt động trở lại và được phân công ra vùng giải phóng phụ trách Binh vận. Năm 1965 ông công tác ở tiểu Ban Văn Nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ, dùng ngòi bút của mình phản ánh trực tiếp cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta.
Ngày 7 tháng giêng năm 1967 ông hy sinh trong một trận đánh lớn tại Xẻo Giá, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Sau năm 1975 tên ông được đặt cho một con đường và một Ngôi trường tại Trung tâm TP Sóc Trăng. Nhà văn- Liệt sĩ Lê Vĩnh Hoà đã được truy tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất, năm 2001 được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với gia đình Nhà Văn- Liệt sĩ Lê Vĩnh Hoà.
Lê Vĩnh Hoà tuyển tập là cuốn sách dựa trên cơ sở cuốn tuyển tập Lê Vĩnh Hoà do Nhà Xuất bản (NXB) văn nghệ TP. HCM và NXB tổng hợp tỉnh Hậu Giang phát hành năm 1986. Nhà Xuất bản CAND sắp xếp lại và XB cuốn sách lần này nhằm giới thiệu và nhắc nhở người đọc về thân thế, sự nghiệp văn chương một Liệt sĩ tài ba trong chiến tranh.
Ông đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến giành lại Độc lập của dân tộc ta. Lê Vĩnh Hoà hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ ( 35 tuổi), một độ tuổi đang chín về mặt tài năng, ông chỉ cầm bút trong thời gian rất ngắn trong 4 năm nhưng Lê Vĩnh Hoà đã để lại cho đời một phong cách văn chương đặc sắc, đích thực không chỉ về số lượng tác phẩm mà còn là chất lượng của tác phẩm với nhiều thể loại như truyện ngắn, bút ký, tuỳ bút, phóng tác, thơ.
Những trang viết của ông vương đầy khói súng, khích lệ tinh thần chống giặc ngoại xâm của các thế hệ, thành tựu đáng kể nhất của ông là thể loại truyện ngắn và bút ký. Văn chương của Lê Vĩnh Hoà chia làm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất từ năm 1956 đến khi bị bắt tháng 10-1958 viết và Xuất bản công khai ngay trong lòng địch, giai đoạn thứ hai là từ năm 1964 đến 1966 lúc này ông viết trong vùng giải phóng Tây Nam Bộ.
Cuốn sách Lê Vĩnh Hoà tuyển tập do NXB Công an nhân dân phát hành.
Tại buổi ra mắt sách Trung tướng Nguyễn Xuân Mười đã gửi lời cảm ơn đến Nhà văn- Liệt sỹ Lê Vĩnh Hoà vì ông đã để lại cho đời những tác phẩm hay mang nhiều ý nghĩa giá trị giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống anh hùng dân tộc.
Trung tướng Mười cũng cảm ơn bà Lê Thị Hạnh người chiến sỹ Cách mạng vợ Liệt sỹ Lê Vĩnh Hoà đã gần 50 năm qua ở vậy thờ chồng nuôi con khôn lớn. Mặc dù năm nay bà Lê Thị Hạnh đã 83 tuổi sức khoẻ của tuổi già khiến việc đi lại của bà khá vất vả nhưng bà vẫn có mặt tại đây hôm nay để dự buổi lễ ra mắt cuốn sách quý của chồng mình".
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười chụp ảnh kỉ niệm với gia đình Liệt sĩ Lê Vĩnh Hoà
Quang cảnh buổi lễ