(CAO) Ở tuổi 75, gia tài lớn nhất của nghệ sĩ Mạc Can là những vai diễn, những tác phẩm. Ông vẫn sống một mình và có hoàn cảnh rất khó khăn.
Cha của Mạc Can là ảo thuật gia Lê Văn Quý, thuộc hàng quái kiệt thời bấy giờ. Tuổi thơ của Mạc Can là những ngày lênh đênh trên sông nước Mỹ Tho và các tỉnh miền Tây để đi “hát xiệc” cùng cha mẹ.
Những năm 60, do đời sống người dân khó khăn nên gánh xiệc của gia đình ông không có khán giả. Ông rời quê lên Sài Gòn, sống tại đường Nguyễn Biểu. Lúc này ở Sài Gòn có rất nhiều phòng trà ca nhạc, rạp chiếu phim, ông xin vào biểu diễn hài ảo thuật trong các chương trình gọi là “phụ diễn tân nhạc” để giúp vui, cũng như để “câu giờ” trong lúc các rạp chiếu chờ người mang bản phim đến.
Ông nói vì mình không có được vóc dáng to cao như những ảo thuật gia khác, nên khó “hớp hồn” khán giả, vì vậy ông chọn hướng diễn hài ảo thuật để phù hợp với vóc dáng bèo nhèo, nhỏ con và hay lăng xăng của mình.
Tuy nhận mình ít học và không biết cách viết xuống hàng như thế nào cho phải nhưng Mạc Can lại rất có duyên viết lách.
Đầu tiên có thể nói là vai trò viết báo. Ông kể thập niên 90, ông lân la vào các đoàn phim và tập viết báo với những tin nho nhỏ và được nhiều người gọi là ký giả cà phê.
Rồi sau đó ông có duyên được đạo diễn Thế Ngữ mời viết kịch bản cho chương trình Trong Nhà Ngoài Phố của HTV vì ông hay đi nhiều, biết nhiều. Một trong những vở kịch ấn tượng của Mạc Can trong chương trình Trong Nhà Ngoài Phố là vở “Cục gạch của ai” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Hồng Vân, Quang Đại, Lê Vũ Cầu, Anh Thư, Thanh Sơn, Phi Phụng,…
Vở nói về thời kỳ xăng nhớt còn hiếm và nhiều câu chuyện bi hài xung quanh việc mua bán xăng. Mạc Can cũng được đạo diễn Thế Ngữ ưu ái viết thêm cho mình 1 vai trong vở này. Đó là vai người đàn ông đi mua xăng chỉ để bơm cho chiếc hộp quẹt của mình.
Ông kể thời kỳ này Trong Nhà Ngoài Phố được rất nhiều khán giả yêu thích và tối thứ Năm tuần nào mọi người cũng ở nhà để đón xem. Chỉ cần xuất hiện trong chương trình là hôm sau ra chợ sẽ được khán giả, bà con tiểu thương ở chợ Bến Thành nhận ra ngay.
Cho đến bây giờ, nghệ sĩ Mạc Can vẫn xem đạo diễn Thế Ngữ là một người Thầy vì các kịch bản của ông thời đó được đạo diễn Thế Ngữ hiệu chỉnh và thêm thắt cho kịch tính hơn.
Việc tham gia chương trình Trong Nhà Ngoài Phố đã mở ra cho Mạc Can cơ hội đến với điện ảnh. Ông kể nhờ được xuất hiện trên ti vi mà sau đó ông được đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng Hoa mời vào một vai trong phim Ván Bài Lật Ngửa. Dù xuất hiện thoáng qua nhưng ông nói mình cảm thấy “rất oai” khi được xuất hiện trong bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Gắn bó cả đời với nghệ thuật, từ hát xiệc, diễn viên, ký giả kịch trường đến sáng tác kịch bản, viết văn…nhưng ở tuổi 75, gia tài lớn nhất của nghệ sĩ Mạc Can là những vai diễn, những tác phẩm. Ông vẫn sống một mình và có hoàn cảnh rất khó khăn.
Mới đây, vừa khỏe lại sau một thời gian bệnh nặng, Mạc Can đã tự mình chạy xe máy đến địa điểm quay ở quận Tân Phú để tham gia một chương trình truyền hình. Khi được hỏi liệu ông có tiếc nuối không khi trót làm nghệ sĩ, ông bảo mình không tiếc nuối và chưa từng có ý định bỏ nghề vì ông sợ những khán giả yêu mến ông sẽ buồn. Ông vẫn sống nhờ vào việc đi diễn và viết lách. “Kiếm được nhiều thì ăn nhiều, ít thì ăn ít, ít hơn nữa thì ăn cơm với chuối cũng đâu có sao” – ông nói.