(CAO) Ngày 31/10, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có công văn gửi Bộ VH-TT&DL về việc cung cấp các thông tin liên quan đến bức tượng đồng Nữ thần Durga.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, khu đền tháp Mỹ Sơn hiện do Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn thuộc UBND huyện Duy Xuyên quản lý và phát huy giá trị. Từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn chưa phát hiện hay quản lý bức tượng đồng Nữ thần Durga.
Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu, những năm sau chiến tranh, nhiều người dân xung quanh khu đền tháp Mỹ Sơn đã vào khu vực rừng Mỹ Sơn để tìm kiếm phế liệu còn sót lại. Do đó, có thể hiện vật bức tượng đồng Nữ thần Durga nêu trên bị thất lạc trong khu vực rừng Mỹ Sơn từ sau chiến tranh và nằm ngoài vùng lõi di tích (có diện tích 32ha) do Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn quản lý, sau đó được người dân phát hiện và bán trái phép cho các đối tượng chuyên mua bán cổ vật.
Tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay
"Trong Hindu giáo, Durga là một nữ thần đặc biệt, có dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của các tín đồ Hindu và được tôn thờ như biểu tượng của lực lượng siêu nhiên, thánh thiện, vị nữ thần diệt trừ và chiến thắng cái ác; đồng thời, nữ thần Durga còn được xem là một biểu tượng của tình yêu tinh khiết, lòng dũng cảm và ánh sáng. Vì vậy, nếu bức tượng đồng Nữ thần Durga được trưng bày, giới thiệu tại khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ góp phần thu hút du khách đến với di sản văn hóa thế giới này", công văn nêu.
Hôm 9/10, Bộ VH-TT&DL nhận được công văn của UBND tỉnh Quảng Nam về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Nam tiếp nhận cổ vật là bức tượng đồng Nữ thần Durga do các cơ quan chức năng Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trao trả.
Căn cứ các hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, để có thông tin xác định rõ địa điểm, thời gian cổ vật bị đánh cắp, đào bới bất hợp pháp và buôn bán ra khỏi địa phương trong năm 2008, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp, làm rõ các thông tin liên quan đến việc bức tượng đồng Nữ thần Durga bị đánh cắp trước đó tại địa phương.
Ngày 13/9/2023, tại London (Anh), đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã tiếp nhận bức tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay, có niên đại từ thế kỷ VII, với chiều dài khoảng 2m và nặng khoảng 250kg từ một gia đình người Anh. Thông tin từ Cục An ninh Nội địa Mỹ (HSI) cho biết, bức tượng trên đã được ông Douglas Latchford - một nhà buôn đồ cổ xác nhận có nguồn gốc từ Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) và đã bị đánh cắp vào năm 2008. Đây được xem là hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học, ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu văn hóa Chăm Pa của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
* Chiều cùng ngày, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) cho hay, thành phố đã chính thức gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Dịp này mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO đã kết nạp thêm 55 thành phố, đưa tổng số đô thị trong mạng lưới này lên 350 thành phố đến từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo toàn cầu ở lĩnh vực thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian.
Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo toàn cầu ở lĩnh vực thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian. Cùng gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO ở Việt Nam lần này có TP.Đà Lạt được công nhận ở lĩnh vực âm nhạc.
Thủ công truyền thống và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi, có thể kể đến như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da ... Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận. Nghệ thuật Bài chòi cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Các thành phố đủ tiêu chuẩn gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO phải có cam kết mạnh mẽ trong việc khai thác văn hóa và sáng tạo như một phần của chiến lược phát triển; đồng thời thể hiện được thực tiễn đổi mới trong quy hoạch đô thị lấy con người làm trung tâm.