(CAO) "Thời xa vắng" và "Sống ở đáy sông" là 2 tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu, đều đã được dựng thành phim, gây ấn tượng với nhiều thế hệ khán giả, độc giả.
Mới đây, bộ đôi tiểu thuyết này đã được Sbooks tái bản theo giấy phép ngày 4-5-2021 của NXB Văn học và được thị trường đón nhận khá tích cực, dù đang trong thời kỳ cả nước vất vả chống dịch Covid-19.
Thời xa vắng lấy bối cảnh nông thôn miền Bắc những ngày cách mạng tháng 8 với bề bộn đói nghèo và các hủ tục lạc hậu cho đến gần thập niên 80-TK20, khi đất nước bắt đầu đổi mới.
Nhân vật chính Giang Minh Sài là nạn nhân của nạn tảo hôn thời phong kiến, phải vùng vẫy bằng mọi cách để thoát khỏi Tuyết, người vợ do cha mẹ ép cưới, khi anh mới 10 tuổi. Thế nhưng, các ràng buộc vô lý từ gia đình, cơ quan, xã hội cứ ép anh phải cắn răng chịu đựng trong lúc anh chìm trong mơ tưởng, đau khổ với mối tình lãng mạn với Hương.
Sài ra mặt trận với nỗi u uất tình cảm như vậy, Sài không hề sợ chết, thậm chí mong chết để sớm được giải thoát khỏi ưu phiền. Nhưng đạn bom “chê” gã gàn này nên sau chiến tranh Sài từ miền Nam trở ra miền Bắc lấy vợ mới là Châu. Cuối cùng hôn nhân tan vỡ vì Châu lừa Sài hết lần này đến lần khác. Thất vọng, chán chường, Sài tìm lại tình đầu, nhưng Hương đã có chồng con và không muốn gia đình mình phải tan vỡ dù sâu xa Hương vẫn yêu Sài!
Cả cuốn sách gần 400 trang từ đầu đến cuối mang nỗi buồn và những trớ trêu theo số phận của Sài, theo mối tình của anh với Hương. Nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội lần lượt hiện lại theo từng bước chân đi tới của Sài, kể cả trước và sau chiến tranh kết thúc 30-4-1975.
Với Sóng ở đáy sông, Lê Lựu tập trung khắc họa nhân vật Núi. Núi là hình mẫu của sự hình thành tệ nạn, tội phạm. Núi sinh ra trong một gia đình phức tạp, cha có nhiều vợ và mẹ đẻ của Núi là người giúp việc bị ông chủ o ép.
Cha Núi là công chức thời Pháp thuộc, quen thói gia trưởng, vô trách nhiệm với con cái, ích kỷ, bảo thủ đến bất nhân. Từ một học sinh giỏi, một đứa con hiếu thảo, Núi đã bị hoàn cảnh (trong đó ông bố góp phần quan trọng) đưa đẩy thành kẻ trộm cắp, lưu manh.
Rất nhiều người là bà con, hàng xóm, công an và cả những em ruột của Núi đã cố gắng giúp Núi hoàn lương, nhưng ông bố tự tay viết đơn, nhờ các quan hệ quen biết để ép ông viện trưởng viện kiểm sát quận phải đưa Núi vào tù! Ông hỉ hả vì điều đó góp phần cho xã hội và gia đình, xóm làng lành mạnh hơn!
Cuộc đời của Núi lặn ngụp trong cống rãnh hôi hám, tù tội như cơm bữa. Nhưng rồi chính đứa con với Mai – một ả giang hồ phóng túng, điếm đàng đã giúp Núi nhìn lại mình, nổ lực học nghề mộc trong lúc thụ án tù.
Ngày ra tù, Núi gắn bó với cái nghề đó và trở thành chủ một doanh nghiệp đồ gỗ thời đầu đổi mới. Kết thúc này làm câu chuyện nhân văn hơn, để lại chút ngọt ngào trong lòng độc giả sau quá nhiều hụt hẫng, cay đắng Núi mang theo từ đầu đến cuối tác phẩm.
Nhiều người đã đọc “ Sóng ở đáy sông”, “Thời xa vắng” từ 25, 30 năm trước nay đọc lại vẫn thích. Đấy chính là giá trị của tác phẩm văn học, là thành công của tác giả.