Thanh Yến: Cánh én xanh giữa trời thơ

Thứ Sáu, 14/05/2021 15:07

|

(CAO) Trong những nhà thơ nữ ở miền Nam, nhà thơ Thanh Yến được chú ý bởi giọng thơ hiền lành, nền nã mà không thiếu đi sự mãnh liệt, nồng nàn của người phụ nữ đối diện những đa đoan của cuộc đời, những sắc thái của tình yêu. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, xuất bản 5 tập thơ, trong đó có những tập đầy đặn, thể hiện bút lực sung sức như “Mùa không đợi” (NXB Văn học), “Mượn nắng” (NXB Hội Nhà văn).

Bìa hai tập thơ của nhà thơ Thanh Yến

Chiếm dung lượng lớn trong các tập thơ này là đề tài muôn thuở: tình yêu. Khi người đàn bà yêu, đốt cháy mình lần nữa là một lần phục sinh, “thêm một lần rực lửa” với “nước mắt kia tạo hóa đã dành” (Phục sinh).

Đã yêu là được, mất, là những đêm đối diện bóng mình:

“Nước mắt tràn gió ướt mà say/ khối đá chắn ngang lồng ngực/ mỉm cười chua xót hỏi về đâu” (Thổn thức đêm).

Tên thật và cũng là bút danh Thanh Yến cho một hình dung: con én nhỏ giữa trời xanh, dệt màu xanh, hay con én nhỏ trên sóng biển xanh. Giữa bát ngát màu xanh đó, biển cồn cào sóng và những âm ba từng đêm vọng về, giấc chiêm bao loang lổ:

“Tay cố níu giấc mơ xanh vụt tắt/ lặng lẽ đời rụng vỡ một vì sao” (Vỡ một vì sao).

Những bàn tay trong thơ Thanh Yến được dựng thành biểu tượng, hình ảnh đặc trưng trong thơ:

“Nhìn trăng lẻ bỗng nghe trơ trọi/ Tay ôm mình trôi giữa hư không” (Đêm say).

Và những cái ôm, cả đời thực và mộng ảo:

“Mở toang cửa gọi nắng hồng thức dậy/ ôm nắng hồng vào nỗi khát khao” (Sau đêm).

“Gió xa ôm choàng lấy bóng/ ngỡ ngàng câu hát “Lý chim quyên” (Mượn ý ca dao).

Thanh Yến viết lục bát không nhiều, nhưng rất đều tay và nhiều bài hay. Chẳng hạn với “Tại trời”, nhà thơ viết “Lỡ say chệnh choạng bờ ngày lệch đêm” dòng trên thì dòng dưới là “Bờ môi ngọt đắng thơm mềm”, cho thấy sự mới lạ và độc đáo, đa nghĩa của ngôn từ. “Bờ ngày”, “bờ môi” đều biểu cảm và đẹp, cho dù có xô lệch thời gian hay ngọt ngào, đắng đót yêu thương.

Đi qua một thuở thanh xuân, đời người về dốc chiều cuộc sống. Con dốc chiều được nhà thơ nhân cách hóa. Trăng lên theo bóng chiều, dốc chiều xô bóng trăng.

“Em đứng giữa bãi bờ vỡ vụn/ hoàng hôn về đau nhói ngày xanh/ con sóng ầm ào rất lạ/ giận dốc chiều xô lệch trăng xuân” (Dốc chiều).

Một bức tranh chiều ngả sang đêm hay một bãi bờ ngổn ngang tâm trạng? Có lẽ cả hai đều đúng bởi trong thơ có họa, có tình, chan chứa suy tư.

Thanh Yến cũng có những câu thơ rất hay và thấm: “Ngỡ ngàng lá lẻ gió đưa sang”, chiếc lá cô độc, không tròn đôi, rụng ngỡ ngàng trong gió, trong đôi mắt dõi của thi nhân. Còn thi nhân thì “đêm giật mình, hơi thở cũng mồ côi”. Sự đơn lẻ cứ lặng thầm, như gió lạnh loang dần vào đêm, thấm vào câu thơ nỗi tái tê. Từ đó, thời gian qua dần, bốn mùa qua đôi mắt chỉ còn hững hờ thay cho đắm say, xuân với nắng gọi đá trổ bông, hạ cháy cả mùa xưa, bụi tro ẩn vào mắt lạ và thu về, đông đến:

“Ngờ ngợ heo may/ ừ thôi cũng mặc/ chuyện người dưng một thoáng đêm say/ ngờ ngợ là đông/ ừ thôi cũng mặc/ chút riêng vừa thả giữa dòng” (Mắt lạ).

Ừ thôi cũng mặc, nghe thì dửng dưng đấy nhưng chỉ là nói thôi, lòng vẫn đầy những xót xa, tiếc nuối, dễ gì quên và mãi không quên..

“Chợt đến chợt đi- cơn lốc- thế thôi/ cũng đành vậy xuân thì đã lỡ/ trễ tràng thời son trẻ người ơi” (Dùng dằng thu).

Lúc đối diện với chính mình: “Thời gian len vào mái tóc/ Soi gương giật mình/ gương khóc”. Gương khóc hay người ở trong gương khóc mà nhòe cả câu thơ?

Người thơ đi qua tình yêu, chọn vần thơ đắm đuối làm bạn, nên những câu thơ như lá. Và lá biết đau:

“Nghẹn ngào phía không anh/ em hạnh phúc trong câu thơ góa bụa/ qua rồi thời thiếu nữ/ chiều xa đau lá trở mùa” (Mùa lá đau).

Người làm thơ viết không ít về những cơn say, nhưng Thanh Yến chỉ viết về một lần say, mà lại là lần say ngất ngư con tàu đi giữa cuộc đời với cấu tứ độc đáo, lời thơ day dứt, tình thơ ngập tràn:

“Người thả thơ vào rượu/ cho tôi trót lỡ bén men say/ chệnh choạng miền hư thực/ cả đời không hết một lần say” (Một lần say).

Say thơ, say rượu, say tình, say một lần mà cả đời không hết, đời như thực đó mà như huyễn mộng, phải sống cho thơ và sống cho đời. Cho dù cuộc sống này, như một lời tự bạch của nhà thơ:

“Ước mơ vẫn còn phía trước/ hắt hiu gió lẻ ngậm ngùi/ đánh mất một thời tuổi trẻ/ dòng đời thả cuộc rong chơi/ dừng chân bên triền tiếc nuối/ lấp sao hết khoảng rối bời” (Rối bời).

Trong tim người thơ nào cũng có bóng dáng gia đình, quê hương. Thơ Thanh Yến có sự sâu nặng ơn nghĩa sinh thành với ngôn ngữ dung dị yêu thương.

“Se lòng nhớ mẹ chợt thèm vòng tay/ vịn vào bậu cửa mắt cay/ sương hay nỗi nhớ dâng đầy mẹ ơi” (Nghẹn lời ru xưa).

“Từng bậc thang kỷ niệm/ dắt con về ngày thơ/ lung liêng ngọn nến khóc/ bóng mẹ bừng trong mơ” (Ngọn nến khóc).

Thanh Yến viết về những bà mẹ quê tần tảo với dốc đời mưa nắng, gánh buồn trĩu nặng trên vai và nhà thơ day dứt:

“Câu thơ mấy mùa trôi nổi/ vần nào khóc mẹ hôm nay?” (Mẹ).

Những miền quê yên ả đó, như khúc ruột miền Trung, lại lao đao bởi những mùa mưa lũ hoành hành:

“Hạt gạo bao ngày nắng đổ mưa tuôn/ muối mặn thấm sâu từng manh áo vá/ phút chốc trôi vùng đất lạ/ quê đã nghèo – lũ quét trắng trơn” (Mùa lũ).

Cùng cả nước hướng về miền Trung, trái tim nhân hậu của nhà thơ đồng cảm với cô gái Huế giữa Sài Gòn, những đêm nghe tin mưa bão tràn về xứ Huế:

“Giấu nỗi buồn khắc khoải phía quê xa/ sân ga lạnh vang hồi còi giục giã/ nhớ thương về run rẩy cả đường ray” (Cô gái Huế giữa Sài Gòn).

Quê nghèo, không ít người con phải rời quê vào thành phố làm công nhân, đóng góp công sức xây dựng thành phố phương Nam:

“Tay sần chai, lưng áo nhuộm nắng mưa/ từng viên gạch kết thành khát vọng/ xây ngày mai rực sáng tự bây giờ” (Đời thợ).

Như mạch nguồn len lỏi, những câu thơ Thanh Yến đem đến cho người đọc sự thấu cảm của những tâm hồn đồng điệu. Giữa những trang thơ của chị, trời cứ thẳm xanh, thơ cứ nồng nàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang