Liên tiếp bắt giữ những chuyến hàng “khủng”
Việt Nam nằm ở phía Tây của Biển Đông, có đường bờ biển dài hơn 3.200km trải dài từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan với 44 cảng biển, 283 bến cảng, 18 khu neo đậu, tổng chiều dài khoảng 89.000m cầu cảng, kết nối với hầu hết các nước trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, do tác động của tình hình ma túy và tội phạm ma túy quốc tế, khu vực và trong nước; sự đa dạng và thuận lợi của loại hình vận tải biển cùng với siêu lợi nhuận thu được từ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, lại gần Tam giác Vàng-trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới, các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đã chọn Việt Nam như một cung đường vận chuyển xuyên quốc gia với tính chất, mức độ ngày càng tăng.
Thời gian gần đây, lực lượng phòng, chống ma túy tại Việt Nam đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn có nguồn gốc từ khu vực Tam giác vàng chuẩn bị đi đường biển sang nước khác.
Điển hình, ngày 21-12-2020, tại cảng Hải Phòng, Công an TP Hải Phòng khám xét khẩn cấp contener được khai báo là bột lông vũ gửi từ một cá nhân người Singapore về Công ty CP thương mại TaKan Việt Nam (địa chỉ 112 Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) đã phát hiện contener trên có 2 vách hậu, bên trong vách hậu chứa 665,2 kg ma túy cần sa, được ép đóng thành bánh.
Hơn 665kg cần sa giấu trong vách container gửi từ Singapore về cảng Hải Phòng
Trước đó, hồi 1h30 ngày 19-7-2020, tại cảng Cát Lái – TP.HCM, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an phối hợp với Công an TPHCM và các lực lượng chức năng tạm giữ lái xe và khám xét khẩn cấp container mang số hiệu 013482 khi các đối tượng vừa khai báo thủ tục hải quan, hàng hóa được niêm phong kẹp chì, container chuẩn bị được đưa xuống tàu biển xuất đi cảng Incheon, Hàn Quốc.
Khám xét 10 kiện đá hoa cương, trọng lượng khoảng 28 tấn, phát hiện, thu giữ 40 gói Methamphetamine (khoảng 40 kg) cất giấu bên trong 4 kiện đá. Từ đây, Cục C04 đã mở rộng chuyên án, bắt giữ 24 đối tượng (trong đó có nhiều đối tượng người Hàn Quốc, Trung Quốc) tại các địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cà Mau, Kiên Giang…, thu giữ 164 kg ma túy các loại, 19 bánh heroin, nhiều tài sản liên quan đến vụ án.
Dùng máy siêu âm mới phát hiện ma túy trong khối đá hoa cương
40kg ma túy đá của cựu cảnh sát Hàn Quốc chuẩn bị xuất ra nước ngoài
Đây là đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, do Kim Soonsik (SN 1960, quốc tịch Hàn Quốc, cựu sỹ quan có 25 năm công tác trong lực lượng Cảnh sát Hàn Quốc, cư trú tại chung cư Cantavil, quận 2, TP.HCM) cầm đầu. Các đối tượng khai đã từng vận chuyển 5 lô hàng đá hoa cương sang Hàn Quốc, trong đó có 3 lô hàng chứa ma túy.
Ngày 17-2-2019, Công an bắt giữ đường dây vận chuyển trái phép ma túy từ Tam giác Vàng về Việt Nam, sau đó đưa đi nước ngoài bằng đường biển. Tại cửa khẩu Cầu treo Hà Tĩnh, lực lượng Công an bắt giữ Vangchueyang Briachear (quốc tịch Lào), thu 278kg ma túy đá.
Mở rộng đường dây trên, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp Công an TPHCM và các địa phương đồng loạt bắt giữ 13 đối tượng, thu 300kg ma túy đá, khi các đối tượng đang vận chuyển về kho hàng của Công ty May mặc xuất khẩu Hashan của Huang Zai Wen (quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) để cất giấu vào container hạt nhựa xuất đi nước ngoài.
Đấu tranh với các đối tượng, tháng 3-2019, Việt Nam thông báo nguồn tin cho Philippines và lực lượng chức năng nước này đã kiểm tra container từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) cập cảng Manila (Philippines), thu 276kg ma túy đá. Tiếp đó, ngày 6-5, tại kho lô số 2, KCN Mỹ Tho, tỉnh lộ 864, ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, các lực lượng đã kiểm tra container bột cá nhập khẩu từ Peru về Việt Nam số: TCNU5869923 phát hiện bên trong có 4 túi màu đen chứa 119kg cocain dạng bánh…
Ma túy giấu trong đá hoa cương
Dùng cả tàu ngầm vận chuyển ma túy
Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, thời gian gần đây, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy qua đường biển nổi lên việc các đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc sang Việt Nam mở các công ty bình phong xuất nhập khẩu, thuê các kho hàng và chỉ đạo người Lào, Thái Lan, Việt Nam ở vùng biên giới vận chuyển ma túy dạng đá, heroin, ketamine từ vùng Tam giác Vàng đi vào Việt Nam qua đường mòn tiểu ngạch biên giới bí mật tập kết về kho hàng của các công ty bình phong tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, sau đó cất giấu vào container hạt nhựa, chè, loa thùng… xuất khẩu đi các nước.
Các chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục mà ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau, thậm chí sử dụng công ty “ma”, không có trong thực tế để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam. Thủ đoạn cất giấu hết sức tinh vi, khi bọn chúng giấu các túi ma túy trong container hàng sắt thép phế thải, thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa, đưa vào khoang rỗng của trục rulo máy ép bao bì, máy kéo, máy động lực, cất giấu trong các loa thùng, đế giày dép…
Gần đây, tội phạm ma túy còn nhét cả ma túy đá vào bao tử heo rồi đóng gói lẫn với thịt lợn đông lạnh để che mắt lực lượng chức năng. Trên một con tàu hàng đang vận tải hàng trăm tấn hàng hóa, việc có vài kg, thậm chí vài trăm kg ma túy đi kèm sẽ cực kỳ khó bị phát hiện.
Các đối tượng trong đường dây ma túy của cựu cảnh sát Hàn Quốc
Ngoài ra, hiện nay, các đối tượng lợi dụng vùng biển để thả trôi ma túy trên biển. Đây là một hình thức vận chuyển ma túy mới được các đối tượng áp dụng trên vùng biển Tây Nam thời gian gần đây. Điển hình ngày 20/3/2020, ngư dân huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã vớt được và giao nộp cho cơ quan điều tra 20 kg ma túy tổng hợp; trong các ngày từ 10-20/12, ngư dân tỉnh Kiên Giang cũng đã vớt được và giao nộp cho lực lượng chức năng trên 70 kg ma túy trên vùng biển thuộc quần đảo Thổ Châu.
Các đường dây ma túy quốc tế nhập ma túy đá, heroin từ vùng Tam giác Vàng; cocain, cần sa, lá khát từ các nước Nam Mỹ về Việt Nam rồi đi nước khác. Sau đó, tuyến xuất từ Việt Nam đi Philippine, Đài Loan (Trung Quốc), Australia và gần đây là Hàn Quốc…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục C04 cho biết: “Hiện chúng ta đang có lỗ hổng trong kiểm soát ma túy tuyến đường biển, với hàng trăm ngàn container tại các cảng như một “ma trận” việc kiểm soát là rất khó khăn. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các đối tượng còn sử dụng cả tàu ngầm để vận chuyển ma túy. Qua trao đổi với cảnh sát các nước, có thể có những chuyến hàng đi qua vùng biển của chúng ta, tuy nhiên việc phát hiện, bắt giữ còn rất hạn chế, khó khăn trong khi lực lượng trên tuyến này còn rất mỏng”.
Đây cũng là vấn đề của nhiều quốc gia bởi trên vùng biển rộng lớn, việc có đủ nguồn nhân lực, công nghệ để triển khai tuần tra, kiểm tra các tàu hàng đang di chuyển sẽ không mang lại hiệu quả cao nhất.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm qua tuyến đường biển, Cục C04 sẽ tiếp tục phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để kịp thời tham mưu với Bộ Công an, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp thích hợp.
Bên cạnh đó, Cục C04 cũng luôn phối hợp có hiệu quả với Cảnh sát các nước như AFP (Austrailia), DEA Hà Nội, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), ONCB (Thái Lan), PDEA (Philippiner)… trong công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến đường biển, như kiến nghị các nước lập đường dây nóng giữa các nước (số điện thoại và lập nhóm trên mạng xã hội) để kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát, truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển; lập các chuyên án điều tra chung, phối hợp truy bắt các đối tượng trong đường dây buôn bán trái phép ma túy ở các nước khác nhau.
Thường xuyên trao đổi thông tin, phương thức thủ đoạn mới của tội phạm ma túy trên tuyến đường biển; chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm này để các nước chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn. Khi vụ án vận chuyển ma túy qua đường biển có liên quan đến nước khác, cần tạo điều kiện thuận lợi trao đổi thông tin, hỗ trợ xác minh, trực tiếp phối hợp hỏi cung và truy bắt các đối tượng ở các nước khác nhau để công tác đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến đường biển không còn là việc độc lập ở mỗi nước.
Ngoài giảm nguồn cung ma túy từ bên ngoài, Cục C04 sẽ chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng CSĐT tội phạm ma túy cả nước tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây phạm tội ma túy ở trong nước; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan nắm, quản lý địa bàn, đối tượng, nhất là các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện phạm tội về ma túy, không để lợi dụng địa bàn Việt Nam để sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy.
(CATP) Thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến đặc biệt phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhưng tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với phương thức, thủ đoạn rất mới. Đây chính là thách thức đối với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy, giữ gìn an ninh trật tự.