Ma túy núp bóng thực phẩm
Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện nay tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm khoảng 70 - 75% số người nghiện; riêng ở các tỉnh phía Nam và Tây Nam bộ, tỷ lệ này lên đến 90 - 95%. Đáng nói là, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, tạo nên chứng rối loạn tâm thần, mất kiểm soát..., dẫn tới các vụ án giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong dư luận đồng thời khiến công tác cai nghiện gặp nhiều khó khăn.
Giai đoạn 2010 - 2017, những chất ma túy được đưa vào Việt Nam chủ yếu là nhóm Opiat (có nguồn gốc từ thuốc phiện), chiếm khoảng 90%. Vài năm trở lại đây, các nhóm đối tượng đã chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp, đối tượng sử dụng ma túy cũng có xu hướng trẻ hóa, gây ra nhiều hệ quả xấu cho xã hội. Có "cầu" ắt sẽ có nguồn "cung", các đối tượng sản xuất, buôn bán ma túy nhanh chóng đáp ứng thị hiếu con nghiện. Nhiều loại ma túy mới ra đời vừa để kích thích trí tò mò, muốn thể hiện "đẳng cấp ăn chơi" của giới trẻ, vừa dễ dàng ngụy trang, tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Các đối tượng: Hương, Thanh và Nguyễn Tiến Đạt
Chính vì vậy mà hiện nay, ngoài số con nghiện có hồ sơ quản lý, rất nhiều thanh niên, SV, cả cán bộ, công chức cũng sử dụng ma túy vì tin rằng không bị nghiện như các loại ma túy truyền thống (thuốc phiện, heroin). Lực lượng công an (CA) liên tiếp phát hiện các vụ tụ tập "bay lắc", tiệc sinh nhật, liên hoan bằng ma túy. Thậm chí, có cả HS mới lớp 6 - 7 đã truyền tai nhau tác dụng "thần kỳ” của các loại đồ ăn, thức uống, thuốc lá... mới lạ trên mạng, trước cổng trường mà không hề biết rằng đã vô tình bập vào ma túy.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TPHCM - cho biết, trong y học, Bromazepam (có trong ma túy "nước xoài") là thuốc chữa bệnh, nhưng vì có thể gây lệ thuộc nên được sử dụng trong y học một cách hạn chế. Bromazepam đã xuất hiện trên thế giới từ thập niên 70 của thế kỷ trước và có ở Việt Nam từ năm 1995, dùng để điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, liều tối đa được phép sử dụng là 30mg/ngày (tức 5 viên); người uống liều thấp có thể giải lo âu, liều cao gây buồn ngủ (>1/2 viên)...
Trên các chai thuốc chứa hoạt chất Bromazepam luôn được cảnh báo khi vận hành máy móc hoặc lái xe; nếu uống liều quá cao có thể dẫn đến hậu quả khôn lường là ngộ độc, hôn mê. Trường hợp uống thường xuyên, thuốc có thể dẫn đến lệ thuộc và ảnh hưởng đến não bộ. Cũng theo BS Hiển, loại thuốc trên trước năm 2007, Bệnh viện Tâm thần TPHCM có sử dụng, nhưng sau này quá trình nhập về gặp khó khăn nên BV dùng các thuốc khác thay thế cùng loại, trong đó có Diazepam (Seduxen).
Đầu tháng 10-2020, CAQ5 (TPHCM) đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Tiến Đạt (21 tuổi, quê An Giang), đang là SV 1 trường đại học tại TPHCM để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Trước đó, khuya 6-9 trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - CAQ5, TPHCM phát hiện Đạt chạy xe máy trên đường Hùng Vương, đoạn qua địa bàn P9Q5. Qua kiểm tra, CA phát hiện trong túi áo khoác của Đạt có gói nylon ghi dòng chữ "Crispy Fruit Mango" chứa chất bột màu vàng nghi là ma túy, nên đưa về trụ sở CA làm rõ.
Qua giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự CATP cho biết, số chất bột màu vàng thu được là ma túy ở thể rắn, thuộc loại Bromazepam, trọng lượng hơn 17,6gr. Đạt khai, hôm 5-9 qua các mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội có quen Th. (chưa xác định được lai lịch) nên qua huyện Nhà Bè để gặp. Th. giao cho Đạt 4 gói "Crispy Fruit Mango". Theo Đạt, đây là loại ma túy tên "nước xoài", pha vào nước để uống, khi sử dụng thì người lâng lâng.
Sau khi nhận "hàng", Đạt đi giao cho khách của Th. ba gói; còn một gói, nam sinh mang về cất tại chỗ ở trên địa bàn P2Q5. Đến khoảng 22 giờ ngày 6-9, Th. gọi điện kêu Đạt đi giao một gói "Crispy Fruit Mango" với giá 2 triệu đồng cho vị khách nữ tại một khách sạn ở P9Q5, nhưng trong lúc đứng đợi dưới khách sạn thì bị công an kiểm tra, bắt quả tang. Nam sinh này cũng khai từ tháng 4-2020, thường được Th. kêu đi giao "bóng cười" hoặc "nước xoài" và trả 100 - 200.000 đồng tiền công.
Theo CAQ5, đây là loại ma túy có trong danh mục nhưng được ngụy trang hoàn toàn mới, chưa từng bị phát hiện trước đó ở TPHCM cũng như tại Việt Nam, dùng để uống nên được ngụy trang như loại nước giải khát, có thể ngoài ma túy "nước xoài" này còn có những loại nước mang tên trái cây khác nhắm vào thị hiếu giới trẻ.
Nhiều loại ma túy tổng hợp đủ dạng viên, bột, nước thu được trong một vụ án
Trước đó, Mai Thị Hương (quê An Giang) cũng bị Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04), Công an TPHCM (CATP) khởi tố, bắt giam với cáo buộc cầm đầu đường dây ma túy có ít nhất 5 người, trong đó Huỳnh Tấn Thanh (SN 1980, con rể Hương) được xác định là trợ thủ đắc lực. Sau khi nhập "hàng" từ Campuchia, Hương sai con rể đến trước cổng Trường tiểu học Phạm Hồng Thái, chờ HS ra về, giống như phụ huynh đợi đón con để giao ma túy cho các đối tượng.
Khi bắt Thanh và mẹ vợ tại căn hộ chung cư ở Q5, Phòng PC04 thu 1 thùng carton gần 10kg Ketamin, gần 2kg ma túy đá, hàng trăm viên thuốc lắc và các gói "nước vui" - loại ma túy mới xuất hiện ở TPHCM. Kết quả điều tra xác định, mỗi tuần đường dây này bán được khoảng 15kg ma túy các loại.
Ma túy liên tục thay hình đổi dạng
Thời gian qua, ma túy tổng hợp núp bóng nhiều dạng khác nhau tấn công giới trẻ, HS-SV như: "Nước vui" xuất xứ từ Trung Quốc, đựng trong các lọ nhỏ khoảng 10-15ml rất bắt mắt, thường trộn lẫn với các loại nước có ga để uống, tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài; hay "trà sữa" tồn tại ở dạng bột, có mùi sữa, được pha cùng với các loại nước có ga tạo thành dung dịch có màu sắc, mùi vị giống như trà sữa thông thường, làm tăng thêm độ hưng phấn cho người sử dụng; kẹo mút cần sa với thành phần các loại bánh kẹo có chứa tinh dầu cần sa khiến người dùng có cảm giác kích thích, mơ màng; tem giấy (còn gọi "bùa lưỡi") là miếng giấy như mảnh bìa chơi của trẻ em, giá chỉ khoảng 20.000 đồng, nhưng được tẩm chất gây ảo giác LSD - chất ma túy nguy hiểm nhất.
Mới đây, nấm ma thuật có hình dáng không khác các loại nấm thường dùng làm thực phẩm, du nhập vào Việt Nam, gây ảo giác bay bổng, cười khóc vô cớ, người trầm cảm trở nên vui tươi lạ thường..., nhưng sử dụng nhiều sẽ gây ức chế trung tâm thần kinh vận động và hô hấp, loạn trương lực cơ, lú lẫn, co giật, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong. "Nước biển" hay "GHB", "Vitamin G"... chính là cách gọi của dân chơi dùng cho chất Gamma Hydroxy Acid Butyrat, có dạng dung dịch lỏng không mùi, vị hơi mặn.
Sử dụng "nước biển" thường khiến con người ta cảm thấy hưng phấn, xuất hiện ảo giác, kích thích hoạt động (nhất là ở nơi có âm thanh mạnh như vũ trường, quán bar, karaoke...). Tuy nhiên, nếu dùng nhiều, hệ thần kinh sẽ bị rối loạn, làm giảm nhịp đập của tim, hệ hô hấp, buồn nôn, chóng mặt, trí nhớ giảm...; thậm chí còn co giật, tử vong nếu sốc. "Bóng cười" là 1 loại khí có công thức hóa học là N2O, tác động mạnh lên hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng; tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng có thể gây ra các trạng thái rối loạn như cảm giác rối loạn khí sắc, trí nhớ, giấc ngủ, nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu...
Theo các nhà chuyên môn, bản chất của các loại nước uống, kẹo, tem... như trên thực chất là ma túy tổng hợp, ban đầu chúng gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, cảnh báo, xử lý, vì nhiều người lầm tưởng đó là các loại thực phẩm hay nước uống. Sự thay đổi liên tục hình thức, hình dạng của các sản phẩm bánh kẹo chứa chất cấm, chất gây nghiện cũng khiến việc ngăn chặn số sản phẩm này xâm nhập, gây hại cho môi trường học đường gặp không ít khó khăn. Các hình thức mới liên tục được phát hiện, thành phần gây nghiện mới được bổ sung vào thực phẩm ngày càng nhiều hơn, cho thấy mức độ tinh vi của các đối tượng phạm tội. Cũng vì thế mà cuộc chiến chống tội phạm ma túy của lực lượng CA ngày càng gian nan hơn...
(Còn tiếp...)