6 tháng đầu năm 2022: Thu giữ hơn 300 kg ma tuý từ châu Âu về Việt Nam

Chủ Nhật, 10/07/2022 21:57  | Thanh Hoà

|

(CAO) 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, khám phá 55 vụ việc và đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, bưu điện từ các nước Châu Âu về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ hơn 300 kg ma tuý các loại.

Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, Bộ Công an vừa đưa ra những khuyến cáo trước tình hình tội phạm ma túy tuyến đường hàng không, bưu điện diễn biến phức tạp thời gian qua.

Theo đó, cơ quan công an khuyến cáo mọi người dân cần nâng cao cảnh giác, không nên vận chuyển thuê, nhận hàng thay người khác nếu không biết bên trong là hàng gì; chỉ nhận hàng thay khi người đó là người thân quen, biết rõ nguồn gốc để tránh bị tội phạm lợi dụng và liên quan tới pháp luật.

Khi phát hiện hàng hóa mình nhận thay có nghi vấn hoặc phát hiện là ma túy, phải thông báo và giao nộp ngay cho cơ quan Công an hoặc lực lượng chức năng nơi gần nhất để có biện pháp để xử lý kịp thời.

Ma tuý được cất giấu trong các loại hàng hoá, quà biếu gửi từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không, bưu điện

Mới đây, ngày 13/5/2022, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và Công an TPHCM, Công an TP Đà Nẵng, Công an tỉnh Quảng Bình đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ châu Âu (CHLB Đức) về Việt Nam tiêu thụ do một Việt kiều Đức tên là Nguyễn Viết Hồng Dũng (SN 1996, quê Quảng Bình) cầm đầu.

Đồng loạt triển khai các tổ công tác tại địa bàn TP Đà Nẵng và TPHCM, Công an bắt giữ 7 đối tượng, thu vật chứng gồm 31 kg ma túy tổng hợp các loại (chủ yếu là ma túy dạng kẹo MDMA), 1 súng bắn đạn cao su, 50 viên đạn và nhiều tài liệu liên quan.

Đấu tranh mở rộng chuyên án, đến ngày 27/5/2022, Cơ quan điều tra bắt giữ thêm 4 đối tượng, thu giữ thêm 16,93kg ma túy tổng hợp, 1,1 kg ketamin, 80 gói nước vui, 500 viên thuốc lắc, 200 viên MTTH, 41 viên đạn...

Ma tuý được cất giấu trong các loại hàng hoá, quà biếu gửi từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không, bưu điện

Đó chỉ là một trong số nhiều vụ Cục CSĐT tội phạm về ma tuý chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bắt giữ các đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện từ các nước Châu Âu như Đức, Hà Lan, Bỉ… về Việt Nam tiêu thụ trong thời gian qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, đấu tranh khám phá 55 vụ việc và đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, bưu điện từ các nước Châu Âu về Việt Nam tiêu thụ; thu giữ hơn 300 kg ma tuý các loại. Thực trạng trên cho thấy đây là các tuyến đường tội phạm ma túy đã và sẽ tiếp tục lợi dụng hoạt động trong thời gian tới.

Ma tuý được cất giấu trong các loại hàng hoá, quà biếu gửi từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không, bưu điện

Thủ đoạn hoạt động của loại phạm tội này ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng các công ty vận chuyển quốc tế có mạng lưới bao phủ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nước ngoài để gửi hàng hoá, trong đó cất giấu ma túy đưa từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Đối tượng thường ngụy trang, cất giấu ma túy rất tinh vi bằng nhiều hình thức khác nhau (đóng trong hộp thuốc tân dược; sữa Ensuare, Aptamil, hộp thực phẩm chức năng, dầu gội đầu, sữa tắm, lẫn trong cà phê hay trong thức ăn cho vật nuôi, đồ chơi trẻ em, …). Ma túy vận chuyển về Việt Nam thường giao về các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, nơi có nhiều khu vui chơi là quán bar, vũ trường… và một số tỉnh miền Trung.

Đối tượng vận chuyển ma tuý qua đường hàng không, bưu điện thường có sự chỉ đạo của các đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài. Chúng không trực tiếp vận chuyển mà thuê người đi gửi và nhận hàng; khi gửi hàng hoá ở các công ty vận chuyển có mã vận đơn, đối tượng có thể tra cứu được lịch trình của kiện hàng, trên cơ sở đó phát biện sự bất thường và có biện pháp đối phó với cơ quan chức năng. Sim điện thoại sử dụng nhận hàng thường là sim rác, người nhận tên giả, địa chỉ giả.

Nếu thấy không an toàn, đối tượng sẵn sàng bỏ kiện hàng không đến nhận hoặc thuê xe ôm đến nhận thay. Để né tránh sự theo dõi, kiểm soát, các đối tượng cầm đầu đường dây thường sử dụng mạng xã hội (Zalo, Viber, Telegram, Wechat, Facebook…) để điều hành, liên hệ. Các gói hàng có chứa ma tuý được đưa đi lòng vòng qua nhiều nước nhằm xoá đi nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá. Vì vậy, việc bắt giữ các vụ vận chuyển ma tuý qua đường hàng không, bưu điện gặp nhiều khó khăn, thường chỉ bắt được người vận chuyển, người nhận hàng, khó bắt giữ các đối tượng cầm đầu.

heroin-thuoc-lac-nguy-trang-goi-qua-4.jpg" style="width:100%;border: solid 1px #ffffff" title="" />
Ma túy tổng hợp được ngụy trang, giấu trong các loại thực phẩm chức năng, đồ ăn thức uống trước khi gửi về Việt Nam

Hiện nay, khi thế giới mở cửa trở lại với các chuyến bay thương mại, dự báo tình hình tội phạm vận chuyển trái phép các chất ma tuý vào Việt Nam qua đường hàng không, đường bưu điện sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngặn chặn loại tội phạm này, lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý và cơ quan chức năng đang tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, các mặt công tác điều tra cơ bản để nắm tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm lợi dụng tuyến đường hàng không, bưu điện để mua bán, vận chuyển ma túy ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.

Cơ quan chức năng cũng thường xuyên, kịp thời trao đổi thông tin với Hải quan, An ninh hàng không, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế, các nước về phương thức thủ đoạn mới của tội phạm ma túy, thông tin các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế lợi dụng tuyến đường hàng không hoạt động; trên cơ sở đó phối hợp phát hiện, điều tra, triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy quốc tế nhằm ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng cần tìm hiểu, nắm rõ các thủ đoạn hoạt động của tội phạm để tránh bị lợi dụng và liên quan tới pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang