CSGT ‘gõ cửa’ hàng quán, vận động người đã uống rượu bia không lái xe:

Nhậu có trách nhiệm!

Thứ Bảy, 09/07/2022 10:16

|

(CATP) Thực hiện Chiến dịch “Gõ cửa hàng quán, vận động người đã uống rượu bia thì không lái xe”, Công an TPHCM (CATP) mong muốn nâng cao trách nhiệm của các chủ nhà hàng, quán nhậu, điểm kinh doanh bán thức uống có cồn với khách hàng, dù “thượng đế” đã rời khỏi quán!

Sau khi nghe CSGT vận động, nhiều chủ nhà hàng ở TPHCM đã đồng ý trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong nỗ lực hạn chế tác hại nguy hiểm của rượu, bia đem lại; trong đó có nội dung không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống bia, rượu và chất có cồn.

“Phố nhậu” đồng lòng!

Đều đặn hàng tuần, Thượng uý Huỳnh Tuấn Anh (cán bộ Đội CSGT – TT, CAQ.10), là thành viên của tổ tuyên truyền nâng cao ý thức của chủ cơ sở ăn uống, nhà hàng có phục vụ bia, rượu - lại kiên trì xuống tận nơi để vận động chủ quán cùng chung tay với lực lượng chức năng đẩy lùi nguy cơ phát sinh tai nạn giao thông do người lái xe sử dụng đồ uống có cồn gây ra.

Chị Lê Thị Thanh Hằng, chủ quán karaoke Phong Cách chia sẻ sáng kiến bảo vệ an toàn cho "thượng đế" sau khi tàn tiệc

“Không chỉ đến khi đợt cao điểm lần này được triển khai thì CAQ.10 mới tổ chức các tổ công tác đều đặn gõ cửa hàng quán tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Việc đồng hành với quán xá, nhà hàng từ đó nâng cao trách nhiệm của chủ kinh doanh với cộng đồng luôn là nhiệm vụ và trách nhiệm được chúng tôi ưu tiên hàng đầu” - Thượng uý Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.

Cán bội Đội CSGT – TT (CAQ.10) kiên trì gõ cửa, vận động các chủ quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh cùng chung tay đồng hành với CSGT đẩy lùi tác hại của bia, rượu gây ra

Cũng từ việc thường xuyên đồng hành với cơ sở nên cả dân và quân của Q.10 đã phát kiến nhiều cách làm hay nhằm hạn chế tối đa tai nạn giao thông cho thực khách sau những cuộc… “chén chú chén anh”! Với sáng kiến tận dụng phòng trống sử dụng cho việc cách ly nhân viên nhiễm COVID-19 trước đó làm nơi nghỉ qua đêm cho khách say xỉn, chị Lê Thị Thanh Hằng, chủ quán karaoke Phong Cách (P.12, Q.10), thể hiện rõ quyết tâm cùng chung tay với lực lượng chức năng hạn chế tác hại nguy hiểm của rượu, bia đem lại.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, CSGT TPHCM đã xử phạt hơn 22.199 trường hợp (ô tô là 287 trường hợp, mô tô là 21.912 trường hợp), phạt tiền khoảng 110 tỉ đồng.

“Làm ăn kinh doanh trong lĩnh vực karaoke nên chúng tôi không thể không phục vụ bia, rượu kèm theo cho khách hàng. Đa phần khách hàng tìm đến phòng hát luôn trong tình trạng có hơi men nên sau khi tàn tiệc khó tránh được việc mất kiểm soát bản thân.

Các nhân viên phục vụ nếu nhận thấy khách hàng đã say bí tỉ không đảm bảo an toàn khi tự mình điều khiển xe về nhà sẽ báo lại với quản lý để trực tiếp can thiệp, mời khách lên phòng nghỉ. Trong trường hợp khách từ chối, chúng tôi sẽ yêu cầu nhóm bạn cùng đi chung khuyên ngăn hoặc thông báo tới người nhà để có hướng xử lý phù hợp nhất” chị Hằng chia sẻ giải pháp.

Nhiều chủ nhà hàng ở TPHCM hưởng ứng lời kêu gọi của CSGT, vận động người đã uống rượu, bia thì không lái xe

Anh Hoàng Anh Duẩn chủ quán quán karaoke 64 cho biết, quán chỉ phục vụ bia cho khách có giới hạn nhất định, và nhân viên có quyền từ chối phục vụ thêm bia nếu thấy khách uống quá nhiều.

“Việc làm này tuy có thể khiến quán mất đi một lượng khách nhất định nhưng tôi không lấy đó làm lo lắng. Cùng chung tay với lực lượng chức năng giảm thiểu tối đa nguy cơ tai nạn giao thông do người uống rượu, bia gây ra mong muốn của chúng tôi” anh Duẩn chia sẻ.

Trước đó, phóng viên Báo Công an TPHCM cùng theo chân tổ tuyên truyền của Đội CSGT Nam Sài Gòn, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt phối hợp Công an các phường Phú Thuận và Tân Thuận Tây (Q.7) gặp gỡ chủ nhà hàng trên địa bàn tuyên truyền những quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Qua giải thích và vận động của CSGT, các cơ sở đều đồng ý ký cam kết , nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật phòng chống tác hại của bia, rượu; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Treo băng rôn có nội dung “Không lái xe sau khi uống rượu, bia”.

Chủ nhà hàng 769 đồng ý ký vào cam kết sau khi được tổ tuyên truyền Đội CSGT Nam Sài Gòn vận động 

Chủ nhà hàng 769 (đường Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Thuận) bày tỏ quan điểm hợp tác và sẵn lòng phối hợp cùng CSGT và Công an địa phương.

“Trong hôm nay, tôi sẽ nhắc nhở nhân viên chú ý, nếu thấy bàn nào có khách dùng đồ uống có cồn sẽ lại thông báo để khách sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ hoặc taxi để về nhà nhằm bảo đảm an toàn” – quản lý nhà hàng 769 nói.

“Thời gian tới, Đội CSGT Nam Sài Gòn sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chúng tôi cũng tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo tính răn đe” - Thiếu tá Trần Thị Hồng Nhung, Phó Đội trưởng Đội CSGT Nam Sài Gòn phát biểu.

Đưa cam kết vào khuôn khổ

Trong lần trao đổi tại một diễn đàn báo chí vào hồi đầu năm 2022, Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó Trưởng CATP.Thủ Đức  - từng nêu quan điểm của CATP.Thủ Đức mong muốn đưa những cam kết của hàng quán trong lĩnh vực phòng chống tác hại của bia, rượu được thực hiện nghiêm túc, không đối phó.

Dù chưa có chế tài cụ thể nhưng CATP.Thủ Đức đang chủ động hướng đến việc đưa những nội dung do cán bộ tuyên truyền vào khuôn khổ, yêu cầu chủ hàng quán bán đồ uống có cồn không cho khách say xỉn điều khiển phương tiện rời đi.

Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó Trưởng Công an TP.Thủ Đức phát biểu về quan điểm phòng chống tác bia, rượu của CATP.Thủ Đức vào hồi đầu năm 2022

Trên địa bàn TP.Thủ Đức thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và và đặc biệt nghiêm trọng, mà nguyên nhân ban đầu được xác định có liên quan đến nồng độ cồn. Do thói quen sinh hoạt đã ăn sâu nên nhu cầu về tiệc tùng, giải trí và sử dụng thức uống có cồn của người dân luôn cao.

Thế nhưng, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông vẫn còn nhiều hạn chế nên những vụ việc đang tiếc vẫn thường xảy ra.

CBCS Đội CSGT - TT, CATP.Thủ Đức tổ chức một chuyên đề xử phạt vi phạm liên quan tới nồng độ cồn

Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo từ CATP về xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, bên cạnh công tác xử lý của lực lượng CSGT, CATP.Thủ Đức chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương lên danh sách các hàng quán có bán thức uống có cồn trên địa bàn nhằm đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu chủ hàng quán cam kết không cho khách đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông rời quán.

Dẫu biết việc để những cam kết này một lúc đi vào thực tiễn là hết sức khó khăn và cần thời gian song bằng chức trách và nhiệm vụ của mình, CATP.Thủ Đức nói chung và toàn bộ lực lượng CATP nói riêng vẫn nỗ lực hết mình để việc chấp hành được đi vào khuôn khổ.

“Thông qua nhiều biện pháp quản lý nhà nước, lực lượng chức năng TP.Thủ Đức sẽ kiểm tra việc chấp hành của các hàng quán nhằm đưa nội dung tuyên truyền này vào khuôn khổ” – Thượng tá Tân Xuân Tiên cho biết.

Nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội

Kế hoạch vận động chủ nhà hàng ký cam kết cùng với lực lượng chức năng đẩy lùi các tác hại nguy hiểm do đồ uống có cồn gây ra là một trong nhiều hoạt động trọng tâm được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP triển khai trong dịp cao điểm xử phạt các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Công an TPHCM trong nỗ lực nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội của các chủ hàng quán đối với khách sau khi uống rượu, bia

Hoạt động được thực hiện với mong muốn lan toả ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ đến với người dân. Trong đó, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng của chủ cơ sở kinh doanh ăn uống có phục vụ bia, rượu…

Dù kế hoạch được đông đảo dư luận hưởng ứng nhưng cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, xuất phát từ việc chưa nắm bắt cụ thể mục tiêu và ý nghĩa mà kế hoạch hướng đến. Thậm chí có người còn mặc định việc tuyên truyền để chủ quán nhậu thông báo CSGT có khách say xỉn lái xe là bất khả thi, làm dự luận có cái nhìn chưa đúng, suy diễn tiêu cực.

Treo khẩu hiệu không lái xe khi đã uống rượu, bia tại các hàng quán kinh doanh đồ uống có cồn

BCH Phòng CSGT khẳng định, kế hoạch được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

“Việc chủ quán báo tin có khách uống bia, rượu nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông tới CSGT hoàn toàn được thực hiện tự nguyện, không có sự ép buộc. Cạnh đó, việc CSGT, Công an phường, xã có mặt sau thông báo từ chủ quán không chỉ để thực hiện mỗi nhiệm vụ xử phạt mà còn để khuyên răn, đưa ra những biện pháp can thiệp cần thiết đảm bảo an toàn cho thực khách” – Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng CSGT giải thích.

Để kế hoạch đạt được hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng cao từ người dân, BCH Phòng CSGT đường bộ - đường sắt xác định chủ thể trọng tâm nhắm đến là các chủ nhà hàng cung ứng dịch vụ, đây được xem là gốc rễ vấn đề.

Kế hoạch "Gõ cửa hàng quán, vận động người đã uống rượu bia thì không lái xe" được thực hiện trên cơ sở tự nguyện

Từ đây, các Đội, Trạm CSGT thuộc quản lý của đơn vị luôn phiên cắt cử cán bộ gõ cửa hàng quán, kiên trì vận động, tuyên truyền để chủ các cơ sở này nắm bắt tác hại của việc uống rượu, bia để có ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Đưa họ trở thành một bộ phận gắn bó với lực lượng chức năng, là “cánh tay nối dài” của CSGT, Công an phường, xã trong việc theo dõi, nhắc nhở thực khách nghiêm chỉnh chấp hành quy định: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Một khi người dân, đặc biệt là chủ các cơ sở kinh doanh ăn uống có ý thức rõ ràng về mức độ nguy hiểm khi uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện sẽ có cách hành xử phù hợp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang