(CAO) Phóng viên Báo Công an TPHCM tiếp cận 2 bãi vàng quy mô khá lớn trong rừng tự nhiên ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam). Lãnh đạo xã nói 2 bãi vàng này có giấy phép thăm dò, nhưng lãnh đạo huyện khẳng định trái phép...
Di chuyển nhiều giờ, khó khăn lắm chúng tôi mới đến được cầu Ván (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn). Từ vị trí này có nhiều lối mòn dẫn đến các mỏ khai thác vàng.
Phóng viên trên đường vào bãi vàng Cây Đa:
Muốn vào được sâu hơn bên trong phải có “mật khẩu”, chúng tôi theo lối mòn bám dọc dòng suối từ cầu Ván ngược lên cao vào rừng sâu. Một bên là sườn núi đá, bên kia là vực sâu. Hơn 1 giờ đu bám vách núi, chúng tôi đến được 'mỏ vàng' Cây Đa.
Từ xa, tiếng máy nổ ầm ầm. Có khoảng 13 lán trại nằm rải rác chênh vênh trên những ngọn đồi, bám theo con suối. Khu vực này tập kết lượng lớn máy móc, thiết bị, các loại hóa chất, lương thực - thực phẩm “khủng”. Tiếng máy nổ rầm rộ hơn rồi tắt hẳn khi PV tiếp cận lán trại đầu tiên. Nhiều người trong các lán trại khác chạy vào rừng. Ở một lán trại, có 4 người tụ tập ra nói chuyện với chúng tôi. Họ cho biết ở đây để tăm vàng (thăm dò vàng) và nói mỏ vàng này do ông T. (ở Đà Nẵng) tổ chức.
Một góc bãi vàng Cây Đa.
Hoạt động 'thăm dò' vàng diễn ra quy mô với nhiều máy móc, thiết bị, các vật tư phục vụ khai thác cùng nhiều vật dụng sinh hoạt của phu vàng. Trong phạm vi nhiều héc-ta, có hàng chục hầm vàng. Nhiều căn hầm được chống đỡ bằng cây gỗ cũ kỹ, tiềm ẩn rủi ro. Có thể việc khai thác ở đây đã diễn ra từ lâu.
Đường ray bằng gỗ kiên cố dẫn từ máy nổ đến khu vực xay, lọc vàng và các bãi ủ. Nước thải đục ngầu, đỏ quánh, bốc mùi từ các khu vực xay, lọc vàng đổ ra dòng suối…
Rời bãi vàng Cây Đa, chúng tôi lại theo đường rừng ra đường lớn ngay cầu Ván, cách chừng 2km theo đường chim bay. Tại quả đồi ở một bên cầu, hoạt động khai thác vàng nơi này diễn ra khi máy nổ ầm ầm, hệ thống xay đất đá, lọc vàng rồi xả xuống hố gần cầu Ván.
Khu vực này bên ngoài các hầm có 6-7 người đang khai thác. Bên trong các căn hầm điện sáng, có người. Mặc dù thấy 'người lạ' tiếp cận nhưng việc khai thác vẫn diễn ra. Cạnh một hầm vàng, có một bình hương và lọ hoa còn mới…
Chúng tôi thắc mắc sao khai thác vàng trái phép mà vô tư như vậy, thì một số người cho biết, họ đi làm thuê, chủ kêu thì làm. Được biết, bãi vàng này do ông Th. (ngụ huyện Phước Sơn) tổ chức khai thác.
Phóng viên Báo Công an TP.HCM tiếp cận một hầm vàng.
Rời bãi vàng đầu cầu Ván, chúng tôi được 4-5 người quan tâm, hỏi thăm từ đơn vị, cơ quan nào... Những người này liên tục gọi điện thoại, quay phim, chụp hình...
Nước thải từ mỏ vàng Cây Đa, mỏ vàng cầu Ván và các mỏ khác ở xã Phước Lộc và xã Phước Thành đều đổ ra suối Nước Mắt rồi chảy về sông lớn. Suối Nước Mắt luôn trong tình trạng đục đỏ…
Về 2 mỏ vàng nói trên, ông Lưu Huyền Thoại – Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết là có giấy phép thăm dò của một doanh nghiệp. Phóng viên phản ánh có tình trạng khai thác quy mô, rầm rộ, ông Thoại cho biết, xã sẽ cho kiểm tra và thông tin lại kết quả.
Về tin đồn sập hầm vàng có người chết, ông Thoại nói “có nghe tin và UBND xã đã cho anh em kiểm tra, kết quả không có”.
Sáng 4-7, trao đổi với Báo Công an TPHCM, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định, qua hình ảnh, video báo chí cung cấp và xác minh ban đầu thì không đơn vị nào được cấp giấy phép thăm dò hay khai thác khoáng sản ở các địa điểm trên. Đồng thời, trong danh mục 13 dự án khai thác vàng trên địa bàn huyện Phước Sơn thì không có cá nhân, đơn vị, công ty nào được cấp phép.
Ông Trung cho biết, sẽ sớm chỉ đạo, yêu cầu Phòng TN&MT phối hợp UBND xã Phước Lộc và các ban ngành kiểm tra thực tế, truy quét tình trạng khai thác vàng tại Cây Đa và cầu Ván.
Bãi vàng gần cầu Ván cạnh đường nhựa đi xuyên qua các xã vùng cao huyện Phước Sơn.
Suối Nước Mắt luôn trong tình trạng đục ngầu
Đường ray để vận chuyển đất đá từ các hầm vàng ra máy xay.
Máy nổ, máy phát điện.
Máy xay đất đá.
Máy móc thiết bị.
Chất thải, bùn, nước tạp chất sau khi lọc đãi vàng được xả trực tiếp ra môi trường.
Máy xay đất đá.
Một góc bãi vàng Cây Đa.
Lọ hương, bình hoa cạnh một hầm vàng.