Ẩn họa từ các chương trình hài nhảm, video, clip phản cảm tràn lan trên mạng:

Bài cuối: "Đỏ mặt" với những hình ảnh dung tục, làm sao dạy con trẻ?

Thứ Tư, 25/05/2022 12:14

|

(CATP) Bên cạnh các kênh "bẩn", mang nội dung xấu, tác hại nghiêm trọng đến cả người lớn lẫn trẻ em, mà ngay cả những game show của các nhà đài tồn tại trên không gian mạng cũng đầy rẫy những hình ảnh phản cảm, nhảm nhí... thô tục. Vậy tính giáo dục ở đâu hay chỉ chạy theo quảng cáo? Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ lên truyền hình, đã bất chấp danh tiếng, thể hiện sự ngả ngớn và cả dung tục đến mức khó hiểu. Như vậy, làm sao dạy con trẻ!?

Những hình ảnh… đáng sợ

Tràn ngập trên không gian mạng, là những chương trình của các nhà đài hẳn hoi. Chỉ cần gõ tìm kiếm, YouTube hiện ra hàng trăm ngàn kết quả chỉ mỗi một chương trình liên quan là "7 nụ cười xuân". Nào là "thật khủng khiếp", "hình phạt nhớ đời", rồi ăn cả bọ cạp, ăn ớt... nào là Trường Giang phán Hari Won miệng ăn lia lịa, Lâm Vỹ Dạ hóa búp bê kinh dị khiến Thủy Tiên xỉu ngang, nào là Lê Dương Bảo Lâm ói đến mật xanh, Lâm Vỹ Dạ, Lan Ngọc hất thức ăn... Nhìn vào những hình ảnh ấy, bảo sao người lớn đã ngán ngại, cười không nổi, và cấm trẻ con xem? Thậm chí, rất nhiều hình ảnh dung tục, "phòng the" lại mang lên xây dựng thành một chương trình truyền hình hẳn hoi, khiến khán giả ngượng đỏ cả mặt, con trẻ thì ngây thơ, nhưng chắc hẳn tác hại là không nhỏ.

Hiện nay, dư luận đang rất bức xúc trước nạn hài nhảm, sự bức xúc này không chỉ bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Có những diễn viên, khi quay cận cảnh trên truyền hình có thể nhìn rất rõ nét biểu cảm trên gương mặt họ, bạn sẽ thấy không toát lên sự duyên dáng hài hước, thay vào đó là sự trơ tráo, nham nhở để cố nặn ra tiếng cười. Có chương trình truyền hình, nhân vật là nghệ sĩ bị quấn quanh cổ là con rắn sống, thì hình ảnh run sợ "khiếp đảm" này liệu có tính giáo dục nào không?

Câu nói kiểu này "sạn" đến khó tả...

Như đã nói ở trên, nạn hài nhảm, game show nhảm trên nhiều đài truyền hình đang tràn lan trên mạng, càn quét những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng. Các nhà đài luôn lấy lý do thực hiện những chương trình này để có được nhiều tài trợ, quảng cáo và vì thế phải phát vào "giờ vàng", không thiết tha với những chương trình nghệ thuật nghiêm túc, chính thống. Vậy trách nhiệm xã hội của cơ quan truyền thông Nhà nước ở đâu hay chỉ đơn thuần là nơi kinh doanh nghệ thuật?

Tác hại như thế nào?

Trước đây đã có đại biểu Quốc hội từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về mặt trái của một số video trên mạng internet hiện nay. Đó là ngày càng xuất hiện nhiều video với nội dung độc hại, nhảm nhí, trái thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa. Cụ thể, nhiều video làm méo mó hình ảnh của người dân tộc thiểu số, hay video cho trẻ em có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ nhỏ. Nguy hiểm hơn, những video xấu, độc hại này còn gây ảnh hưởng tính mạng của các cháu nhỏ. Điều đáng nói là những video này có lượt view lên đến hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt xem.

Theo Bộ TTTT, hiện trên nền tảng YouTube có hơn 120.000 tài khoản ở Việt Nam có đăng ký làm video. Có 350 kênh với hàng triệu người theo dõi, có thu tiền ăn chia quảng cáo. Trước thực trạng này, Bộ TTTT đã tháo gỡ video của YouTube từ 50 - 90%, đạt thỏa thuận với YouTube là khi Bộ TTTT thông báo với kênh này về những video vi phạm pháp luật thì sẽ không được "ăn chia" quảng cáo. Mỗi tháng Bộ TTTT gỡ bỏ hàng ngàn clip xấu độc, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất video xấu, độc hại như một số trường hợp cụ thể mà thời gian qua người dân, cử tri đã được nhìn thấy qua phương tiện thông tin đại chúng.

Ăn cả bọ cạp...

Để mạnh tay hơn với video nhảm nhí, độc hại, Bộ TTTT đề nghị người dân, các tổ chức khi phát hiện video xấu, độc hại liên quan thì báo đến đường dây nóng của Cục phát thanh truyền hình - Bộ TTTT để phối hợp xử lý. Thời gian tới, việc kiểm soát các dạng video này sẽ làm nghiêm, bao gồm: Làm việc với YouTube để việc thực thi pháp luật đạt 100%, từ năm 2021 có công cụ phát hiện video xấu, độc hại để kịp thời ngăn chặn, phối hợp các bộ khác ra văn bản hướng dẫn về những video vi phạm thuần phong mỹ tục, có đường dây nóng nhận thông báo báo cáo clip xấu.

Trong khi đó, thời gian qua, không ít vụ tai nạn thương tích, tử vong ở trẻ em do học theo các clip nhảm nhí trên mạng xã hội. Bất cập hiện nay là chưa có quy định nào ràng buộc việc đăng tải clip lên các trang mạng xã hội. Trên các kênh YouTube, xuất hiện ngày càng nhiều các clip có thông tin ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tuyên truyền mê tín, xuyên tạc lịch sử, nói xấu, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân gây tác hại rất lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Trẻ "ngộ độc" vì những video độc hại

Theo thống kê của YouTube, tại Việt Nam có khoảng 45 triệu người đang xem YouTube, chiếm hơn 50% dân số, nhưng không phải Youtuber Việt Nam nào cũng đem lại những nội dung có giá trị tích cực với người xem. Một chuyên gia về tâm lý cho rằng, các chương trình hài nhảm nhí, dung tục hiện nay tràn lan trên Youtube, mà trong đó người xem, giới trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc các YouTuber tạo ra những clip có những nội dung, lời nói, thái độ, dạy trẻ hành vi sai trái như ăn trộm, ăn cắp, kích động bạo lực, xúi phải cầu cúng mới học giỏi... đều gây hại nghiêm trọng cho trẻ. Trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi mầm non, tiểu học, xem các clip giải trí rất nhiều.

Những nội dung ở các kênh YouTube đó giống như "món ăn" cho trẻ. Khi trẻ ăn phải "món ăn" độc hại, trẻ sẽ bị "ngộ độc" về tinh thần. Trẻ có khả năng bắt chước rất nhanh, sẽ tiếp thu, học theo những điều có trong clip mà không phân biệt được đúng sai. Thấy các anh chị, các bạn, hay các Youtuber làm được thì mình cũng làm theo như thế. Thực tế, đã có những trường hợp trẻ gặp phải nguy hại khi học theo những clip nguy hại.

Hình ảnh kiểu này mang tính giáo dục gì?

Đặc biệt, trẻ xem những nội dung liên quan đến yếu tố quan hệ tình dục không lành mạnh, những video dành cho người lớn... sẽ ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, hành vi. Chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, trẻ nhỏ thường có thần tượng và luôn muốn làm theo thần tượng của mình. Hơn nữa, trẻ chưa đủ nhận thức để lọc thông tin, cái gì nên giữ cái gì bỏ, nên nếu học được từ thần tượng, trẻ sẽ làm y nguyên. Khi thấy nhiều bạn like clip đó, trẻ lại nhầm tưởng rằng nó đúng... Từ đó sẽ hành động theo một cách lệch lạc.

Hiện nay khó kiểm soát từng video, clip vì nó quá nhiều. Cha mẹ bận mưu sinh, không thể lúc nào cũng kè kè bên con để kiểm soát nội dung trẻ xem. Cho nên vấn đề này thuộc về các cơ quan chức năng, trách nhiệm của Youtuber, cộng đồng mạng... Theo một tiến sĩ khuyên rằng, để con không "ngộ độc" trước "rừng" các chương trình game show, video, clip nhảm nhí, nhạy cảm, cha mẹ cần làm gương về việc sử dụng mạng thông minh. Cần xem ít, xem nội dung lành mạnh, học hỏi điều hữu ích. Hạn chế tối đa cho con sử dụng điện thoại, ipad riêng. Máy tính thì nên để ở phòng khách để mọi người cùng xem. Khi đó phần nào hạn chế được con xem cái gì, biết được nội dung gì phản cảm, bạo lực hay xúi dại trẻ để can thiệp ngay.

Diễn ngay trên sân khấu và tràn lan trên mạng

Cha mẹ cần cân nhắc kỹ thời điểm giao cho con thiết bị điện thoại. Trẻ từ cấp 2 trở xuống tốt nhất hạn chế tối đa việc xem điện thoại. Cha mẹ cần tạo cho trẻ một khả năng tự kiểm soát bản thân. Trẻ tự lập, biết kiểm soát, sắp xếp thời gian, mục tiêu phấn đấu... thì lúc này điện thoại sẽ là công cụ để trẻ học rất tốt. Khi trẻ chưa có đủ điều này mà đã cho trẻ dùng riêng điện thoại sẽ dễ bị sai lệch. Cần có nội quy và hệ thống thưởng phạt rõ ràng khi con dùng internet để hạn chế trẻ xem những clip độc hại. Thường xuyên kiểm tra con xem những gì trên mạng. Có thể cài đặt một số phần mềm quản lý việc sử dụng internet... Nếu chúng ta không biết con đang xem, làm gì trên mạng sớm hay muộn trẻ cũng sa đà vào các tiêu cực như kênh YouTube không lành mạnh và thậm chí đến tuổi dậy thì sẽ sa vào các kênh về sex, 18+...

Bình luận (0)

Lên đầu trang