(CAO) Không có giải nhất, hai tác phẩm “Vụn ký ức” của Yang Phan và “Nửa lời chưa nói” của Duy Ân được trao giải nhì tại giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7.
Một khám phá từ giải thưởng văn học này, đó là kiểu dạng văn chương ở một số tác giả chủ yếu được cất lên từ văn hóa, từ học vấn, tri thức, từ nghề nghiệp chuyên môn (Duy Ân, Hiền Trang, Yang Phan, Nguyên Nguyên, Nguyễn Dương Quỳnh…).
Các tác giả này thạo ngoại ngữ, có một số người đã từng tu nghiệp nhiều năm ở phương Tây, làm chủ một chuyên ngành khoa học nào đó.
Tác giả Yang Phan
Chẳng hạn như Yang Phan khắc họa một con người bằng cách kết nối các vụn ký ức để qua đó thể hiện những suy ngẫm về con người như một thực thể không ai, không bao giờ biết hết và sự đỏng đảnh của ký ức về con người. Những mảnh vụn chân dung của cá nhân không chỉ cho thấy sự bí ẩn của bản thể mà còn cho thấy tính chất mảnh vụn của ký ức.
Hay như tác giả trẻ Duy Ân đã lấy ngay bộ môn khoa học về ngôn ngữ và nhận thức của con người làm đối tượng quan tâm và mô tả, với lối viết thông minh xen chất trào tiếu nhẹ nhàng, làm bật lên những phát hiện bất ngờ, về một vấn đề của triết học ngôn ngữ, chỉ mới ra đời vào nửa sau của thế kỷ XX, và từ bấy đến nay chưa bao giờ ngừng bận tâm đối với các nhà khoa học và triết học. Các câu chuyện của Duy Ân về vấn đề này tự nó làm nên một khác biệt, độc đáo, hầu như chưa mấy ai quan tâm trong văn học Việt Nam.
Qua 6 lần tổ chức, thành công lớn nhất của Văn học tuổi 20 chính là sự phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, góp cho văn đàn một tài sản có ý nghĩa, với hơn 50 tác giả được vinh danh và 63 tác phẩm được trao thưởng.
Những cái tên như: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Trang Hạ, Nhật Phi … đã tiếp tục khẳng định bút lực và cá tính sáng tạo nhưng cũng đồng thời khẳng định sức sống của một giải thưởng văn học.
Như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận định: “Có thể có những tác phẩm chỉ ‘đánh ùm một tiếng rồi thôi’, nhưng cái vòng tròn lan rộng từ những tiếng ‘đánh ùm’ đó đã giúp đời sống văn chương có những biến chuyển”. Hay nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, “Không có cuộc thi Văn học Tuổi 20, có lẽ tôi cũng không biết mình có thể viết”.
Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Đây là một kỳ giải hết sức đặc biệt, vì đã có 2 trong 3 năm tổ chức – năm 2020, 2021 - chúng ta phải trải qua đại dịch, và NXB Trẻ cũng như tất cả mọi người đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Và chúng tôi thấu hiểu rằng quãng thời gian đó không phải là thời điểm lý tưởng nhất để sáng tác, khi mà đại dịch đã thay đổi rất nhiều thứ… Nhưng cùng nhau, chúng ta đã đi đến đích để có mặt trong lễ tổng kết và trao giải”.
Giải thưởng cũng là kỳ vọng, trao gửi niềm tin cậy vào con đường đi tiếp và tỏa sáng của các tác giả trẻ.