Nhà văn Vũ Hạnh: Cây cổ thụ văn học

Chủ Nhật, 15/08/2021 17:44

|

(CAO) Nửa đêm 13 rồi cả ngày 14-8, nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM nhiều lần điện thoại cho tôi, vừa nói vừa khóc. Rồi chị nhắn tin cho tôi: “Chưa có bao giờ thấy mình bất lực và vô dụng như lúc này!”.

Nhà thơ Lê Tú Lệ nói với tôi việc nhà văn Vũ Hạnh đang cấp cứu trong bệnh viện, gia đình ông chỉ có mỗi cô Thuận, con gái ông, được vào nhờ có xét nghiệm âm tính, đang trong cao điểm dịch bệnh nên không ai có thể đến hỗ trợ cho chị…

Đến sáng sớm nay, 15-8 thì tin dữ đã đến: nhà văn Vũ Hạnh đã vĩnh biệt chúng ta lúc 6g sáng, khi bình minh vừa ló dạng ở chân trời phía Đông Sài Gòn!

***

Năm 1976, là sinh viên năm thứ nhất tôi đã tập tễnh viết, có truyện ngắn và thơ đăng báo, nên cũng hay sục vào trụ sở Hội Văn Nghệ ở 81 Trần Quốc Thảo (Q.3, TPHCM) để cà phê và “ngắm nhìn” các thần tượng văn chương mà mình hằng ngưỡng mộ. Nhờ bộ dạng thư sinh của một anh sinh viên (trường ĐHSP của tôi ở ngay gần Hội VN, vốn là ĐH Vạn Hạnh trước 30-4-1975) nên tôi dễ thân quen với các anh, chị, chú, bác văn nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng từ nhiều nguồn tập hợp sinh hoạt ở đây như: các nhà thơ Bảo Định Giang, Phương Đài, Viễn Phương, Phong Sơn, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Chí Hiếu… các nhà văn Ngọc Linh, Sơn Nam, Cung Tích Biền… các nhạc sĩ Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phan Hùynh Điểu, Trương Quốc Khánh, Trịnh Công Sơn…

Hồi ấy cả Sài Gòn chỉ có một Hội Văn Nghệ chứ chưa thành lập các Hội VHNT chuyên ngành như bây giờ! Trong khuôn viên rộng rãi của 81 TQT có một sân bóng chuyền và mấy bàn bóng bàn, nơi mà chiều nào tôi cũng thấy nhiều “vận động viên” là các văn nghệ sĩ (VNS) hùng hục chơi bóng, đặc biệt không ngày nào vắng “cặp vận động viên” Vũ Hạnh – Phong Sơn, “cặp” này đánh bóng “trường kỳ” kể cả ngày lễ và chủ nhật!

Nhà văn Vũ Hạnh tại Tọa đàm khoa học “Tuyển tập Vũ Hạnh – Đời văn, chiến sĩ”

Từ những lần gặp đầu tôi đã kêu các nhà văn, nhà thơ lớn tuổi như Bảo Định Giang, Xuân Hồng, Viễn Phương… là chú! Riêng một người tôi không đoán được tuổi mà luôn rất tráng kiện, trẻ trung là nhà văn Vũ Hạnh!

Thời điểm đó, chú Vũ Hạnh là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn Nghệ TPHCM (1975-1985). Nhà văn này gây ấn tượng rất mạnh với tôi từ trước 1975. Hồi đó, tôi học phổ thông ở Sài Gòn, nhờ anh tôi – nhà thơ Bửu Khánh Hồ, lúc đó là sinh viên ĐH Vạn Hạnh mua và lưu giữ rất đầy đủ sách Vũ Hạnh - mà tôi đã được đọc hầu hết tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh như Mùa xuân trên đỉnh non cao, Ngôi trường đi xuống, Bút máu, Con chó hào hùng, Cô gái Xà Niêng, Lửa rừng, Người Việt cao quý, Đọc lại Truyện Kiều...

Hồi đó, chưa biết gì nhiều về cuộc chiến Việt Nam hay thể chế chính trị khác nhau giữa hai miền… dù vậy, khi đọc Vũ Hạnh tôi cũng nhận ra có điều gì khang khác với hầu hết tác giả miền Nam lúc bấy giờ. “Điều khang khác” đó sau 1975 tôi mới vỡ lẽ ra khi biết Vũ Hạnh từng là cán bộ văn hoá Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động đơn tuyến, công khai ở nội thành Sài Gòn. Trong hoàn cảnh như vậy, để tác phẩm được phổ biến công khai dưới chế độ Sài Gòn thì Vũ Hạnh đã “viết” và “lách” rất khéo nhằm đưa được những thông điệp tiến bộ đến đông đảo bạn đọc mà không bị kiểm duyệt hoặc bắt bớ...

Vài năm sau, khi tôi đã hòa nhập vào đời sống văn học thành phố, thì chính nhà văn Vũ Hạnh cũng để lại ấn tượng khá mạnh trong tôi khi mà trong giao tiếp ông luôn gọi tôi là “bạn” mặc dù tôi bao giờ cũng kêu ông là “chú”!

Tháng 9-2015 khi làm chuyên viên văn hóa văn nghệ ở Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, tôi được giao nhiệm vụ tập hợp, biên tập các bài tham luận, giúp việc cho Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, nghệ thuật TPHCM tổ chức buổi tọa đàm khoa học về nhà văn Vũ Hạnh nhân dịp ông 90 tuổi và "Tuyển tập Nhà văn Vũ Hạnh" được NXB Tổng Hợp ấn hành vào đầu tháng 10-2015.

Ngày 5-10-2015 tại cuộc toạ đàm khoa học về mình, trước nhiều quan chức, nhiều nhân vật nổi tiếng, nhà văn Vũ Hạnh làm một nghĩa cử gây bất ngờ đối với mọi người có mặt là ông đã mời lên diễn đàn một người “vô danh” và trân trọng tặng hoa, đó là người đã từng cứu ông thoát một âm mưu thủ tiêu trong những năm tháng hoạt động đơn lẻ giữa Sài Gòn! Phải chăng chỉ một động thái nhỏ như vậy cũng đủ bộc lộ tính cách của một “Người Việt cao quý” nơi nhà văn Vũ Hạnh!

Gần đúng một tháng sau, khi có trong tay bộ sách "Tuyển tập Nhà văn Vũ Hạnh" (2 tập), nhà văn tìm đến phòng làm việc của tôi để ký tặng sách, khi đọc dòng đề tặng của ông tôi choáng váng một lúc lâu, vì ông viết: “Thân tặng Bạn Hồ Thi Ca và Gia đình”, làm sao một kẻ hậu sinh như tôi có thể là “Bạn” của ông được, mà chữ “Bạn” viết hoa nữa chứ!

Nhà văn Vũ Hạnh cũng tạo ấn tượng mạnh với nhiều văn nghệ sĩ. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (Hà Nội) cho hay: “Năm 1976 Phan Thị Thanh Nhàn vào Sài Gòn lần đầu, được anh Vũ Hạnh cho đi xem nhiều chương trình văn nghệ và được nghe về văn nghệ sĩ Sài Gòn. Chắc anh không còn nhớ đâu!”.

Nhà thơ Bùi Đức Ánh thì bái phục sự dẻo dai không tuổi tác của nhà văn: “Nhà văn Vũ Hanh đã ngoài 90 tuổi nhưng sức khỏe tuyêt vời; đi Đà Lạt, Mỹ Tho bằng xe Honda! Mình rất may đươc nhà văn giới thiệu sách khi xuất bản, rất quí trọng ông!”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang