Băng nhóm gia đình
Quá trình thu thập tài liệu thấy có quá nhiều nạn nhân lâm vào cảnh nợ nần mãi không thoát ra được, Ban chỉ huy Phòng CSHS đặt quyết tâm phải bóc gỡ tận gốc rễ băng nhóm tội phạm cho vay lãi nặng do Trương Ngọc Tính cầm đầu để góp phần giữ gìn ANTT. Theo đó, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt khẩn cấp và tạm giữ để điều tra 10 đối tượng, trong đó có Tính cùng các trưởng nhánh, trưởng nhóm.
Trung tá Trịnh Khánh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự:
Để có thể xử lý triệt để băng nhóm tội phạm cho vay lãi nặng do Trương Ngọc Tính cầm đầu, cơ quan điều tra kêu gọi các nạn nhân sớm liên hệ trình báo. Hiện đơn vị đang quyết liệt truy bắt số đối tượng bỏ trốn. Việc đấu tranh với tội phạm cho vay lãi nặng vẫn được Phòng CSHS chủ động, quyết liệt tiến hành trong thời gian tới.
Theo lời khai của các đàn em, Tính trả lương cho từng cá nhân tùy vị trí công việc. Với vai trò quan trọng là các trưởng nhánh điều hành nhiều "chân rết", Trương Ngọc Tấn Sang cùng 2 đồng bọn ngang hàng được trả công 12 triệu đồng/tháng. Là người quản lý hồ sơ vay tiền nên Trương Ngọc Tài "hưởng lương" 8 triệu đồng/tháng; còn các đối tượng đi thu tiền khách sẽ được trả công 4-8 triệu đồng/tháng, tùy theo lượng khách hàng do mình phụ trách và chiêu dụ được.
Tài liệu Phòng CSHS thu thập được cho thấy, bước đầu có khoảng hơn 1.000 người vay tiền là nạn nhân của băng Tính, phần lớn không nơi ở cố định, thậm chí không ít người do đã có lời "thề độc" trước khi vay tiền nên ngại ngần, không dám tiếp xúc với công an để trình bày hay tố cáo, dù bản thân phải chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, đến ngày 16-6-2022 cơ quan điều tra đã làm việc với gần 30 nạn nhân và thu được nhiều chứng cứ, lời khai có giá trị.
Theo đó, tổng số tiền thu lợi bất chính của Tính và đồng bọn tạm tính đến ngày 16-6-2022 (với gần 30 trường hợp) là hơn 140 triệu đồng. Điều đáng nói, khi Tính và một số đồng bọn đã bị công an bắt, việc quảng cáo cho vay, thu hồi nợ trong đường dây này vẫn được số "chân rết" còn lại thực hiện tiếp. Chưa kể, chúng không ngại tung tin các "đại ca" sẽ sớm được tự do để trấn an đồng bọn và uy hiếp người vay.
Trung tá Trịnh Khánh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM
Nhận thấy băng nhóm cho vay lãi nặng do Tính cầm đầu có tổ chức, quy mô lớn, các đối tượng phân công vai trò cụ thể, rõ ràng, giúp sức tích cực trong việc cho vay lãi nặng, hoạt động trong thời gian dài, đây là băng nhóm có tính chất nguy hiểm cần được xử lý nghiêm, triệt để nên Phòng CSHS tiếp tục tiếp xúc với các nạn nhân đồng thời đấu tranh khai thác với số đối tượng bị bắt để mở rộng vụ án.
Theo phân cấp, đàn em nào của Tính được giao đi xác minh nhà của khách sẽ trực tiếp thu tiền lãi; ngoài ra, khách vay có thể đóng lãi bằng cách chuyển vào tài khoản ngân hàng hoặc ví momo cho vợ Tính là Hà Thị Thanh Thúy quản lý. Như vậy, băng nhóm cho vay lãi nặng này do Tính cầm đầu, có sự giúp sức đắc lực của hai em trai và vợ. Hiện một số đối tượng đã bỏ trốn, cơ quan công an đang truy bắt.
Chống trốn nợ bằng cách… "thề độc"
Do đường dây này có cả ngàn người vay nên Tính tổ chức chặt chẽ, có phân cấp quản lý. Các trưởng nhánh và trưởng nhóm đã vạch ra nhiều kịch bản để mời gọi người vay, cũng như làm sao thu hồi nợ có hiệu quả. Trong trường hợp khách vay trốn nợ, không đóng lãi, những người đi thu tiền sẽ báo về cho trưởng nhánh giải quyết bằng cách mang giấy nợ đến nói chuyện với gia đình hoặc in hình người vay tiền phát tán tại nơi làm việc, chỗ ở hoặc buôn bán, thậm chí đăng trên mạng xã hội Facebook, Zalo... nhằm tạo áp lực để người vay trả tiền.
Nước mắt lưng tròng, bà V. kể lại chuyện vay tiền và buộc phải "thề độc" trước khi được giải quyết cho vay. Theo đó, để có bằng chứng khống chế con nợ phải trả lãi vay và nợ gốc sòng phẳng, đối tượng cho vay yêu cầu bà V. thề: "Cô lấy tiền của C. thì cho gia đình cô sẽ bị tai nạn chết hết. Cô là V., cô thề độc với C. thế đó!". Khi người vay buộc phải "thề độc" thì đối tượng cho vay sẽ quay clip lưu giữ, rồi dùng để uy hiếp, khủng bố khi đòi nợ. Vì đã trót thề những lời độc địa nên nhiều nạn nhân lo sợ khi mình không trả nợ hay tiếp xúc hoặc trình báo công an thì những điều xúi quẩy đã lỡ thề thốt sẽ vận vào người thân khiến họ xui xẻo, bất hạnh hoặc chết thảm.
Một người vay bị in tờ rơi bôi nhọ
Đối với trường hợp chậm trả nợ hoặc trốn nợ, băng nhóm của Tính còn sử dụng thêm chiêu thức khác là đến nhà gây áp lực với người thân buộc họ trả nợ thay. Thậm chí, băng nhóm này còn in tờ rơi có đăng hình người vay và bôi nhọ bằng lời lẽ "Đây là kẻ chuyên lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm của người khác để chiếm đoạt tài sản. Đối tượng khá tinh vi nhằm mục đích lừa gạt nhiều người". Ngoài dán, phát tờ rơi tại khu vực con nợ sinh sống, các đối tượng còn đăng trên Zalo, Facebook... Do mặc cảm, mắc cỡ, người vay phải vay chỗ nọ cấn chỗ kia, khiến cuộc sống càng thêm bế tắc.
Một phương châm thu hồi nợ được các đối tượng cầm đầu, trưởng nhánh quán triệt đến đàn em là "nói hay hơn chửi", "nói sao cho cua trong lỗ cũng phải bò ra". Theo đó, bài học được truyền dạy gồm rất nhiều điều, tùy tình huống, đối tượng người vay mà áp dụng, nhưng lưu ý "hãy tập trung nói chuyện sao cho còn hay hơn chửi nữa để người ta phải phục, như vậy mới thành công. Các em hãy đầu tư kiếm thêm cách để nói chuyện cho thật hay, hay hơn chửi" (!). Còn khi cảm thấy không nói chuyện được thì đánh bài ngửa kiểu đe dọa: "Thôi bây giờ chửi hay đánh luôn đi, chứ đừng nói chuyện hoài kiểu này"...
Nói về điểm khác biệt của băng nhóm cho vay lãi nặng do Tính cầm đầu so với những băng nhóm đã bị công an điều tra khám phá trước đó, trinh sát Đội 4 phân tích: Đó là sự ràng buộc chéo bằng hoa hồng. Để lôi kéo được nhiều người vay, nhóm này khuyến khích người vay trước giới thiệu cho người vay sau để được hưởng phần trăm hoa hồng giới thiệu. Ngược lại, người vay sau muốn được vay với lãi suất "mềm" cũng phải chịu bảo lãnh trả nợ cho người vay trước nếu người này bỏ trốn. Đối tượng nhóm Tính nhắm tới là người nghèo, có thu nhập thấp, số tiền cho vay giới hạn dưới 10 triệu đồng".
Quyết liệt với tội phạm cho vay lãi nặng
Cùng thời điểm Đội 4 bắt băng nhóm cho vay lãi nặng do Tính cầm đầu, Đội Hình sự Đặc nhiệm (Đội 3) Phòng CSHS cũng bắt nhóm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Đỗ Quang Đạo (28 tuổi) và Nguyễn Danh Hoan (28 tuổi, ngụ Q7) thực hiện.
Thông qua công tác tuần tra kiểm soát tại đường Lê Quang Định (P5Q.Bình Thạnh) vào chiều 13-6-2022, tổ trinh sát Đội 3 phát hiện Hoan - Đạo có biểu hiện nghi vấn nên kiểm tra hành chính. Trong dữ liệu điện thoại di động của Hoan - Đạo có chứa một số nội dung liên quan đến cho vay lãi nặng từ 15% - 20%/tháng nên trinh sát tạm giữ, đưa về đơn vị đấu tranh, khai thác. Qua đó, Đạo - Hoan thừa nhận hoạt động cho vay lãi nặng từ tháng 4-2022 đến nay, đã cho hơn 20 người vay với tổng số gần 140 triệu đồng. Hiện cơ quan công an đã tạm giữ Đạo - Hoan để làm rõ, xử lý.
Trở lại với băng cho vay lãi nặng do Tính cầm đầu, với phương châm xử lý triệt để nhóm trên, tránh để các đối tượng "chân rết" còn lại tiếp tục cấu kết hình thành băng nhóm mới hoạt động trên địa bàn TPHCM gây hệ lụy xã hội, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác như rải tờ rơi hình ảnh người vay kèm theo nội dung xuyên tạc, đe dọa hành hung, tạt sơn, đánh đập... tiến trình điều tra, mở rộng vụ án được Phòng CSHS gấp rút thực hiện với quan điểm không để sót, lọt tội phạm nhằm đạt hai mục đích: củng cố, truy xét các đối tượng liên quan còn lại như Hà Thị Thanh Thúy (vợ Tính), Trương Ngọc Tài (em ruột Tính), Trịnh Hoàng Sang, Lưu Quân Hà (bé Bin), Lê Bảo Quốc Huy (thường gọi Bánh Bèo), Nguyễn Ngọc Sang, Tùng, Danh...
Để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, các đối tượng có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của nhóm Tính nên sớm trình diện, làm việc với cơ quan công an, cụ thể là Phòng CSHS (số 459 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, quận 1).
Trinh sát Phòng CSHS chia sẻ tin vui: "Sau khi bắt giữ được băng nhóm cho vay của Tính và đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân rất phấn khởi, tin tưởng vào lực lượng Công an TPHCM. Trong đó, rất nhiều nạn nhân là người vay tiền đã chủ động đến trụ sở Phòng CSHS hợp tác cung cấp thông tin vay tiền, tố cáo đối tượng, nên quá trình điều tra, thu thập tài liệu thuận lợi hơn trước rất nhiều".
(CATP) Ngày 22-6, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM tạm giữ thêm 3 đối tượng để điều tra, xử lý về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Đây là nhóm chuyên nhắm đến người lao động có thu nhập thấp để cho vay với lãi suất cắt cổ từ 360 đến 480%/năm theo phương thức phân cấp điều hành và ràng buộc chéo bằng hoa hồng giới thiệu. Điều hành đường dây này là vợ chồng, các anh em ruột trong một gia đình.