TPHCM đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia - Đề án 06:

Tận tâm phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thứ Năm, 09/06/2022 11:30

|

(CATP) Đề án 06 của Chính phủ cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Theo Đề án 06, dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC).

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM

Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia; phải gắn kết với năng lực quản trị nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội. Việc kết nối, tích hợp, khai thác CSDLQG về DC phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số.

Việc khai thác, ứng dụng CSDLQG về DC, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.

Phục vụ 5 nhóm tiện ích

Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM, gồm Trưởng Ban chỉ đạo: Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi; các Phó trưởng Ban thường trực: Phó chủ tịch UBND TPHCM - Dương Anh Đức, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM. Các Phó trưởng Ban chỉ đạo là Chánh VP UBND TPHCM, Giám đốc Sở TT&TT, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Y tế cùng các thành viên Ban chỉ đạo là giám đốc các sở, ban ngành khác.

Ứng dụng CSDLQG về DC, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Công an TPHCM triển khai cấp CCCD nhanh chóng

Xác định tầm quan trọng, cần thiết của CSDLQG về DC và CCCD gắn chíp điện tử. Ngày 01-7-2021, CSDLQG về DC do Bộ Công an xây dựng trong thời gian khẩn trương, quyết liệt chính thức được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hóa. Dữ liệu dân cư được xem là dữ liệu gốc, là một trong các tài nguyên quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia khi mà các hoạt động chuyển đổi số gắn với mọi hoạt động của người dân, lấy người dân là trung tâm.

Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp CCCD (trong đó CA TPHCM đã triển khai 2 chiến dịch thu nhận 5.393.936 hồ sơ cấp CCCD) có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân.

Theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện.

Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội và công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để khám bệnh bảo hiểm tại các cơ sở y tế. Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.

Ngoài ứng dụng nổi bật với thẻ CCCD gắn chip, mới đây, ngày 25-02-2022, Bộ Công an đã thực hiện cấp thêm tài khoản định danh điện tử cho người dân thông qua cấp CCCD, điều này giúp gia tăng thêm tiện lợi cho người dân khi giao dịch dịch vụ hành chính công trên môi trường online, việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các giao dịch điện tử.

CCCD gắn chíp điện tử tích hợp nhiều tiện ích

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu (CA TPHCM – Ảnh A061), cho biết về những tiện ích của CCCD gắn chip, đó là để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như chuẩn bị cho việc tích hợp tính năng như khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, rút tiền ngân hàng bằng thẻ CCCD. Cạnh đó, CA TPHCM còn tổ chức cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân. CA TPHCM cũng chỉ đạo các đơn vị tham gia tập trung thực hiện để giải quyết các thủ tục cho người dân; đồng thời báo cáo Bộ Công an phân bổ thêm các trang thiết bị cho TPHCM và các địa phương có nhu cầu lớn. Song song đó là nâng cấp đường truyền để tăng tốc độ xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, kịp thời.

* Bạn Nguyễn Quốc Thắng (ngụ P.1, Q.Bình Thạnh) hỏi: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

* CA TPHCM trả lời: Điều 13 Luật CCCD quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào CSDLQG về DC như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây: Tuân thủ quy trình thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào CSDLQG về DC; Bảo đảm việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; Cập nhật, thông báo kịp thời thông tin về công dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác.

2. Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu có trách nhiệm sau đây: Kiểm tra thông tin, tài liệu về công dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin; Giữ gìn, bảo mật thông tin, tài liệu có liên quan, không được sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm hư hỏng tài liệu và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm sau đây: Tổ chức quản lý việc cập nhật, lưu trữ thông tin, tài liệu vào cơ sở dữ liệu; Kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã được cập nhật, lưu trữ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Lần đầu tiên người dân nộp, rút tiền bằng CCCD tại ngân hàng Bản Việt

Ngày 8-6-2022, Ngân hàng Bản Việt cho biết, ngân hàng này chính thức bắt đầu triển khai hệ thống ngân hàng tự động Digimi+, nổi bật với tính năng nộp, rút tiền mặt bằng CCCD. Điểm đầu tiên tại TPHCM và tiếp tục cho các tỉnh thành phố khác trong thời gian tới. Bản Việt là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai tính năng này tại TPHCM.

Theo đó, khách hàng của Bản Việt hoàn toàn có thể nộp, rút tiền mặt bằng CCCD tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ của Bản Việt. Cụ thể, số tiền nộp tối đa lên đến 100 triệu đồng/giao dịch và không hạn chế số lần nộp trong ngày, tài khoản ghi có ngay lập tức khi khách hàng kết thúc giao dịch tại máy.

Đối với rút tiền mặt, hạn mức là 10 triệu đồng/giao dịch và tối đa 100 triệu đồng/ngày. Hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ sử dụng máy CRM (Cash Recycling Machine), là máy giao dịch tự động thế hệ mới với tính năng ưu việt hơn so với máy ATM thông thường, triển khai được nhiều tính năng bên cạnh nộp, rút tiền mặt như: chuyển tiền, truy vấn số dư, sao kê, đổi mã pin, phát hành thẻ nhanh... Digimi+ bắt đầu triển khai điểm đầu tiên tại TPHCM và mở rộng tại các tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ…

với ngân hàng số Digimi, Digimi + của Bản Việt như cánh tay nối dài, tạo nên một hệ sinh thái ngân hàng tự động để giúp khách hàng giao dịch với ngân hàng thuận tiện và nhanh chóng nhất. Thời gian gần đây, Bản Việt được biết đến như một ngân hàng có sự chuyển đổi tích cực và linh hoạt khi luôn là một trong những ngân hàng đầu tiên mang đến nhiều tính năng giao dịch mới, thuận tiện cho khách hàng như: mở tài khoản eKYC, chuyển tiền bằng mã QR, mở thẻ tín dụng online, và hiện tại là Digimi+ với tính năng nộp, rút tiền bằng CCCD.

Tài khoản định danh điện tử - quyền, lợi ích và chống lãng phí
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang