Đại biểu Quốc hội:

“Có ngân hàng đọc tên thôi cũng biết đứng sau là doanh nghiệp, cá nhân nào…”

Thứ Năm, 09/06/2022 06:11

|

(CAO) Về cơ bản, tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng đã được xử lý. Nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, “có thể có những lòng vòng” phía sau.

Nêu câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đặt vấn đề về tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng.

Theo đại biểu, dù về số lượng thì không còn cặp sở hữu chéo nào, nhưng đây là câu chuyện rất cần được quan tâm. “Tôi cho rằng vẫn còn đâu đó bên trong sự lòng vòng lắt léo của các mối quan hệ, nhiều nhóm lợi ích đan xen. Thực tế ai cũng biết có những ngân hàng mà khi đọc tên thôi thì chúng ta biết đứng đằng sau đó là các doanh nghiệp và cá nhân nào” – đại biểu An nhận định.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Ông An đề nghị Thống đốc cho biết thêm các giải pháp để xử lý thật chặt chẽ các vấn đề này.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận “thực tế cũng như đại biểu có nêu”. “Các cặp có sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp về cơ bản được xử lý, nhưng trên thực tế đại biểu nêu là có thể có những lòng vòng hoặc có thể có những cổ đông cố tình giấu tên hoặc là nhờ người khác đứng tên...” – bà Hồng nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, điều đó đòi hỏi phải có xác minh của cơ quan chức năng. Cho biết Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công an kết nối hệ thống dữ liệu công dân, đặc biệt là với căn cước công dân gắn chip, bà Hồng tin tưởng tất cả các giao dịch của một cá nhân có căn cước công dân gắn chip đều được lưu giữ lại, giúp các giao dịch trong nền kinh tế ngày càng minh bạch hơn.

Vẫn trong nội dung chất vấn người đứng đầu NHNN, đại biểu của Đồng Nai đề cập đến cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.

“Cơ chế này có phải can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Khả năng nới room tín dụng trong thời gian sắp tới như thế nào?” – ông An hỏi, đồng thời nêu bối cảnh hiện nay nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, trong khi nhiều ngân hàng lại trong tình trạng hết room tín dụng.

Nhận xét đây là một câu hỏi rất hay, Chủ tịch Quốc hội thắc mắc, việc cấp tín dụng bằng room và hạn mức rồi phân bổ hằng năm như vậy có mang tính hành chính hay không? Đảm bảo được công khai minh bạch như thế nào?

Cho rằng việc quản lý cần căn cứ theo rủi ro và theo năng lực của tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc nghiên cứu kỹ để trả lời thỏa đáng nội dung này.

Hồi âm sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.

“Hiện nay dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức là 124%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam là nước có tỷ lệ cao” – bà Hồng thông tin.

Quang cảnh phiên chất vấn 

Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng, theo Thống đốc, mỗi khi có các cú sốc như COVID, như biến động của tình hình kinh tế thế giới mà doanh nghiệp và người dân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là lập tức sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Mà hệ thống ngân hàng mà mất khả năng chi trả thì sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế.

Với lập luận trên, Thống đốc nhấn mạnh, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng đã được đặt ra. “NHNN đã áp dụng biện pháp này từ những năm 2011 và thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành” – bà Hồng khẳng định.

Trước đây, Thống đốc chia sẻ, trong thời gian không có kiểm soát về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao, có nhiều năm tăng trưởng tín dụng là trên 30%/năm, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%, như vậy sẽ tạo ra cuộc đua lãi suất để huy động được nguồn tiền để cho vay...

Liên quan đến việc phân bổ hạn mức cho các tổ chức tín dụng, bà Hồng nói “đều có những nguyên tắc chung, trên nền tảng phân loại các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng nào có tình hình lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn”.

Tranh luận trở lại, đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá, cơ chế này có dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp và có lẽ không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

“Việc cấp hạn mức hàng năm dẫn đến chuyện năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để nới room, nhất là trong bối cảnh đang triển khai gói 2% của 40.000 tỷ đồng. Tức là chúng ta có tiền mà lại không cho vay được” - ông An nhìn nhận.

Bình luận (0)

Lên đầu trang