Hàng trăm người bị dụ dỗ, lừa bán sang Campuchia phục vụ sòng bạc (kỳ 1)

Thứ Tư, 06/07/2022 13:13

|

(CATP) Với cạm bẫy "việc nhẹ, lương cao", nhiều thanh niên ở tỉnh Thanh Hóa đã bị dụ dỗ, lừa sang Campuchia bán phục vụ trong các sòng bạc. Những người này sau đó còn bị bán qua tay cho những sòng bạc khác với giá cao hơn. Hàng ngày, họ phải làm việc từ 13 đến 15 giờ mà không được trả lương, còn nếu muốn về quê phải nộp hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng tiền chuộc.

Bị bán như nô lệ

Vừa được gia đình bỏ ra 140 triệu đồng chuộc về từ đất nước Campuchia, anh T.T.D (SN 2003, trú phường Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa hết kinh hoàng sau những lần bị mua đi, bán lại và bị bóc lột sức lao động nơi xứ người. D. kể, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bản thân lại không có việc làm ổn định nên trước đây từng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê.

Tuy nhiên, về sau việc làm ở bên đó cũng bấp bênh và rủi ro cao nên anh về nhà. Cũng trong thời gian này, thông qua mạng xã hội, anh D. được một người bạn cũ ở tỉnh Nam Định rủ sang Campuchia tìm việc làm. Theo mô tả của người này, ở xứ sở Chùa Tháp có rất nhiều công việc nhẹ nhàng, thích hợp và mức lương rất cao. Ngoài ra, quá trình sang đó chi phí rẻ, không cần giấy tờ, thủ tục gì phức tạp. Thấy hấp dẫn, anh D. đồng ý chuẩn bị sang Campuchia tìm việc làm.

Trung tuần tháng 01-2022, D. và người bạn vào TPHCM gặp một người đàn ông lạ mặt. Người này sau đó đã đưa anh D. và bạn lên Cửa khẩu quốc tế Long Bình (tỉnh An Giang) rồi vượt biên sang Campuchia. "Sau khi sang Campuchia, tôi được đến một sòng bạc gần cửa khẩu. Tại đây, tôi gặp nhiều vấn đề bất bình thường, không như thỏa thuận ban đầu. Tôi đã cố gắng gọi cho người đàn ông đưa tôi đến sòng bạc để hỏi lại nhưng không được. Sau đó, chủ sòng bạc thông báo rằng tôi đã bị bán với giá 2.700USD" - anh D. kể.

Công an TP.Sầm Sơn làm việc với một số trường hợp xuất cảnh trái phép

Bất lực vì bị lừa bán sang xứ người, anh D. cố gắng lao động để góp tiền về lại quê hương. Thế nhưng sau 3 tháng bưng bê, phục vụ khách tại casino, anh D. tiếp tục bị bán cho một công ty khác với giá 4.600USD. Tại nơi làm việc mới, anh được phát cho máy tính, điện thoại để tư vấn những nội dung đã được lập trình sẵn cho khách đến đánh bạc qua mạng.

Quá trình làm việc, anh D. luôn bị bảo vệ cầm súng canh chừng, chỉ được đi lại trong khuôn viên của công ty, không cho bước chân ra ngoài. Anh D. uất ức nhớ lại: "Tôi phải làm việc cật lực mỗi ngày từ 14 giờ đến 15 giờ. Nếu lơ là, những người cầm súng canh chừng sẽ đe dọa. Mặc dù vậy nhưng tôi không được trả lương. Khi thắc mắc họ nói rằng, tiền công của tôi được trừ vào chi phí sinh hoạt và phí môi giới".

Do bị bóc lột sức lao động quá thậm tệ, cộng với không được trả lương, về sau anh D. và người bạn xin nghỉ việc thì được chủ sòng bạc yêu cầu phải gọi cho gia đình gửi tiền sang chuộc về. Mỗi người phải đóng tiền chuộc là 140 triệu đồng. Nếu không làm theo thì cả hai sẽ bị bán cho một công ty khác. Biết không còn sự lựa chọn, anh D. sau đó gọi điện về cho gia đình kể lại sự tình. Bố mẹ anh D. đã vay mượn, cầm cố sổ đỏ được 140 triệu đồng gửi sang Campuchia chuộc con về.

Dụ dỗ cả người thân

Tương tự, anh N.V.B (trú H.Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) khi gặp chúng tôi ban đầu cũng rất dè dặt khi kể lại hành trình bị lừa bán sang Campuchia. B. bảo, mặc dù đã trở về quê an toàn nhưng nếu cung cấp thông tin cho báo chí sợ bị các đối tượng ở Campuchia sẽ thuê người trả thù.

Sau nhiều lần động viên, trấn an, cuối cùng anh B. kể, vốn biết tiếng Trung Quốc và kiến thức công nghệ thông tin nên đầu năm 2022, B. được một người bạn rủ sang Campuchia làm việc. Theo như lời người bạn, với khả năng như anh B. thì mỗi tháng làm việc tại Campuchia sẽ kiếm được 20 triệu đồng tiền lương. Tin tưởng, B. đã tìm đến "miền đất hứa" với ước mộng có một công việc ổn định và lương cao.

Nhưng khi vừa đặt chân đến nơi, anh B. đã vỡ mộng vì bị nhốt trong một khu nhà được bao bọc bởi những bức tường cao chót vót, phía trên giăng thép gai không khác gì nhà tù. Ám ảnh hơn, bên trong khu nhà này luôn có những người bảo vệ tay ôm súng kè kè bên mình làm nhiệm vụ canh gác không cho những người như anh B. bỏ trốn. Biết mình bị lừa, nhưng thân cô thế cô nên anh B. đành phải nghe theo sự sai khiến, sắp đặt của chúng.

Anh B. được bố trí làm việc tại một sòng bạc trực tuyến. Công việc hàng ngày của người đàn ông này là hack những Facebook có độ tương tác cao của người Việt Nam rồi bán cho sòng bạc. Một số Facebook bị hack sau đó được đổi tên, hình đại diện của những cô gái trẻ, đẹp để thực hiện những việc lừa đảo qua mạng. Ngoài ra, hàng ngày B. còn được chủ đưa ra danh sách khách hàng cùng những kiến thức rủ rê đánh bạc được soạn sẵn để chào mời, tư vấn cho khách "nướng" tiền qua sòng bạc trực tuyến.

Nạn nhân N.V.B kể lại sự việc

Anh B. kể: "Những người tham gia đánh bạc thuộc nhiều thành phần, nhưng đa số đều rất trẻ và nhàn rỗi. Khi họ tham gia vào những sòng bạc trực tuyến này xác định sẽ bị thua vì tất cả đều được cài đặt sẵn trong phần mềm. Nhà cái muốn cho ai thắng thì thắng, ai thua là phải thua". Theo B, với những người khi bắt đầu chơi, nhà cái sẽ cho họ thắng vài ván đầu. Sau đó, bằng những kinh nghiệm mồi chài, nhà cái sẽ dần dần lột sạch mà con bạc vẫn không muốn dừng lại dù đã hết sạch tiền.

Ngoài việc hack Facebook, tư vấn đánh bạc trực tuyến, những người như anh B. còn bị chủ "khoán chỉ tiêu" lên mạng dụ dỗ người khác sang Campuchia làm việc cho chúng. Thậm chí nhiều người còn bị ép lừa cả bạn bè, người thân. Những ai không nghe lời sẽ bị chủ cho người chửi bới, đánh đập hoặc bán cho công ty khác với giá cao hơn. Để không bị đối xử tàn độc, anh B. đành phải nghe theo chúng.

"Dưới sự giám sát, theo dõi bởi những người của sòng bạc, bên ngoài tôi vẫn đăng thông tin tuyển người lên Facebook. Sau khi lấy được sự tin tưởng nơi chúng, tôi đã bí mật sử dụng một Facebook phụ nhắn tin khuyên can những người từng inbox hỏi về thông tin việc làm để ngăn cản họ để không bị lừa đảo" - anh B. phân trần.

Sau hơn 3 tháng bị lừa bán sang xứ người, anh B. lấy lý do bố bị ốm nặng ở quê nên xin về chăm sóc. Chủ sòng bạc trả cho anh B. 15 triệu đồng tiền công, nhưng yêu cầu phải gọi về cho người thân nộp 60 triệu đồng tiền chuộc. Khi nghe anh B. gọi điện về cầu cứu, gia đình anh B. đã đi vay mượn tiền chuyển sang Campuchia để cứu con trai.

Anh B. chia sẻ: "Em là người may mắn về nước an toàn, chứ ở chỗ em làm việc có nhiều người Việt Nam muốn về nhưng gia đình không có tiền chuộc, phải ở lại chịu cảnh bị bóc lột sức lao động và chịu mọi sự áp bức".

Trung tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 381 công dân xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật. Vừa qua, các lực lượng chức năng đã phối hợp đưa được 179 công dân về nước, trong đó có 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, game online được giải cứu; 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về.

Đặc biệt, tình trạng công dân bị dụ dỗ, lôi kéo đưa sang Campuchia bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ diễn biến phức tạp. Tại đây, những người bị lừa bán trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động, bị cưỡng đoạt tài sản; đồng thời bị ép buộc thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhắm vào người Việt Nam.

Chiều 4-7, Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai xác nhận, đơn vị vừa phối hợp với các đơn vị của Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam cùng các cơ quan liên quan giải cứu thành công 2 công dân của tỉnh Gia Lai bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Đó là Puih Phú (16 tuổi) và Puih Thái (28 tuổi, cùng trú làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Thời điểm giải cứu, sức khỏe nạn nhân ổn định.

Một trong các nạn nhân được giải cứu

Trước đó, 2 người này cùng với 5 người khác đã bị Trần Quang Quyết (21 tuổi, thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) dùng chiêu trò dụ dỗ vượt biên trái phép sang Campuchia "làm việc nhẹ, lương cao", nhưng thực tế họ phải làm việc với cường độ cao, bị đánh đập bằng gậy, dây diện, thậm chí còn bị dọa bán hoặc đưa ra biển giết. Các nạn nhân bày tỏ nguyện vọng muốn trở về nhà thì bị các đối tượng yêu cầu chuyển khoản "phí bồi thường hợp đồng lao động" từ 90 đến 150 triệu đồng/người.

Theo Đại tá Trần Tiến Hải, 2/7 nạn nhân được giải cứu đợt này đã được đưa về nhà ở xã Ia O. Lực lượng biên phòng cũng đang tạm giữ một đối tượng liên quan để điều tra, làm rõ đường dây đưa 7 công dân sang Campuchia. "Việc giải cứu gặp nhiều khó khăn. Hiện lực lượng biên phòng đang phối hợp với cơ quan chức năng xác định vị trí để tìm biện pháp giải cứu 5 nạn nhân còn lại", Đại tá Trấn Tiến Hải nhấn mạnh.

H.Minh

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang