Để giúp người dân nâng cao cảnh giác với đối tượng giả danh Công an thực hiện hành vi lừa đảo, Chuyên gia Tâm lý tội phạm, TS.Đoàn Văn Báu có bài viết hướng dẫn cách nhận biết những đối tượng giả danh Công an như sau:
Với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND trong công tác bảo đảm ANTT, đặc biệt là xuất phát từ niềm tin của nhân dân đối với lực lượng CAND, một số đối tượng đã thực hiện hành vi giả danh Công an với nhiều hình thức, tính chất, phương thức, thủ đoạn khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc đơn giản chỉ vì để được “oai”, để được “thông cảm”.
Đơn cử như một số vụ việc như: Ngày 7-12-2016, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình (Công an TP.HCM) đã bắt khẩn cấp đối tượng Bùi Đức Phương (sinh năm 1972, là Giám đốc Công ty bảo vệ Việt Nhật có trụ sở ở đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình) để điều tra về hành vi sử dụng 2 thẻ ngành Công an được làm giả; Ngày 27-9-2016, đối tượng Trần Văn Hoàng (sinh năm 1980, HKTT: số 46, tổ 10, phường Bồ Xuyên, TP.Thái Bình) bị Công an TP.Thái Bình bắt khẩn cấp vì hành vi giả danh cán bộ Công an Thái Bình lừa đảo chạy việc chiếm đoạt trên 615 triệu đồng của một số người dân.
Ngày 15-6-2016, Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Trịnh Đình Cường (sinh năm 1984, HKTT xã Tiến Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân. Với thủ đoạn mượn quân phục CAND chụp ảnh, đăng lên Zalo, Cường đã tạo dựng niềm tin, lừa đảo, chiếm đoạt 550 triệu của một nữ cán bộ nhà nước ở huyện Tây Giang (Quảng Nam)…
Bùi Đức Phương (người giơ súng) bị bắt khẩn cấp về hành vi sử dụng 2 thẻ ngành Công an giả
1. Đặc điểm thủ đoạn giả danh Công an
Đối tượng giả danh Công an thường là người từng công tác trong ngành công an hoặc có quan hệ thân thiết với một số cán bộ, chiến sỹ Công an, có hiểu biết nhất định về một lĩnh vực công tác nào đó của lực lượng Công an.
Mục đích giả danh Công an của các đối tượng rất đa dạng, có thể chỉ vì muốn thể hiện, muốn được người khác nể trọng hơn, “oai” hơn, để được cán bộ, chiến sỹ Công an đang làm nhiệm vụ “thông cảm” hoặc nghiêm trọng hơn là lừa đảo chiếm đoạt “tình”, tài sản của nạn nhân.
Phương thức, thủ đoạn giả danh Công an rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, thường là các phương thức thủ đoạn sau:
- Sử dụng quân trang, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ giả danh Công an.
Một số người có người thân làm trong ngành Công an thường xin, nhờ mua hoặc mua ngoài thị trường chợ đen quân trang, công cụ hỗ trợ của lực lượng CAND để sử dụng như: giày, tất, thắt lưng, mũ, còng, khóa còng… Thực ra, đây là thủ đoạn rất sơ đẳng và rất khó đánh lừa được cán bộ, chiến sỹ Công an, nhiều trường hợp đã bị xử lý nghiêm tuy nhiên, nhiều người dân vẫn bị lừa.
Hoặc, vì quan hệ cá nhân, một số cán bộ, chiến sĩ Công an đã đăng ký “Giấy ra vào cổng dùng cho xe ô tô” của các đơn vị CAND từ cấp tỉnh, cấp Cục, Bộ và đưa cho người thân sử dụng nhằm được lực lượng CSGT “thông cảm” khi bị xử lý vi phạm. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng làm giả hoặc nhờ làm giả thẻ ngành, công lệnh của lực lượng Công an để thể hiện cho “oai” hoặc thực hiện hành vi lừa đảo.
- Cố tình để “lộ” thông tin về lĩnh vực công tác Công an nhằm ám thị cho người khác biết mình là Công an.
Một số đối tượng tuy có hiểu biết rất hạn chế về lực lượng Công an nhưng luôn tự nhận mình là cán bộ, chiến sỹ Công an, ám thị cho người khác biết mình là Công an. Chẳng hạn, một người tham gia chương trình “Bạn muốn hẹn hò” của HTV7, khi được MC Quyền Linh hỏi về nghề nghiệp đã trả lời rất vô tư “Em công tác ở Phòng Công an TP. Bến Tre”. Nếu là người trong ngành Công an sẽ nhận ra ngay đây là thông tin giả tạo nhưng người dân nếu không có sự hiểu biết nhất định về lực lượng Công an sẽ rất khó nhận ra. Vì vậy, bạn gái kết bạn với người chơi này liên tiếp bị lừa và nghĩ rằng anh này là Công an thật vì những thông tin đại loại như: “Anh đang trực”, “Anh đang tham gia chuyên án”… Và vụ việc chỉ được làm rõ khi Công an tỉnh Bến Tre thẩm tra, xác minh về vụ việc.
Người tham gia chương trình “Bạn muốn hẹn hò” của HTV7 mạo nhận là Công an
Số đối tượng khác, do có sự hiểu biết nhất định về ngành Công an vì đã từng công tác hoặc có người thân công tác trong ngành Công an nên có thể “tiết lộ” thông tin logic hơn, dễ chiếm được niềm tin của người khác hơn như: gọi điện cho bạn là người trong ngành Công an nói chuyện qua loa, lấp liếm; chụp hình chung với người là cán bộ, chiến sỹ Công an tỏ vẻ thân thiết; kể về một người hoặc một số người công tác trong ngành Công an để thể hiện sự hiểu biết, có quan hệ; thường xuyên sử dụng các thuật ngữ nghiệp vụ của ngành Công an; cố tỏ vẻ bí mật, nguy hiểm…
2. Cách nhận đối tượng giả danh Công an
Để phát hiện hành vi giả danh Công an, người dân cần nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an và vận dụng một số cách nhận biết sau:
- Quan sát:
Đây là cách đơn giản nhất để phát hiện các đối tượng giả danh Công an. Khi tiếp xúc với người có sử dụng trang phục (thường không đồng bộ, không đúng qui định), công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ của ngành Công an… cần chú ý quan sát thái độ của họ.
Thông thường, cán bộ, chiến sỹ CAND (trừ lực lượng bắt buộc mặc quân phục khi làm nhiệm vụ) khi làm nhiệm vụ hoặc sinh hoạt thường ngày rất hiếm khi để lộ thân phận và cũng không cần thiết cố tình cho người khác biết mình là Công an, đơn giản vì họ là Công an thật nên không cần giả danh. Vì vậy, khi một người nào đó sử dụng quân trang, công cụ hỗ trợ, giấy tờ của ngành Công an… không đồng bộ, trong trường hợp không cần thiết đã là rất đáng nghi, đặc biệt khi họ cố tình để lộ ý định cho biết mình là Công an càng đáng nghi hơn.
Trong trường hợp này, chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả. Đối tượng giả danh Công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình “nhá” giấy tờ, thẻ ngành Công an cho người khác thấy. Công an thật không ai làm vậy.
Với những trường hợp này, nếu nhận thấy họ chỉ muốn thể hiện, khoe khoang, chưa có ý định lừa đảo rõ ràng cần phải cảnh giác hoặc nếu có cơ sở chắc chắn họ giả danh Công an có thể cảnh báo họ để vạch mặt, buộc họ chấm dứt hành vi giả danh Công an hoặc báo với cơ quan công an nơi gần nhất yêu cầu làm rõ nếu nhận thấy họ có dấu hiệu sử dụng công cụ hỗ trợ, giấy tờ của ngành Công an trái phép.
Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.
Đối tượng Trịnh Đình Cường giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt 550 triệu đồng
- Gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác Công an
Theo qui định của ngành Công an, cán bộ, chiến sỹ không được phép tiết lộ bí mật công tác, tất cả đều được huấn luyện ý thức bảo mật. Do đó, nếu nghi ngờ một người giả danh Công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình. Nếu họ cảnh giác, hạn chế nói về lĩnh vực công tác có khả năng họ là Công an thật.
Ngược lại, các đối tượng giả danh Công an thường phạm phải sai lầm sơ đẳng xuất phát từ mục đích muốn chứng minh mình là Công an nên thường ba hoa kể về lĩnh vực công tác Công an, có đối tượng tỏ ra bí mật, nghiêm trọng nhưng vẫn tiếp tục “tiết lộ”. Trong trường hợp này, khả năng rất lớn đối tượng là người giả danh Công an.
Vì vậy, cần phải khéo léo gợi mở, tỏ vẻ ngưỡng mộ, khâm phục, khen ngợi, tin tưởng… để đối tượng nói càng nhiều càng tốt, càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở. Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành công an thế nào? Đơn vị hiện tại ở đâu, lãnh đạo là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể là gi?...
Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan Công an.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh Công an hay không.
Đối tượng Trần Văn Hoàng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt 615 triệu đồng
- Phân tích, tổng hợp, đánh giá
Cho dù đối tượng là người từng công tác trong ngành Công an hoặc có hiểu biết nhất định về ngành Công an chắc chắn khi đối tượng nói nhiều về lĩnh vực công tác Công an sẽ bộc lộ mâu thuẫn. Do đó, chỉ cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải là giả danh Công an hay không.
Ngay cả trường hợp, đa số thông tin là đúng cũng không nên tin, không làm theo vì rất có thể đối tượng là cán bộ, chiến sỹ Công an thật nhưng bị tha hóa, biến chất cố tình dùng uy tín của lực lượng Công an để đạt được mục đích riêng, thực hiện hành vi lừa đảo. Vì cán bộ, chiến sỹ Công an được đào tạo cơ bản, có phẩm chất tốt sẽ không cố chứng minh mình là Công an, tiết lộ bí mật công tác, không tạo niềm tin để lừa đảo.
Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực Công an, nên nhờ những người đang công tác trong ngành Công an phân tích đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.
- Đối chiếu, kiểm tra
Trong trường hợp, đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh Công an hay không cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra. Từ việc phân tích tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người thân trong ngành Công an… có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh Công an.
Có thể nhờ người thân hỏi trực tiếp đơn vị do đối tượng cung cấp xác định đối tượng công tác ở bộ phận đó hay không. Lưu ý cần cung cấp họ tên đầy đủ, cấp bậc, chức vụ, độ tuổi, đặc điểm nhân dạng, nếu có hình ảnh càng tốt… để đơn vị chủ quan thẩm tra xác minh.
Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh Công an, tránh bị các đối tượng này lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của loại đối tượng này, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.
TS. Đoàn Văn Báu – Chuyên gia Tâm lý tội phạm