Cảnh báo kẻ gian giả danh nhân viên điện lực lừa đảo khách hàng tại TPHCM

Thứ Tư, 18/12/2024 09:09

|

(CAO) Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy - UBND TPHCM và Ban Giám đốc Công an TPHCM về tăng cường công tác truyền thông chính sách trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt không ngừng đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm lừa đảo, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo đó, Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng” diễn ra vào sáng 18/12/2024 tại Hội trường Công an TPHCM (số 268 Trần Hưng Đạo, Q1, TPHCM), do Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức nhằm nhận diện rõ hơn các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, qua đó xác định rõ các nguyên nhân, xu hướng của loại tội phạm này, đưa ra các biện pháp khuyến cáo, phòng ngừa; làm rõ thêm về sự cần thiết, tính cấp bách đối với việc ban hành, sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, đủ mạnh, khả thi; huy động được cả hệ thống chính trị và toàn dân vào phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao.

Đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo trực tuyến, giới thiệu các xu hướng công nghệ an ninh mạng mới và xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chuyên trách và các tổ chức tài chính, ngân hàng trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc. Đồng thời, khuyến khích thực hành tốt bảo vệ thông tin cá nhân và an ninh mạng.

Theo chia sẻ của ông Bùi Trung Kiên – Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, thời gian gần đây có nhiều kẻ gian giả danh cơ quan điện lực tại TPHCM gọi cho khách hàng sử dụng điện với mục đích lừa đảo.

EVNHCMC nhận được phản ánh về việc tự xưng nhân viên điện lực gọi điện thông báo được hoàn trả tiền điện và yêu cầu kết bạn qua zalo để được hỗ trợ; hoặc giả danh nhân viên điện lực đề nghị kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cài đặt App; hoặc giả danh nhân viên ngành điện lập các trang Web kêu gọi góp vốn cho các dự án năng lượng…

Có không ít các cuộc gọi cho khách hàng ở TPHCM nhưng thông báo nợ tiền điện ở các tỉnh thành khác. Có trường hợp còn giả danh số điện thoại của tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện để trả lời khách hàng và thu cước điện thoại 8.000đ/phút. Đây đều là các hình thức giả mạo nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNHCMC với mục đích lừa đảo khách hàng sử dụng điện để chiếm đoạt tài sản.

Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ điện và thanh toán tiền điện qua App EVNHCMC. Ảnh: EVNHCMC

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHCMC ghi nhận có 23 trường hợp khách hàng phản ánh có các số điện thoại gọi yêu cầu khách hàng tải app, kết bạn zalo, nhận link để được hoàn/giảm 20% tiền điện.

Khách hàng nghi ngờ lừa đảo do khách hàng đã được nhận thông tin tiền điện qua App EVNHCMC. Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp bị mất tiền cho các đối tượng lừa đảo này.

Ông Kiên cũng cho biết thêm, gần đây EVNHCMC có yêu cầu khách hàng cập nhật lại hồ sơ mua bán điện nhằm để bảo vệ chính khách hảnh.

Công tác cập nhật, thay đổi thông tin hợp đồng mua bán điện theo đúng tình hình sử dụng điện thực tế là hoạt động thường xuyên của ngành điện nhằm đảm bảo tính pháp lý hợp hợp đồng mua bán điện và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện. Do đó, việc nhân viên điện lực liên hệ để xác thực các thông tin cá nhân của chủ thể hợp đồng mua bán điện (Họ và tên, địa chỉ, căn cước công dân,…) là công tác thường xuyên của ngành điện.

Đối với tiền điện hàng tháng được ngành điện thu đúng và đủ theo hóa đơn tiền điện đã phát hành. Hiện nay, ngành điện không có chủ trương giảm tiền điện, cũng như không đề nghị cung cấp tài khoản và OTP để hoàn trả tiền điện.

Để khách hàng dễ phân biệt và cảnh giác với các cuộc gọi giả danh nhân viên EVNHCMC để lừa đảo hoặc khai thác thông tin cá nhân, EVNHCMC đã phối hợp với các nhà mạng Viettel và Mobifone đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi (Voice Brandname) khi liên lạc với khách hàng.

Tên định danh hiển thị trên điện thoại di động của khách hàng là “EVNHCMC” sẽ giúp cho khách hàng biết là đang giao dịch với nhân viên của EVNHCMC. Đối với các nhà mạng khác sẽ hiện thị số điện thoại 028 22201155.

Nhân viên Tổng đài Chăm sóc khách hàng EVNHCMC tiếp nhận ý kiến của khách hàng sử dụng điện. Ảnh: EVNHCMC

Khi liên hệ khách hàng qua điện thoại, nhân viên điện lực đều sử dụng cuộc gọi định danh, chủ động giới thiệu họ tên, mã nhân viên và đơn vị công tác (là các công ty Điện lực trực thuộc EVNHCMC).

Căn cứ thông tin khách hàng sẵn có, nhân viên điện lực sẽ hỏi khách hàng về địa chỉ sử dụng điện để xác nhận đúng đối tượng cần liên hệ. Trường hợp không đúng đối tượng liên hệ thì sẽ không tiếp tục cuộc gọi.

Để không bị rủi ro đối với các cuộc gọi mạo danh ngành điện, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng thanh toán tiền điện đúng hạn qua các kênh thanh toán điện tử tin cậy, an toàn như: ứng dụng EVNHCMC, ví điện tử (Payoo, Airpay, ZaloPay, MoMo, ViettelPay, VNpay, VNPTPay, ViMo,…), Internet/SMS/Mobile Banking, website/ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng).

Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán tiền điện trực tiếp tại các điểm giao dịch ngân hàng, các điểm thu cửa hàng tiện lợi 24/7 (B’mart, Circle K, Family mart…), siêu thị điện máy (Thế giới di động, Điện máy Chợ lớn, FPT…), siêu thị Coopmart…

Trong trường hợp gặp các cuộc gọi nghi ngờ giả danh điện lực, EVNHCMC khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân.

Đặc biệt, trong mọi trường hợp, khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu ngân hàng. Tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ, không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho EVNHCMC qua Tổng đài 1900.545454 hoặc cơ quan công an các địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang