Muôn kiểu lừa đảo trên không gian mạng:

Bài 2: Giả danh cán bộ, hù dọa người nhẹ dạ cả tin

Thứ Bảy, 14/12/2024 12:32

|

(CATP) Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an (CA) TPHCM, nhận định cuối năm là thời điểm tội phạm gia tăng hoạt động, trong đó có tội phạm trên không gian mạng. Do đó, CA TPHCM khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức lừa đảo phổ biến qua các nền tảng mạng xã hội (MXH)… dẫn dụ, thao túng tâm lý nạn nhân để chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản (CĐTS).

Vạch mặt chiêu trò hù dọa, lừa đảo

Tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng internet ngày càng đa dạng, tinh vi, các đối tượng lừa đảo liên tiếp bày ra nhiều chiêu trò, thủ đoạn mới khiến người dân hoang mang, lo lắng. Trong đó, nổi bật nhất trong thời gian gần đây là chiêu giả danh cán bộ CA, cán bộ Chi cục Thuế để đe dọa, vẽ ra câu chuyện đang bị điều tra, nợ thuế, gây tai nạn bỏ chạy... hòng lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Mới đây, CA tỉnh Đồng Nai cho biết vừa kịp thời ngăn chặn một vụ giả mạo cán bộ "Viện KSND tối cao" lừa đảo người dân qua điện thoại (ĐT) xảy ra trên địa bàn H.Thống Nhất. Theo thông tin từ lực lượng chức năng, trong suốt hai ngày 27 và 28/11, gia đình ông T. bất ngờ nhận được nhiều cuộc ĐT của một người tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát, thông báo ông T. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy khủng, hoạt động xuyên quốc gia. Bị đe dọa, ông T. hốt hoảng liên tục làm theo yêu cầu của các đối tượng bên kia đầu dây ĐT. Cụ thể, các đối tượng yêu cầu, thúc giục ông T. phải nhanh chóng đến ngân hàng chuyển khoản số tiền 50 triệu đồng để xác minh, giải quyết vụ việc.

Tại kỳ họp cuối năm của HĐND TPHCM diễn ra hôm 10/12, trong phần thảo luận chung tại hội trường, nhằm giải đáp những lo lắng của đại biểu về tình trạng lừa đảo qua mạng, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc CA TPHCM cho biết một nguyên tắc người dân cần nắm để tránh bị lừa đảo là cơ quan CA không mời làm việc qua ĐT.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng

Phó giám đốc CA TPHCM chia sẻ, tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng có tính chất quốc tế cao, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để đối phó với cơ quan chức năng. Vì vậy, lực lượng CA rất cần sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chung tay hỗ trợ của người dân. Để tránh bị lừa đảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng khuyến nghị người dân cần bình tĩnh khi tiếp nhận các thông tin yêu cầu làm việc qua ĐT, nhất là các đầu số lạ từ những người tự xưng là cán bộ cơ quan CA giải quyết các thủ tục hành chính, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng để tránh bị lừa đảo.

Do không có tiền, ông T. phải đi vay mượn khắp nơi để thực hiện yêu cầu. Thấy gia đình ông này có biểu hiện bất thường, cán bộ CA xã Xuân Thiện đã chủ động liên hệ, kịp thời hướng dẫn, ngăn chặn vụ việc lừa đảo.

Cùng một thủ đoạn trên, các đối tượng trong những đường dây lừa đảo đã liên tục "quấy rối" người dân, bất kể giờ giấc. Theo lời kể của anh B. (34 tuổi, ngụ Q8) cho biết, cách đây khoảng 1 tuần khi anh đang chuẩn bị ngủ thì có số ĐT bàn gọi đến tự xưng là Đại úy CA, công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. "Tài khoản ngân hàng của anh có liên quan đến đường dây rửa tiền của tổ chức mua bán ma túy vừa bị khám phá, yêu cầu anh hợp tác điều tra".

Dù biết chắc không liên quan đến vụ việc, nhưng khi nghe "Đại úy" đọc rõ ràng tên tuổi, nơi ở... anh B. hơi lo lắng và hoang mang. "Tôi hỏi kỹ hơn thì được yêu cầu tới trụ sở CA quận, sau đó bị đe dọa nếu không hợp tác thì sẽ bị cưỡng chế, và đây là tình tiết tăng nặng khi ra tòa. Vài phút sau, một người tự xưng là cán bộ Viện KSND tiếp tục gọi ĐT, đọc rõ ràng các hành vi kèm điều khoản luật mà tôi bị phát hiện vi phạm" - anh B. cho biết. Lúc này, do đã tỉnh táo hơn, anh B. yêu cầu nếu điều tra thì gửi giấy triệu tập đến nhà, nhóm này chống chế nói đã gọi trực tiếp, không hợp tác sẽ rất "thiệt thòi" cho sau này. "Nói qua nói lại một lúc, các đối tượng lừa đảo đã bỏ cuộc. Nhưng đó là do mình tỉnh táo, cứng rắn để trả lời. Gặp người không biết hoặc người nhẹ dạ cả tin thì dễ bị các đối tượng này dẫn dắt, lừa gạt chuyển hết tiền cho bọn chúng", anh B. nói.

Sáng 01/10, CAP.Đại Mỗ (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận được thông tin về việc bà N.T.M., trú tại P.Đại Mỗ đang đến phòng giao dịch Ngân hàng Agribank yêu cầu rút toàn bộ số tiền 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm để chuyển vào một tài khoản. Nhận thấy bà M. có biểu hiện lạ, nhân viên ngân hàng đã thông tin cho CAP.Đại Mỗ để hỗ trợ xác minh.

Nhận được tin báo, cán bộ chiến sỹ CAP.Đại Mỗ đã đến mời bà M. về trụ sở CA phường để xác minh làm rõ. Quá trình làm việc, bà M. đã kể lại lý do đi rút tiền tiết kiệm để chuyển cho một đối tượng tự xưng là cán bộ Bộ CA để "phục vụ điều tra". Khi làm việc tại trụ sở CA phường, ban đầu bà M. vẫn một mực tin rằng người gọi ĐT yêu cầu mình chuyển tiền là CA vì biết rõ nhân thân, lai lịch và thậm chí đã gọi video cho bà nhiều lần trong trang phục cảnh sát.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu CA TPHCM, khuyến cáo người dân về thủ đoạn lừa đảo CĐTS trên không gian mạng

Cần tỉnh táo, tố giác ngay hành vi

Ngày 12/12, trong buổi họp báo định kỳ hàng tuần về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT TP tổ chức, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu CA TPHCM, nhận định cuối năm là thời điểm tội phạm gia tăng hoạt động, trong đó có tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo CĐTS. Do đó, CA TPHCM khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác.

Theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long, các hình thức lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn ĐT hoặc qua các nền tảng MXH... dẫn dụ, thao túng tâm lý nạn nhân để chuyển tiền, CĐTS đang phổ biến. Ngoài ra, một số kịch bản các đối tượng có thể sử dụng trong thời điểm cuối năm là lợi dụng nhu cầu sử dụng dịch vụ, mua sắm hàng hóa trong dịp cuối năm tăng cao, các đối tượng giả mạo thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra chương trình trúng thưởng Tết, sự kiện tri ân khách hàng, chương trình khuyến mãi hấp dẫn; mua bán các loại vé tàu hỏa, máy bay, xe khách... giá rẻ.

Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo các công ty, doanh nghiệp tổ chức sự kiện để thông báo tuyển chọn người mẫu, diễn viên...; mua bán vé tham dự các lễ hội, sự kiện lớn nhân dịp cuối năm...; hoặc lợi dụng "nhu cầu kiếm tiền, vay tiền", các đối tượng giả mạo công ty tuyển dụng việc làm, đầu tư tài chính trực tuyến và cho vay tiền trực tuyến với "lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản" nhằm dẫn dụ nạn nhân làm theo hướng dẫn để CĐTS.

Mới đây, ngày 26/11, CAQ.Tân Phú (TPHCM) cũng đã thông tin cảnh báo về tình trạng giả danh CA gọi điện lừa đảo. Trong thông báo này, lực lượng chức năng Q.Tân Phú khuyến cáo người dân về các thủ đoạn và cách nhận biết hành vi lừa đảo để có hướng xử lý. Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ thuộc Bộ CA và Viện KSND đang điều tra các vụ án hình sự, đồng thời làm giả các lệnh bắt tạm giam và quyết định tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự rồi liên lạc, gửi cho bị hại thông qua MXH như Facebook, Zalo...

Đối tượng lừa đảo, giả danh CA đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền

Khi nhận thấy "con mồi" đã cắn câu, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp, yêu cầu đưa thông tin về tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền để... phục vụ điều tra. Hình thức giả mạo cán bộ CA để hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng giả mạo VNeID, định danh điện tử mức 2 cũng phổ biến khi người dân nhẹ dạ, cả tin có thể bị lộ thông tin, mật khẩu, tài khoản ngân hàng từ đây.

Lực lượng chức năng cho biết, trước khi bắt đầu thực hiện chiêu trò lừa đảo, các đối tượng đã tìm hiểu rất kĩ về nơi cư trú, thông tin CCCD, ngày tháng năm sinh của nạn nhân, đồng thời thường nhắm vào người cao tuổi về hưu, nội trợ... vì ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin báo chí, MXH.

Ứng dụng VNeID giả mạo được các đối tượng giả danh lực lượng chức năng yêu cầu người dân cài đặt hòng lấy mật khẩu

Trước đó, CAH.Hóc Môn cũng đã điều tra một vụ lừa đảo từ cuộc gọi giả danh CA, khiến một phụ nữ mất hơn 1 tỷ đồng. Cụ thể, bà L.T.K.E. (ngụ thị trấn Hóc Môn) đã nhận được cuộc gọi của người đàn ông tự xưng là thiếu úy L.V.T, công tác tại CATP.Đà Nẵng. Người này thông báo bà E. liên quan đến đường dây "rửa tiền", mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu chuyển 1.190.000.000 đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Truong Hong Linh. Sau khi chuyển tiền, biết mình bị lừa nên bà E. đã đến cơ quan CA trình báo.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang