Cảnh báo lừa đảo du lịch dịp cận Tết

Thứ Năm, 18/01/2024 12:19

|

(CATP) Tháng cuối năm, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch tăng cao. Nắm bắt tâm lý này, nhiều đối tượng sử dụng các chiêu trò nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền như: mạo danh thương hiệu, quảng cáo tour giá rẻ không có thật, làm giả website, fanpage; mạo danh nhân viên của doanh nghiệp du lịch... Đã có không ít người vì nhẹ dạ cả tin đã trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo, dẫn đến mất tiền oan uổng.

Từ mạo danh công ty du lịch…

Đầu tháng 01/2024, chị M.L (ngụ tỉnh Đồng Nai) phản ánh với cơ quan chức năng về việc bị một nhóm đối tượng giả mạo lãnh đạo Công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt (trụ sở tại TPHCM) lừa đảo gần 300 triệu đồng. Hiện phía công ty đã chuyển thông tin tố giác của chị M.L đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Theo trình báo của nạn nhân, do muốn kiếm thêm thu nhập ngoài giờ nên chị đã dò tìm việc trên mạng và bị nhóm người xấu giới thiệu vào một nhóm trò chuyện. "Các đối tượng cho tôi vào nhóm làm nhiệm vụ like quảng cáo cho một doanh nghiệp. Những nhiệm vụ đầu họ trả tiền vào tài khoản để tạo sự tin tưởng. Sau đó, với lý do thao tác lỗi, cần phải nạp lại toàn bộ tiền họ đã chuyển cho tôi và nạp thêm một khoản tương ứng với khoản tiền hoa hồng. Tổng cộng là 129 triệu đồng, để xác minh đúng là tôi mới cho rút tiền. Họ đưa ra một bản Hợp đồng cam kết, nhưng lại sử dụng logo của Công ty Du lịch Việt. Khi tôi nạp gần 300 triệu đồng thì nhóm đối tượng không trả lời nữa...", chị M.L bức xúc cho biết. Điều đáng nói, số tiền trên chị đã vay "nóng" của người quen.

Mạo danh doanh nghiệp du lịch lừa người dân ký kết hợp đồng

Đại diện Công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt khẳng định, đang xuất hiện các đối tượng giả mạo thương hiệu doanh nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ban đầu, chúng dụ dỗ nạn nhân nhấn "like" cho siêu thị, sau đó lừa nạp tiền để nhận hoa hồng cao thông qua các công ty lạ và dựng lên một công ty chịu trách nhiệm ký kết với khách hàng, trong đó có công ty du lịch. Trước khi tham gia nhóm, các đối tượng đưa ra bản hợp đồng cam kết giữa chị M.L với Công ty K-Global, Công ty Du lịch Việt Nam (nhưng sử dụng logo của Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt). Đáng chú ý, trong hợp đồng có nội dung: "Công ty Du lịch Việt Nam có trách nhiệm tất toán toàn bộ số tiền cho bà M.L. sau khi hoàn thành gói phúc lợi cao cấp. Nếu không đúng như cam kết thì công ty sẽ bồi thường 200% số tiền trong vòng 30 phút...".

Cũng theo đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt, thời gian qua, các đối tượng xấu dùng nhiều hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, lập trang fanpage với chiêu thức nhái tên thương hiệu để chào bán tour chương trình du lịch đi Nhật với mức giá siêu rẻ 6,999 triệu đồng/người cho hành trình 6 ngày. Một số khách hàng đã bị chiếm đoạt tiền cọc, dụ dỗ áp dụng khuyến mãi giá rẻ. Cá biệt, có khách hàng đã thông tin về việc hỏi đăng ký tour Nhật tại đây và được nhóm đối tượng mời ra quán cà phê để thu tiền cọc. Ngoài ra, cũng chiêu trò lừa đảo nhắm vào nhu cầu ở mùa cao điểm, nhiều nhóm đối tượng mạo danh nhiều doanh nghiệp để liên lạc chào mời vào nhóm chat mạng xã hội và Telegram để làm "nhiệm vụ”, nhấn "like" quảng cáo được thưởng tiền từ 50.000 đồng và tăng dần lên đến hàng trăm triệu đồng, theo số lượng nhiệm vụ "like" quảng cáo liên tiếp.

Khách du lịch tham quan Buôn Đôn, Đắk Lắk

Trước đó, đại diện một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TPHCM như Saigontourist Group, Vietravel, TST Tourist... cũng bị các đối tượng xấu mạo danh công ty tuyển dụng nhân sự, bán tour giá rẻ... Ngay khi phát hiện vụ việc, các doanh nghiệp đã cảnh báo rộng rãi trên trang web chính thức, fanpage, nhiều kênh thông tin (báo chí, mạng xã hội) để người tiêu dùng cảnh giác. Các siêu thị Điện máy Xanh, trang mua sắm trực tuyến Shopee... cũng nhiều lần lên tiếng về các vụ giả mạo, lừa đảo tinh vi thông qua hình thức tuyển dụng lao động tại nhà bằng cách nhấn "like" để nhận tiền như trường hợp chị M.L.

... Đến lừa đảo mua tour giá rẻ

Thời điểm cuối năm, nhất là khi hàng loạt chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá cho những kỳ lễ, Tết được tung ra thị trường thì cũng là lúc xuất hiện không ít chiêu lừa đảo của kẻ gian. Vì thế, khi tìm kiếm hoặc đăng ký những sản phẩm du lịch, mọi người nên tìm hiểu kỹ chương trình, dịch vụ tour lựa chọn đặt sản phẩm tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín. Đồng thời, người dân và du khách có thể đề nghị phía công ty du lịch cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, quốc tế.

Nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng, tăng nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp du lịch - lữ hành trên địa bàn TPHCM đã đưa ra một số cảnh báo, giải pháp bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Theo đó, vào những thời điểm nhu cầu thị trường cao và sức mua tăng, những trường hợp lừa đảo khách du lịch xuất hiện nhiều hơn thời điểm bình thường. Có thể kể đến các vụ việc lừa đảo khách du lịch phổ biến xuất hiện trên thị trường như mạo danh thương hiệu, quảng cáo tour giá rẻ không có thật, làm nhiệm vụ quảng cáo...

Khách cắm trại du lịch cuối năm trên Tây Nguyên

Các đối tượng thường nắm bắt tâm lý khách hàng có nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch nên sử dụng đủ mọi chiêu trò nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài chính và quyền lợi khách hàng. Không ít người vì nhẹ dạ cả tin đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, dẫn đến mất tiền và thông tin cá nhân. Mặt khác, đối tượng xấu còn sử dụng nhiều hình thức quảng cáo, tiếp thị trên nền mạng xã hội "đạo nhái" tên thương hiệu, màu sắc tương tự... chào bán tour du lịch trong và ngoài nước với mức giá "ảo" cùng sản phẩm, dịch vụ "giả”.

Nhiều đối tượng còn lập nhóm mạo danh doanh nghiệp du lịch - lữ hành liên hệ khách hàng, du khách trong và ngoài nước qua nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là khách hàng bị chiếm đoạt tiền cọc, dụ dỗ áp dụng khuyến mãi rẻ này để mua kèm sản phẩm khác...

Cụ thể, mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở Du lịch liên quan phản ánh của Hội In TPHCM về Công ty TNHH Du lịch Liên minh châu Âu (EU Tourist) nhận tiền tour hơn 1,2 tỷ đồng nhưng không thực hiện nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của đoàn 64 khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo). Mặc dù không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cũng như nội địa, nhưng EU Tourist vẫn tổ chức tour cho một số đoàn khách tham quan trong, ngoài nước, đồng thời quảng bá thông tin trên website và fanpage mang tên eutourist.vn với hình ảnh du khách cầm cờ EU Tourist, chụp hình lưu niệm tại một số điểm đến nổi tiếng.

Theo khuyến cáo từ Bộ Công an, có một số phương thức lừa đảo mùa du lịch phổ biến mà người dân dễ bị "sập bẫy". Nhóm người lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% rồi chiếm đoạt. Một hình thức khác, nghi can lừa đảo sẽ đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỉ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.

Với thủ đoạn tinh vi hơn, nhóm lừa đảo sẽ làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch thì nghi can sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết. Đáng chú ý, hình thức lừa đảo mới xuất hiện là tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người bị giả mạo) để tạo lòng tin với nạn nhân. Thêm một phương thức nữa, nhóm lừa đảo mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Sau khi khách hàng chuyển tiền thì cũng là lúc mọi liên lạc để bị cắt đứt.

NHẬN BIẾT MỘT SỐ THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO ĐẶT TOUR DU LỊCH GIÁ RẺ

1- Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

2- Đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ... Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

3- Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

4- Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.

5- Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.

Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang