(CATP) Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo: các đối tượng thường giới thiệu là luật sư, làm tại các Văn phòng luật sư nhưng không có thật; đồng thời bọn chúng yêu cầu người dân phải chuyển phí dịch vụ trước. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ lừa đảo liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau để yêu cầu bị hại tiếp tục chuyển thêm tiền và đã có người bị lừa chiếm đoạt tài sản.
Điển hình, mới đây, chị N.T.M do cả tin đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Số tiền được bọn chúng báo "đang bị treo trên mạng". Biết mình đã bị lừa, chị M. kịp thời tố cáo với cơ quan bảo vệ pháp luật và đang trong thời gian chờ giải quyết. Thế nhưng với mong muốn nhanh chóng lấy lại tiền, nạn nhân lại tiếp tục bị lừa từ những đối tượng mới mạo danh là luật sư, làm tại các Văn phòng luật sư, có thể giúp lấy lại được số tiền bị lừa đảo qua mạng trên.
Đây là một trong số nhiều nạn nhân thời gian gần đây bị các đối tượng lừa đảo lựa chọn làm "con mồi" cho chuỗi hành vi lừa đảo mất nhân tính. Sau khi người dân đã bị lừa lần 1, tiếp tục bị các đối tượng triệt để khai thác tâm lý muốn nhanh chóng lấy lại tài sản và lợi dụng không gian mạng đưa ra các thông tin dịch vụ thông báo là "số tiền của bạn đang bị treo trên mạng", hoặc có khả năng liên kết với các ngân hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật để cung cấp dịch vụ "lấy lại tiền".
Các đối tượng này thường giới thiệu mình là luật sư, làm tại các Văn phòng luật sư nhưng không có thật rồi yêu cầu người dân phải chuyển phí dịch vụ trước. Nhưng sau khi nạn nhân chuyển tiền, bọn chúng liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển tiền nữa. Biết mình lại bị lừa đảo nhưng các bị hại cũng không làm được gì.
Tránh "sa bẫy" các trang mạng xã hội như thế này
Theo Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Trưởng phòng Trọng án (Cục Cảnh sát hình sự), quá trình đấu tranh, xử lý hành vi phạm tội này gặp nhiều khó khăn, vì đây là đường dây lừa đảo có hệ thống, chỗ làm việc và các đối tượng chủ yếu ở nước ngoài. Nạn nhân và các đối tượng không quen biết nhau, không biết các đối tượng là ai, không có bất kỳ thông tin gì liên quan đến các đối tượng. Đặc biệt, các tài khoản nhận tiền 100% là tài khoản ảo, chính chủ nhưng không phải người sử dụng (bán tài khoản) hoặc chúng làm tài khoản của những người bị mất căn cước công dân...
Bên cạnh đó, các đối tượng đánh đúng tâm lý nạn nhân mới mất tiền muốn lấy lại tiền nên sau khi nhận được thông tin có xu hướng lấy lại được thì sẵn sàng chuyển tiền ngay cho đối tượng. Chúng mạo danh các Văn phòng luật sư có thật và công khai trên mạng nên nhiều người dân tin tưởng, thậm chí đứng trước cửa Văn phòng luật sư chuyển tiền.
Cũng theo Thượng tá Lê Vinh Tùng, sau khi chuyển tiền thì trong vòng vài phút tiền của nạn nhân đã bị bọn lừa đảo chuyển đến hàng trăm tài khoản khác cũng là tài khoản ảo... Địa điểm cuối thường là các dịch vụ đổi tiền hoặc các cửa hàng kinh doanh vàng bạc nên khó khăn trong công tác đấu tranh và thu hồi tiền cho người dân.
Bộ Công an khuyến cáo, người dân, nhất là những người đã là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo cần chú ý: thường xuyên đọc và nắm bắt các thông tin trên các trang mạng chính thống của các cơ quan bảo vệ pháp luật và báo đài để kịp thời nhận biết các thủ đoạn phạm tội của các đối tượng. Ngoài ra, đề cao cảnh giác, cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu. Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.