Lừa đảo trợ cấp bảo hiểm y tế, gia hạn gói cước…
Ngày 18/7/2023, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Đà Nẵng cảnh báo về tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội bằng thủ đoạn vờ hướng dẫn người dân làm thủ tục nhận tiền trợ cấp bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là loại trợ cấp hoàn toàn không có thật.
Trước đó, BHXH Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) tiếp trường hợp ông T.D.A (ngụ P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) đến nhận tiền trợ cấp BHYT. Ông A. cho biết đã tham gia đóng BHYT 5 năm liên tục nên được thông báo đến nhận 5 triệu đồng tiền trợ cấp. Sở dĩ có chuyện kỳ lạ này, theo ông A. là do ông được một đối tượng trên mạng xã hội đề nghị chuyển tạm ứng 6 triệu đồng chuyển đến tài khoản ngân hàng của đối tượng thì sẽ hỗ trợ ông viết "đơn xin trợ cấp BHYT", hoàn thiện các thủ tục liên quan để nhận 5 triệu đồng tiền trợ cấp cùng 6 triệu đồng đã chuyển khoản tạm ứng. Tưởng thật, ông A. chuyển khoản 6 triệu đồng cho đối tượng, sau đó đến BHXH Q.Hải Châu để nhận tiền trợ cấp. Sau khi được nhân viên của BHXH quận này giải thích, ông A. mới biết mình bị lừa.
Ông T., một khách hàng của nhà mạng MobiFone cũng từng bị lừa đảo bằng thủ đoạn dụ dỗ đóng tiền mạng 4G. Trước đó, có cuộc gọi đến số điện thoại của ông T., thông báo "gói cước 4G của ông đã gần hết hạn" và yêu cầu làm theo chỉ dẫn để gia hạn gói cước giá rẻ chỉ bằng một nửa so với gói cước ông đang sử dụng mà tốc độ vẫn cao. Thực ra, gói cước này ông T. đóng cả năm cho nhà mạng MobiFone, được khuyến mại 2 tháng và cũng không nhớ đến tháng nào thì hết hạn. Nhưng tại sao người gọi biết ông T. đang dùng gói cước này? Nghi ngờ, ông T. hỏi: "Vì sao cô nói là ở tổng đài MobiFone mà lại dùng điện thoại cá nhân để gọi khách hàng?". Đầu dây bên kia tỏ ra bối rối và cúp máy. Với trường hợp này, vấn đề đặt ra là tại sao đối tượng lừa đảo lại biết khách hàng T. đăng ký và sử dụng gói cước đó?
Nhóm lừa bán sản phẩm trị nám qua mạng, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng vừa bị bắt giữ tại Hà Tĩnh
Thời gian gần đây, hiện tượng kẻ gian giả danh nhân viên điện lực gọi cho khách hàng để lừa đảo tại TPHCM tái diễn phức tạp. Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều khách hàng về việc các đối tượng lạ gọi điện, tự xưng là nhân viên điện lực, thông báo sẽ hoàn trả từ 10-15% tiền điện cho khách hàng và đề nghị khách hàng kết bạn qua ứng dụng Zalo để hướng dẫn cài đặt "app" (ứng dụng) nhận tiền hoặc đề nghị khách hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền thoái hoàn. Kiểu lừa đảo này bị đa số khách hàng cảnh giác, nhưng vẫn có một trường hợp làm theo dẫn dụ của đối tượng và bị mất tiền.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 150 trường hợp khách hàng phản ánh đến Tổng đài 1900.545454 về các cuộc gọi thông báo nợ tiền điện, dọa cắt điện, ngưng hợp đồng mua bán điện nếu không thanh toán ngay, yêu cầu liên hệ nhân viên điện lực tư vấn (do đối tượng giả danh). Trong các chiêu lừa trên, số nạn nhân bị mắc bẫy, nạp tiền qua mạng là không ít. Mặc dù rất nhiều phương tiện truyền thông đã phản ánh, song số người bị lừa đảo (đặc biệt là sinh viên) vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
Cẩn trọng trước chiêu lừa bằng công nghệ AI
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo qua mạng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi. Mới đây, Công an một số địa phương đã cảnh báo về phương thức lừa đảo mới bằng việc sử dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tại Hà Nội và TPHCM, cơ quan công an đã tiếp nhận thông tin từ một số nạn nhân, theo đó họ nhận được các cuộc gọi video từ tài khoản mạng xã hội của người thân, bạn bè, đồng nghiệp trên các ứng dụng, có hình ảnh lẫn giọng nói giống như người thật. Đối tượng giả danh viện cớ đang gặp khó khăn hoặc cần tiền gấp để giải quyết công việc, đề nghị người nhận cuộc gọi video chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng. Sau khi chuyển tiền xong, các nạn nhân mới phát hiện mình bị lừa.
Theo các chuyên gia công nghệ, để thực hiện chiêu lừa đảo này, các đối tượng đã tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng trên các tài khoản mạng xã hội của người đó, rồi sử dụng công nghệ "Deepfake" tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video giả mạo người thực với độ chính xác rất cao để lừa đảo. Sau đó, các đối tượng thực hiện cuộc gọi video giả mạo người thân, bạn bè hỏi vay tiền; giả mạo con em của nạn nhân đang du học nước ngoài, gọi cho cha mẹ, người thân... nhờ chuyển tiền đóng học phí, rồi chiếm đoạt.
Tang vật trong vụ bắt giữ nhóm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào năm 2019
Nạn rao bán thông tin cá nhân trên "web đen"
Thời gian vừa qua, số vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số, mạng xã hội. Thống kê của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến ở nước ta tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 38% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Trước tình hình trên, Bộ TT&TT đã phát động chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến" (từ ngày 23/6 đến 23/7/2023), dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin, nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng. Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, thông qua các clip về tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo..., đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Theo Cục An toàn thông tin, hiện có 3 nhóm lừa đảo trực tuyến chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản, các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng ở nước ta, nhắm vào các nhóm đối tượng: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động, nhân viên văn phòng... Đáng lo hơn nữa là nạn tin nhắn "rác", cuộc gọi lừa đảo vẫn diễn ra, do tin tặc có nhiều cách để thu thập thông tin cá nhân của người dân, vốn đang được rao bán tràn lan trên "dark web" (tạm gọi là "web đen"). Cạnh đó, ứng dụng nhắn tin Telegram cũng trở thành công cụ mới, được tin tặc sử dụng làm "chợ buôn dữ liệu". Thực tế, tại các "chợ đen" trên Telegram, thông tin về nhiều tài khoản ngân hàng được rao bán công khai.
Cơ quan công an xác định, từ nhiều vụ án cho thấy tội phạm lừa đảo qua mạng chủ yếu ở nước ngoài nên công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo giờ đây tăng cường sử dụng số điện thoại "ảo", dễ dàng xóa dấu vết mỗi khi phát tán xong tin nhắn, cuộc gọi. Vì thế, việc truy vết càng gian nan hơn.
Theo phản ánh của nhiều người dùng, thời gian gần đây, khi ĐTDĐ nhận những cuộc gọi nhỡ từ số máy có đầu số 0091, 0038, 0090..., nếu người dùng thử gọi lại vào các số máy trên, dù chỉ mới đổ chuông hoặc ngay cả khi không ai nghe máy thì người dùng vẫn bị trừ số tiền lớn trên tài khoản di động của mình. Thực tế, đây là các đầu số quốc tế, trong đó 0091 là mã vùng quốc gia của Ấn Độ, 0038 là mã vùng quốc gia của Ukraine, 0090 là mã vùng quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ... Đây là hình thức lừa đảo "cuộc gọi nhỡ" xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2012 - 2015.
Để lừa đảo, các đối tượng đăng ký những dịch vụ tổng đài tự động có thu phí cuộc gọi đến, máy chủ đặt tại nước ngoài, sau đó sử dụng một thiết bị tự động để thực hiện cuộc gọi đến hàng triệu số điện thoại ngẫu nhiên trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Mỗi cuộc gọi kéo dài trong 1 - 2 tiếng chuông rồi sẽ tự động ngắt, lưu lại cuộc gọi nhỡ trên máy của nạn nhân. Nếu nạn nhân tò mò gọi lại, cuộc gọi sẽ được tính giá cước rất cao. Tiền thu từ cuộc gọi này sẽ được chia sẻ giữa nhà điều hành mạng và các công ty đang vận hành tổng đài tự động này. Cần biết rằng chi phí để thực hiện một cuộc gọi vào tổng đài cố định ở nước ngoài rất đắt đỏ nên người nào gọi lại số máy lạ đó sẽ bị trừ tiền rất nhiều trong tài khoản.
Giữa nhiều chiêu trò lừa đảo qua mạng, người dùng điện thoại và mạng xã hội rất dễ trở thành "con mồi" của kẻ xấu. Tội phạm loại này thường biến hóa khôn lường, đặc biệt là tội phạm nhắm vào tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng của người dân để tìm cách chiếm đoạt tiền, tiền cước. Dù cơ quan chức năng đang tìm mọi cách để ngăn chặn các loại tội phạm này, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được hoàn toàn. Người dân cần cẩn trọng trong mọi hoạt động trên mạng xã hội, nhất là khi liên quan đến tiền bạc, tài khoản.