Muôn kiểu lừa đảo qua mạng xã hội

Thứ Hai, 17/07/2023 13:26

|

(CATP) Cùng sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, internet, giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử... là xu hướng và ngày càng phổ biến trong giai đoạn hiện nay, mang lại nhiều lợi ích cho con người. Đi kèm với đó là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Lừa thi tuyển người mẫu nhí

Ngày 16/7, Công an TP.Thủ Đức đã phát đi thông báo một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua các trang mạng, phương tiện điện tử trong giai đoạn hiện nay.

Công an TP.Thủ Đức cho biết, các trang mạng xã hội, internet, giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử... ngày càng phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho con người. Song, đi kèm với đó là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến. Hầu hết các đối tượng đánh vào lòng tham của con người, lợi ích vật chất, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết về pháp luật để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điển hình, khoảng 12 giờ 30 ngày 09/6/2023, chị N.T.T.L (SN 1996, ở đường 339, KP5, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức, TPHCM) thấy trên mạng xã hội Facebook có thông tin tuyển chọn giọng đọc và lồng tiếng nên đồng ý ứng tuyển. Sau đó, chị L. được chuyên viên hướng dẫn làm nhiệm vụ.

Tiếp đó, chuyên viên tên Lê Hoàng tư vấn và gửi cho chị L. một sản phẩm yêu cầu chụp lại sản phẩm và yêu cầu chị L. chuyển khoản 2 triệu đồng vào tài khoản số 46810002313518 mang tên NGUYEN MANH HA, tại Ngân hàng TMCP đầu tư phát triển Việt Nam. Chị L. làm theo hướng dẫn và nhận lại 2,2 triệu đồng. Sau đó, chị L. tiếp tục làm nhiệm vụ và chuyển tổng số tiền là 29,96 triệu đồng nhưng không nhận lại được tiền. Biết bị lừa nên chị L. đến Công an phường trình báo vụ việc.

Các đối tượng sử dụng những phần mềm giả mạo hoặc tổ chức hội thảo, du lịch để lừa đảo

Hay trường hợp của chị V.T.M vào lúc 14 giờ 45 ngày 29/5/2023 (SN 1983, ngụ đường Tô Vĩnh Diện, P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, TPHCM) truy cập Facebook vào quảng cáo "Vietnamese Kids Star" để đăng ký cho con trai thi người mẫu nhí. Sau khi cung cấp thông tin cho con, chị M. được hướng dẫn sử dụng ứng dụng Zalo tiếp tục nhắn tin với 1 tài khoản nick "Hm Fashion Model From" và vào 2 nhóm nick "CASTING H&M ROUND I", "P139-CASTING ROUND 2" để làm nhiệm vụ mua hàng online, nạp tiền nhận nhiệm vụ hưởng hoa hồng, tích điểm và thể hiện sự quan tâm đến con cái.

Tổng cộng, chị M. đã sử dụng tài khoản NH. Vietcombank số 0181000888901 của mình chuyển 8 lần, với tổng số 114,399 triệu đồng vào tài khoản NH. MB số 000007223857, mang tên KHOÀNG THỊ QUAI và 1 lần chuyển 130 triệu đồng vào tài khoản NH. Đông Nam Á (SEABANK) số 000007223857, mang tên NGUYEN XUAN TRUONG và chỉ được hoàn lại 72,103 triệu đồng. Tổng thiệt hại chị M. bị chiếm đoạt 172,295 triệu đồng .

Trước đó, ngày 08/3/2023, bà L.T.N.Ph (SN 1975, ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức, TPHCM) nhận được cuộc gọi từ 2 số ĐT: 0949.605.713 và 0946.024.912, xưng là CATP Hà Nội nói bà Ph. liên quan đến đường dây mua bán trẻ em và rửa tiền, yêu cầu bà Ph. chuyển hết tiền vào tài khoản cá nhân để phục vụ công tác điều tra. Bà Ph. đã đến Ngân hàng BIDV chuyển 1.306.687.000 đồng vào tài khoản. Ngân hàng của bà Ph. cùng mở tại Ngân hàng BIDV, số TK: 13410000200629. Bà Ph. cũng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho các đối tượng.

Ngày 15/3/2023, bà Ph. ra Ngân hàng BIDV kiểm tra thì được biết số tiền 1.306.687.000 đồng trên đã bị chuyển đi. Biết bị lừa, bà Ph. đến CAP An Phú, TP.Thủ Đức, TPHCM để trình báo.

Công an TP.Thủ Đức cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn mà đối tượng thường sử dụng để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản là: Xâm nhập trái phép (hack) tài khoản Facebook người thân, bạn bè của bị hại, sau đó chiếm quyền sử dụng, nhắn tin nhờ bị hại chuyển tiền giúp để xử lý công việc và sẽ trả lại sau. Do tin tưởng là người thân nên bị hại nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt.

Giả mạo trang Web ngân hàng, nhắn tin báo tài khoản bị khóa hoặc cần nâng cấp, yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn để được khôi phục. Sau khi truy cập vào đường Link do đối tượng cung cấp, nhập mã OTP thì tiền trong tài khoản người bị hại được chuyển sang tài khoản khác và bị chiếm đoạt. Hoặc lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân, chúng đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn rẻ trên Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị) để đặt tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Các đối tượng thông qua mạng xã hội Facebook hoặc Zalo, Telegram... mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang. Sau khi cha hoặc mẹ "cắn câu", chúng đưa vào một group chat để mời tham gia thử thách để trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ, nhưng khi số tiền chuyển tăng cao, chúng chiếm đoạt số tiền mà phụ huynh đã chuyển khoản.

Một số thủ đoạn cũ vẫn được sử dụng như: Lập sàn giao dịch thu hút hợp tác đầu tư, kinh doanh tiền ảo, đầu tư chứng khoán với lợi nhuận cao; các hình thức trúng thưởng, khuyến mại, gửi quà tặng từ nước ngoài về nước hay nhờ nhận tiền giúp; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án yêu cầu người dân chuyển tiền; giả nhân viên ngân hàng, yêu cầu người sử dụng thẻ tín dụng cung cấp mã OTP để chiếm quyền sử dụng thẻ tín dụng... nhằm chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo ở việt nam tăng gần 70%

Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng, gồm: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ”; Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.

Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt, giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững; là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM cho biết, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tùy thời gian, địa điểm như: mạo danh nhân viên bưu điện, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để hù dọa; rủ người dân đầu tư sàn ngoại hối, tiền ảo; đề nghị nâng cấp sim điện thoại; làm giả ứng dụng liên kết với ngân hàng... Phòng PC02 cho biết, trước đây đối tượng tấn công nick Facebook, nhắn tin đến danh sách bạn bè chính chủ để mượn tiền, xin tiền bố mẹ... Nhiều người sập bẫy và tìm cách gọi kiểm tra thì mới biết bị lừa. Tinh vi hơn, đối tượng lấy video cũ, hình ảnh của chính chủ trên mạng rồi cắt ghép, dùng công nghệ deepfake (ghép hình ảnh, giọng nói giả người khác) để đánh lừa các nạn nhân.

Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không; Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.

Phòng PC02 nhấn mạnh, nhiều người bị dẫn dụ, cuốn vào cạm bẫy của đối tượng lừa đảo mà không có thời gian kiểm chứng thông tin. Người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ; nếu nhận cuộc gọi người xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án... cần báo ngay cho Cơ quan công an gần nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang