(CATP) Vào một buổi chiều đầu tháng 7/2023, ông L.V.T (SN 1945, trú huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) đang lui cui quét sân thì nghe tiếng chó sủa. Cùng lúc, 2 người đàn ông mặc trang phục công nhân điện lực, đội nón bảo hộ chở nhau bằng xe máy dừng trước cổng nhà. Một người bước vào nở nụ cười thân thiện rồi cất tiếng chào hỏi. Tưởng họ đến sửa điện, ông T. liền đánh tiếng rằng điện nhà mình vẫn ổn, không gặp trục trặc gì.
Nhanh nhảu, anh "thợ điện" liền tiến đến đặt vấn đề: "Dạ không phải đâu bác, hổm rày tụi con sửa điện ở khu vực gần đây. Hôm nay mới xong. Ngày mai sẽ làm công trình ở xa nên muốn bán lại cái thang". Vừa nói, anh ta vừa chỉ tay về phía xe máy cùng người đàn ông đang ôm chiếc thang nhôm. Để tạo lòng tin, anh ta luôn miệng nói về tác dụng của chiếc thang "thần thánh" có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nghe vậy, ông T. liền hỏi giá.
Chỉ chờ có thế, gã "thợ điện" liền "hét" giá 6 triệu đồng. Thoáng thấy ông T. cau mày, anh ta tiếp tục giải thích: "Vì tụi con đã sử dụng, có vết trầy xước nên mới lấy giá này đó bác". Do nhà không có đủ số tiền trên, ông T. thật thà cho biết: "Tui làm gì có số tiền lớn vậy. Hôm nay mới bán ít trái cây, chỉ có 2,5 triệu đồng. Mấy chú đồng ý bán thì tui mua". Biết "cá đã cắn câu", nhưng gã "thợ điện" gian xảo vẫn làm cao: "2,5 triệu tụi con không bán được đâu, vì phải thu đủ giá vốn cho công ty bác ạ”. Nói rồi, anh ta ra xe cùng đồng bọn bỏ đi.
Vừa đóng cửa cổng quay vô nhà, ông T. nghe tiếng 2 người đàn ông ban nãy gọi. Giả vờ vò đầu bứt tai, gã "thợ điện" nhăn nhó: "Thôi, tụi con để giá "hữu nghị” cho bác vì đang cần tiền nhậu cùng anh em". Tưởng vớ được món hời, ông T. vội vào nhà lấy tiền đưa cho 2 "thợ điện". Sau khi 2 người đàn ông đi khỏi, cầm chiếc thang thấy nhẹ hẫng trên tay, ông T. linh cảm có điều gì đó không hay, nhưng vì lỡ mua rồi nên đành đem cất vào góc nhà. Lát sau, người con trai đi làm về, ông T. liền kể lại chuyện mua chiếc thang nhôm từ 2 thợ điện. Nghi ngờ, anh con trai vội kiểm tra thì phát hiện là hàng "dỏm" bởi giá thị trường chỉ... vài trăm ngàn đồng.
Nghe lùm xùm, chị N.T.V (hàng xóm) chạy sang và cũng té ngửa khi được con trai ông T. cho biết chị đã gặp phải kẻ lừa đảo khi mua ổ khóa. Theo chị V., mấy hôm trước, cũng vào buổi chiều, có 2 thợ điện xuất hiện trước nhà chị, nài nỉ mua giùm 2 chiếc ổ khóa. Các nhân viên điện lực "dỏm" này dựng chuyện vừa thay ổ khóa cho các đồng hồ điện, hiện còn dư 2 ổ với giá gần 300.000 đồng/chiếc, nhưng chỉ bán rẻ 200.000 đồng/chiếc để "lấy tiền uống nước". Cứ tưởng mua được hàng rẻ, nào ngờ loại khóa này chỉ có giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/chiếc.
Tang vật thu giữ của Tạ Long Hồ
Qua 2 vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn giả mạo công nhân điện để bán hàng "dỏm" giá "trên trời" xuất hiện đã lâu, nhưng vẫn còn nhiều người sập bẫy. Nạn nhân thường là người già và phụ nữ ở quê. Kẻ gian dùng lời lẽ ngon ngọt nhằm tạo niềm tin cho người dân như: ổ khóa, thang nhôm, máy khoan hay các thiết bị điện làm ở công trình còn dư cần bán với giá rẻ... Một số người cả tin đã mua nhầm hàng kém chất lượng với giá cao, gây hiểu lầm đối với nhân viên ngành điện.
Tinh vi hơn, có đối tượng còn sử dụng hóa đơn, chứng từ giả tự soạn thảo nội dung về hàng hóa nhằm tạo sự tin tưởng. Cuối tháng 6 vừa qua, Công an H.Trà Ôn (Vĩnh Long) đã củng cố hồ sơ xử lý người đàn ông giả danh nhân viên điện lực đi bán thang xếp, ổ khóa. Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 22/6, lực lượng CSHS Công an H.Trà Ôn phát hiện một người đàn ông đang bán thang xếp và ổ khóa trên địa bàn TT.Trà Ôn (H.Trà Ôn) có nhiều biểu hiện nghi vấn nên kiểm tra và mời về trụ sở công an làm rõ. Tại cơ quan công an, Tạ Long Hồ (52 tuổi, quê Tây Ninh) khai mua một số hàng hóa ở Q5 (TPHCM) gồm thang xếp, ổ khóa với giá từ 39.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.
Nhằm tăng sự tin tưởng của người dân, Hồ mặc trang phục ngành điện lực rồi đến các khu vực dân cư có nhiều người già và phụ nữ chào mời mua hàng với lời dẫn dụ "hàng hóa của công ty điện lực sử dụng dư nên chia lại giá rẻ”. Ngoài ra, đối tượng còn sử dụng hóa đơn, chứng từ giả tự soạn thảo nội dung về hàng hóa nhằm tạo sự tin tưởng. Qua đó, Hồ bán lại các mặt hàng trên từ 200.000 đồng đến 3,5 triệu đồng, nhưng tất cả là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ 7 ổ khóa, 1 thang xếp và một số hóa đơn chứng từ chưa rõ nguồn gốc để tiếp tục xác minh làm rõ.
Thiết nghĩ, người dân cần nâng cao cảnh giác với thủ đoạn kẻ gian giả danh cán bộ, nhân viên các cơ quan, công ty nhà nước, các ban ngành tổ chức chính trị xã hội. Ngoài ra, không tham gia mua sản phẩm kém chất lượng với giá cao. Khi phát hiện đối tượng sử dụng trang phục như trên đi rao bán đồ nghề, hãy báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn.