Chiêu trò "săn sale" qua mạng xã hội
Hiện nay, nhu cầu du lịch đang dần trở nên thiết yếu đối với nhiều gia đình mỗi dịp hè đến. Để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, nhiều người vẫn có thói quen tìm kiếm thông tin các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ hay "săn sale" các voucher giảm giá trên mạng. Lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức dùng các chiêu trò tinh vi, tung các thông tin "siêu giảm giá” 30 - 50% so với giá gốc, thậm chí miễn phí khiến nhiều người "sập bẫy". Thời gian qua, không ít người khi tới sân bay không đăng ký được vé, đến nơi lưu trú không có tên trong hệ thống đặt phòng, liên lạc với người bán thì thuê bao không liên lạc được mới té ngửa đã bị lừa.
Cụ thể, do nhu cầu đưa gia đình đi tham quan Vinpearl Nha Trang, anh L.H.N (trú tỉnh Bình Phước) đặt phòng qua một đối tượng chuyên quảng bá voucher du lịch giá rẻ trên một hội nhóm. Tin tưởng qua lời mời chào nhiệt tình, anh đã chuyển trước 13,5 triệu đồng tiền phòng vì theo nguyên tắc đặt phòng khách sạn phải chuyển khoản 100%. Đúng ngày giờ, gia đình anh đáp máy bay đến Vinpearl Nha Trang, nhưng lúc check phòng thì cả nhà bất ngờ khi lễ tân báo anh chưa thanh toán tiền phòng.
Lo lắng, anh N. liền gọi điện thoại nhưng đối tượng không bắt máy. Thấy vậy, lễ tân còn cho biết, số điện thoại anh vừa gọi đã từng lừa một người với thủ đoạn tương tự. Chẳng lẽ quay về, anh N. buộc phải đặt lại phòng và thanh toán, còn số tiền kia coi như mất trắng. Đó cũng là kì nghỉ đáng nhớ của gia đình anh khi phải thanh toán giá trị tiền phòng đắt gấp đôi bình thường. Bà L.T.X (trú huyện Củ Chi) cũng lâm tình cảnh dở khóc dở cười khi đặt tour qua một đối tượng trên mạng để cả gia đình đi du lịch Phú Quốc. Khi tư vấn, đối tượng yêu cầu khách chuyển 50% cọc trước. Tưởng thật, bà X. liền chuyển 10 triệu đồng. Thế nhưng vừa chuyển xong tiền cũng là lúc bà X. bị chặn luôn số điện thoại.
Các gia đình cho con em đi du lịch cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi
Càng bước vào mùa cao điểm du lịch hè, các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo càng nở rộ và tinh vi hơn. Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, đặc biệt là tâm lý ham giá rẻ, không ít đối tượng đã tung ra những lời rao bán hấp dẫn trên mạng xã hội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chiêu thức phổ biến nhất là đăng bài viết quảng cáo bán tour du lịch, combo du lịch, phòng khách sạn với giá "siêu hời" cùng nhiều tiện ích đi kèm. Khi đã "câu" được những người ham rẻ nhưng thiếu thông tin, chúng yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc trước (chuyển khoản bằng thẻ ngân hàng) rồi chiếm đoạt luôn số tiền này.
Để củng cố niềm tin của du khách, các đối tượng không ngại làm giả website hay fanpage của các công ty du lịch uy tín, thậm chí làm giả cả biên lai, hóa đơn thanh toán. Nhiều đối tượng còn sẵn sàng "mua comment" trên fanpage hoặc tạo ra những tương tác, bình luận ảo, trưng ra lịch sử giao dịch để thể hiện đã có nhiều người mua dịch vụ, có đánh giá tích cực để "bẫy" những du khách ham rẻ. Tinh vi hơn, chúng thành lập cả đường dây phối hợp để trước khi chuyển khoản đặt cọc, nếu khách còn băn khoăn, gọi vào số điện thoại cố định (được các trang web cung cấp) để liên hệ, xác minh thông tin thì luôn có người nghe máy, xác nhận thông tin về công ty, nhân viên... y như thật. Có đối tượng sau khi nhận được tiền cọc còn gửi ngay code vé máy bay, mã đặt phòng... để khách yên tâm mọi việc đã xong xuôi, nhưng kỳ thực đó chỉ là mã giữ chỗ - sẽ tự hủy nếu không được thanh toán...
Gần đây, xuất hiện cả tình trạng các đối tượng nhận làm dịch vụ visa du lịch nước ngoài cam kết "đậu" 100%. Sau khi nhận được khoản thanh toán một phần chi phí, các đối tượng này chỉ hướng dẫn lấy lệ, để khách tự khai thông tin, tự hoàn thiện hồ sơ, sau đó lấy lý do khách khai bị thiếu nên trượt visa, không trả lại tiền. Cùng với đó là trường hợp đối tượng lừa đảo đánh cắp tài khoản mạng xã hội của người dùng, sử dụng công nghệ tạo ra những hình ảnh, cuộc gọi giả mạo giống như thật, "diễn" thông báo tình trạng đang bị mắc kẹt khi du lịch nước ngoài để vay tiền gấp những người trong danh sách bạn bè.
Giả danh Facebook của một cơ sở du lịch tại tỉnh Bình Thuận để thu lợi bất chính
Giả danh cơ sở du lịch để thu tiền
Ngoài website, điện thoại hotline, liên kết với các đại lý du lịch uy tín thì các cơ sở nghỉ dưỡng còn tạo lập thêm các kênh riêng trên các trang mạng xã hội như Facebook để quảng bá thương hiệu cũng như cho nhiều người biết, đăng ký lưu trú. Tuy nhiên, gần đây kẻ xấu có ý đồ thu lợi bất chính của người khác, đã tạo lập ra một trang tương tự, có nghĩa là "phiên bản" y hệt trang Facebook của các cơ sở bao gồm cả nội dung lẫn hình ảnh. Tình trạng này đang xuất hiện tại TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Việc có thêm "phiên bản" giả danh mới này khiến cho du khách, những người có nhu cầu đặt phòng tại cơ sở đã định lưu trú "mù” thông tin về cơ sở, không biết trang nào với trang nào là chính xác hoặc cứ ngỡ trang đó là của cơ sở. Nhiều người nhầm lẫn vô tình liên hệ đúng trang giả này nên đã bị lừa, bởi nhận được tư vấn ngọt ngào với chi phí cho chuyến nghỉ dưỡng rẻ hơn so với giá thực của cơ sở. Khi đã đồng ý giá phòng bao gồm ăn uống, chúng yêu cầu thanh toán trước 50%, nhưng sau khi thanh toán, liên hệ lại thì bị chúng chặn Facebook. Có du khách đặt được phòng và lên kế hoạch đi du lịch, khi đến nơi nhận phòng thì bị cơ sở từ chối, vì không nhận được bất cứ thông tin nào từ khách, khi đó mới biết mình bị lừa. Cụ thể, những ngày qua, một cơ sở nghỉ dưỡng thuộc Khu du lịch Mũi Né liên tục nhận được thông tin từ khách bị lừa. Chỉ tính từ giữa tháng 5/2023 đến nay, chưa đầy một tháng đã có 6 người bị lừa. Gần nhất là ngày 10/6, một du khách nữ đã bị lừa hơn 2 triệu đồng tiền cọc.
Theo những người làm du lịch lâu năm, để tránh bị lừa đảo khi đặt phòng, dịch vụ du lịch, du khách nên đặt qua các trang đặt phòng có uy tín, chất lượng và phù hợp nhất hoặc đặt trực tiếp với cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn... Đồng thời, cần có sự kiểm chứng và xác thực nhằm bảo đảm đó là cơ sở thật. Tốt nhất mọi người nên đến tận nơi có trụ sở, chi nhánh của các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành có uy tín để đặt mua tour. Trong trường hợp nếu đặt tour qua các cá nhân tự xưng là nhân viên của các công ty du lịch, trước khi chuyển tiền mua tour phải yêu cầu hợp đồng công ty, có dấu chữ ký của giám đốc và thực hiện các biện pháp tra cứu để biết được rõ tư cách pháp nhân của công ty du lịch như website công ty, tên miền, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ, mã số thuế...
Thiết nghĩ, các chiêu thức lừa đảo du lịch luôn biến đổi khôn lường và đang có dấu hiệu bùng phát khi mùa cao điểm du lịch đang đến gần. Người dân nếu có nhu cầu tìm mua các tour du lịch hay đặt vé, đặt phòng, cần đề cao cảnh giác, khảo sát giá và tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định chi tiền để tránh bị mắc lừa. Ngoài ra, nếu vẫn muốn giao dịch trực tuyến, tìm kiếm trên mạng, trước khi chuyển tiền hãy tìm được số điện thoại chính thức công bố trên các website chính thống của các đơn vị lữ hành, của đơn vị lưu trú hay hãng bay để xác nhận các voucher, các chương trình khuyến mại để xác thực để tránh những rủi ro mất tiền không đáng có.
Bộ Công an cảnh báo người dân thận trọng khi ký kết hợp đồng "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch"
Ngày 05/7, Văn phòng Bộ Công an cho biết, cơ quan Công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ, nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như cam kết.
Mô hình "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên. Hoạt động mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" (Timeshare) đã xuất hiện từ lâu và phổ biến trên thế giới. Thời gian gần đây, mô hình này được triển khai tương đối phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà... của người dân, trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng nhằm lừa đảo, trục lợi.
Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch", tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ này. Nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm. Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Công an đề nghị cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
TRÀ MY