Giả danh công an gọi Zalo để lừa đảo
Công an TP.Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn mạo danh lực lượng chức năng của tội phạm công nghệ cao để lừa đảo. Các đối tượng giả danh công an gọi Zalo yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích định danh tài khoản. Sau khi tài khoản được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo...
Theo nội dung khuyến cáo, Công an TP.Hà Nội cho hay, mới đây, chủ nhân tài khoản Facebook Đ.H.V đăng tải nội dung: "Em mới bị chị công an online này hỏi thăm với lý do có đăng ký 1 số điện thoại 096... tại Đà Nẵng, sau đó lên Facebook kêu gọi từ thiện. Kêu gọi 58.976.000 đồng nhưng không mang số tiền đó làm đúng mục đích từ thiện. Vì vậy, chị công an đã gọi điện để hỗ trợ online, chuyển cuộc gọi của em đi gặp tòa án để báo án. Yêu cầu em gọi video từ Zalo, khi nghe cuộc gọi thì nhớ nhìn thẳng, nghiêng trái nghiêng phải. Em nghe công an xong em sợ quá nói gì em cũng gật...".
Trần Văn Trí tại cơ quan công an
Về vụ việc trên, một lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội cho biết, trước đây, các đối tượng giả dạng công an để lừa tiền trực tiếp, hoặc gọi điện thoại mạo danh cơ quan chức năng. Gần đây, các đối tượng yêu cầu nạn nhân làm theo để lấy video nhằm mục đích lấy định danh tài khoản. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online. Sau khi tài khoản được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo.
"Nếu mọi người đã từng mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online, sẽ biết cần phải có 1 bước gọi là KYC (định danh cá nhân) để kích hoạt tài khoản. Định danh bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống..." - chuyên gia Ngân hàng Sacombank giải thích về định danh cá nhân.
Từ vụ việc trên, Công an TP.Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng khuyến cáo, kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh - KYC. Sau khi tài khoản ngân hàng được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo, nạn nhân sẽ không chứng minh được sự vô can của mình.
Không chỉ vậy, trong các cuộc gọi có hình, các đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an với bảng tên, phù hiệu, bằng khen; lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như công an thật.
Số trang phục công an Trí mua trên mạng xã hội cùng các loại giấy tờ, bằng cấp giả
Lực lượng công an đã nhiều lần khuyến cáo, cơ quan công an không làm việc online, không mời, triệu tập, làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở. Công an TP.Hà Nội đề nghị, người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngày 08/7, một số cán bộ và người dân trên địa bàn TP.Thanh Hóa nhận được cuộc gọi từ các số thuê bao tự xưng là cán bộ (hiện đang công tác tại bộ phận trực ban Công an TP.Thanh Hóa). Các cuộc gọi này với nội dung thông báo người dân đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở TP.Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Sau đó, các đối tượng gọi điện đã yêu cầu người nghe cung cấp thông tin cá nhân và các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Sau khi tiếp nhận các thông tin trình báo, Công an Thanh Hóa xác định đây là thủ đoạn giả danh cán bộ công an nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật khác. Trước tình trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị người dân đề cao cảnh giác trước các số điện thoại lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ các cuộc gọi giả danh cơ quan thực thi pháp luật.
Ngoài ra, Công an Thanh Hóa cũng khẳng định, khi cơ quan công an có yêu cầu làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu gì thì đều gửi Giấy mời hoặc Giấy triệu tập trực tiếp cho người dân đến trụ sở làm việc, không hề có việc cử cán bộ gọi điện liên hệ với người dân yêu cầu cung cấp thông tin như trên.
Đóng giả công an lừa xin việc
Để tạo lòng tin, Trần Văn Trí (SN 1976, ngụ thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) mua trang phục công an trên mạng, giả danh mình là đại tá công an, có mối quan hệ rộng, hứa xin việc cho nhiều người, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Đối tượng giả danh công an để dọa nạt, lừa đảo người dân
Ngày 08/7/2023, Công an phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở lưu trú H.R.V (ở tổ 7, phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi). Qua kiểm tra, phát hiện Trần Văn Trí đang ở phòng 108 có nhiều biểu hiện nghi vấn, bên trong phòng có 2 bộ trang phục công an gắn cấp bậc hàm đại tá, 1 còng số 8, 1 khẩu súng (súng giả) và nhiều giấy tờ, bằng cấp mang tên Trần Văn Trí.
Qua đấu tranh, Trí cho biết, số trang phục công an trên được mua trên mạng xã hội. Các loại giấy tờ, bằng cấp đều là giả, mục đích là để tạo lòng tin với người dân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Trí khai nhận, trước đó với thủ đoạn giả danh mình là đại tá công an, có mối quan hệ rộng, hứa hẹn sẽ xin việc cho nhiều trường hợp tại tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, Trí đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hơn 7 tỷ đồng.
Tại Quảng Ngãi, với thủ đoạn trên, Trí đã hứa hẹn với một người dân trên địa bàn TP.Quảng Ngãi để xin vào một cơ quan thuộc Bộ Công an ở khu vực phía Nam với mức giá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chưa thực hiện được ý định của mình thì Trí đã bị bắt. Ngày 09/7/2023, Trí và toàn bộ tang vật liên quan đã được Công an phường Trần Phú bàn giao cho Công an TP.Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Sập bẫy hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo
Ngày 09/7, Công an TP.Hà Nội cho biết đã xuất hiện tình trạng mạo danh cán bộ an ninh mạng hỗ trợ việc thực hiện thu hồi tiền bị lừa đảo. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Nhiều nạn nhận đã bị lừa nay lại tiếp tục "sập bẫy" các đối tượng mạo danh là cán bộ an ninh mạng hỗ trợ việc thực hiện thu hồi tiền bị lừa đảo.
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục An ninh mạng đã nhận được trình báo của chị H. bị lừa đảo với thủ đoạn như trên. Chị H. cho biết, trước đó chị có làm cộng tác viên online trên mạng để hưởng hoa hồng nhưng bị lừa 100 triệu đồng. Sau đó, chị có liên hệ với một tài khoản Facebook giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để giúp lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng. Chị được hướng dẫn thu hồi tiền bằng cách truy cập vào đường link của một trang web chơi cờ bạc online và an ninh mạng sẽ hack vào 2 khung giờ, đảm bảo đóng tiền đặt lệnh sẽ thu được lãi. Sau một vài lần thực hiện thành công, các đối tượng thông báo chị phải nạp thêm nhiều tiền hơn. Thấy chị H. đã mắc bẫy và chuyển 300 triệu đồng, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
TRÀ MY
PHẠM HÀO - TRẦN MINH - KÌ ANH