Tiền ảo 1 Pi quy đổi hơn 7 tỷ đồng: Ảo tưởng và nguy cơ lọt, lộ thông tin cá nhân

Thứ Hai, 03/07/2023 10:44

|

(CATP) Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào và cũng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Các văn bản pháp luật cũng chưa quy định cơ quan nào chính thức quản lý việc phát hành, giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, những ai "đầu tư” sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia vì không được pháp luật bảo hộ. Người dân cần cảnh giác, bởi "đầu tư” vào tiền ảo không những tốn thời gian mà còn có nguy cơ cao bị lọt, lộ thông tin cá nhân.

Hơn 7 tỷ đồng/Pi - quá ảo tưởng!

Những ngày gần đây, mạng xã hội "nóng" lên với sự kiện tụ tập nhiều người đào Pi tổ chức ăn uống, đấu giá tài sản và thậm chí có vẻ hài hước với hình ảnh một bà cụ đào được hàng trăm Pi, mà theo bà này thì 1 Pi quy đổi ra được hơn 7 tỷ đồng (?!). Về vụ việc, Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đang vào cuộc xác minh thông tin hơn 1.000 người tham dự sự kiện liên quan đến đồng tiền ảo Pi ở TP.Từ Sơn (Bắc Ninh).

Trước đó, ngày 25/6/2023, mạng xã hội lan truyền hình ảnh buổi "offline" "Việt Nam GCV 314.159$ Event" được tổ chức tại một nhà hàng ở TP.Từ Sơn. Nội dung của chương trình xoay quanh đồng tiền ảo Pi. Những người có mặt tại sự kiện này hầu hết đều mặc đồng phục màu tím. Nhiều người cho biết, họ phải mua vé để tham dự. Điều đáng nói, nhiều người đào Pi "khoe" có hàng trăm Pi, mà chỉ cần 1 Pi là đã có được hơn 7 tỷ đồng (?!). Đến nay, tiền ảo Pi "mồi chài" người chơi đào rất dễ dàng, tuy nhiên phía sau đó là gì thì người chơi không biết được và có thể vô tình gặp nguy hiểm.

Sự ảo tưởng đánh vào tâm lý tham lam, vì người tham gia đào Pi tăng nhanh đến chóng mặt về số lượng bởi "miễn phí, không mất gì”. Khoảng đầu năm 2019, cái tên "Pi Network" rộ lên, đến nay số lượng người tham gia dự án tiền ảo này rất lớn, có thể nói là hàng chục triệu người ở khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, việc đào "Pi coin" (tiền Pi) được thông tin rầm rộ trên mạng xã hội Facebook; nhiều hội, nhóm có hàng trăm nghìn thành viên bàn luận về Pi, kêu gọi đào Pi và thậm chí không ít người ca tụng Pi hết lời. Người dùng có thể đào Pi từ điện thoại thông minh mà không cần đến dàn máy tính nào cả (như đào tiền ảo Bitcoin).

Chưa hết, việc đào Pi cũng hết sức đơn giản, không yêu cầu công sức hay chi phí. Người đăng ký thành công trên ứng dụng sẽ có 1 Pi trong tài khoản, chỉ cần trong 24 giờ vào ứng dụng một lần để bấm điểm danh và số Pi sẽ tăng theo thời gian. Người dùng có thể tăng tỉ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè tham giao đào Pi và tăng "thu nhập" Pi bằng cách xây dựng vòng tròn bảo mật.

Vé tham gia sự kiện tiền ảo Pi tại Bắc Ninh

Tuy đến nay Pi chưa thể đổi ra tiền và người đào cũng chưa thể rút Pi, nhưng éo le là cộng đồng đào Pi lại "sống bằng niềm tin", vì cứ lan truyền với nhau về thông tin đã có người dùng Pi để trao đổi hàng hóa, thậm chí là đổi Pi lấy hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng... Chưa rõ thực hư về những vụ trao đổi này, nhưng nhiều người đã truyền tai nhau và càng xem đó là cơ sở để củng cố niềm tin về tương lai của Pi (!?). Rồi cũng đánh vào lòng tham là không mất gì, đào cho vui, nhưng lại hy vọng vào tương lai và như mô hình đa cấp: cứ giới thiệu, lôi kéo nhiều người vào việc đào Pi thì càng đào được nhiều Pi...

Nguy cơ lọt, lộ thông tin cá nhân

Một chuyên gia nhận định rằng số người tham gia đào Pi vẫn tăng theo từng ngày và cuộc thảo luận về đồng tiền ảo này vẫn hết sức sôi nổi. Đa số người chơi Pi đều có chung một tâm lý là "miễn phí, không mất gì”. Quả thật, hiện tại người tham gia không mất gì về mặt tiền bạc mà chỉ phải trải qua KYC (xác định danh tính khách hàng) và họ chấp nhận rủi ro khi cung cấp thông tin người dùng. Song phải lưu ý, ngoài quy trình KYC, Pi Network còn yêu cầu thu thập một lượng dữ liệu lớn của người dùng như "sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB, xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi, đọc danh bạ hay nhận dữ liệu từ Internet...". Đây là vấn đề có thể khiến người tham gia đào Pi vô tình gặp nguy hiểm.

Cụ thể, Pi thu hút nhiều người tham gia cũng do suy nghĩ "không mất tiền", thế nhưng người đào Pi có biết để xác minh danh tính, người dùng phải cung cấp hình chụp giấy CMND hay CCCD và cung cấp một số thông tin cá nhân khác, cho thấy việc này hết sức nguy hiểm vì để lọt, lộ thông tin cá nhân. Pi Network là dự án về tiền điện tử ra đời từ năm 2019, được quảng cáo có thể đào miễn phí trên điện thoại bằng ứng dụng Pi Network.

Sau khi cài ứng dụng, tài khoản Pi của người dùng sẽ tự động tăng với điều kiện phải mở ứng dụng để điểm danh sau mỗi 24 giờ, cho thấy người tham gia dù gì đi nữa cũng tốn thời gian cho việc này. Người tham gia đào Pi còn mất thời gian cho việc "càng mời được nhiều người tham gia, tốc độ đào sẽ càng nhanh". Chưa kể còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lọt, lộ thông tin cá nhân, vô tình "tiếp tay" cho những đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao, vì có thể các thông tin, hình ảnh cá nhân bị mua bán trên mạng xã hội.

Hơn 1.000 người đào Pi tham gia sự kiện tại nhà hàng ở tỉnh Bắc Ninh

Theo một nghiên cứu, ứng dụng Pi Network dùng tới hàng chục "tracker" (theo dõi) để thu thập dữ liệu người dùng. Chính điều này khiến giới chuyên gia lo ngại dự án không mang lại giá trị, khiến người dùng tốn công sức và có thể gây rò rỉ dữ liệu cá nhân. Nguy hiểm hơn, chỉ là một ứng dụng đào tiền ảo nhưng Pi yêu cầu tới 28 quyền truy cập, bao gồm các quyền rất vô lý, như: có quyền đọc danh bạ, xem thông tin mạng, sử dụng phần cứng sinh trắc học, sử dụng phần cứng vân tay, kiểm soát trạng thái mạng...

Nguy cơ bị lừa đảo

Có một điều mọi người cần biết, đó là khi đã tải ứng dụng về chiếc điện thoại di động của cá nhân thì Pi Network đã hiện diện trong chiếc điện thoại đó và với nhiều yêu cầu nên có thể lấy được nhiều dữ liệu, thậm chí là những dữ liệu riêng tư, nhạy cảm... Đến nay, nói về người dùng được gì thì đều là "ảo", thậm chí quá ảo tưởng về 1 Pi đổi ra đến hơn 7 tỷ đồng. Còn thực tế, khi lượng người dùng tăng lên đông đảo thì nguy cơ thông tin cá nhân bị thu thập được, từ đó có thể xảy ra tình trạng sử dụng cho việc kinh doanh, mua bán thu lợi hoặc xảy ra tình trạng mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân..., tiếp tay cho những đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Rất nhiều người lao vào đào Pi

Mặt khác, qua nhiều diễn đàn, hội, nhóm cộng đồng Pi Network trên mạng xã hội, nhiều người đang rầm rộ "khoe" các giao dịch, trao đổi hàng hóa bằng đồng tiền ảo Pi, dấy lên nhiều nghi vấn trong dư luận. Nhiều dấu hiệu cho thấy đây chỉ là chiêu "lùa gà”, đẩy giá của những người đang "ôm" Pi nhằm đẩy giá Pi lên cao. Bên cạnh đó, việc giao dịch bằng đồng Pi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro, lừa đảo trong tình thế giá Pi đang "trên mây" như hiện nay. Các đối tượng có thể lợi dụng để dụ dỗ người dân mua Pi hoặc dùng Pi để trao đổi hàng hóa, khi người dân chuyển tiền cho đối tượng thì đối tượng sẽ ngay lập tức chặn liên lạc, "biến mất" nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào. Những ai "đầu tư” sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia vào các hoạt động tiền ảo, sản phẩm ảo, vì không được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp hoặc các hoạt động giao dịch, mua bán tiền ảo.

Theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023), dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một người cụ thể hoặc giúp xác định một người cụ thể. Điểm nổi bật trong Nghị định số 13/2023/NĐ-CP là nghiêm cấm việc mua bán dữ liệu dưới mọi hình thức. Đây là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm, trong bối cảnh hiện nay có nhiều thông tin cá nhân bị mua bán và sử dụng vào những mục đích kinh doanh trục lợi hay bị đối tượng xấu lợi dụng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang