Cần nhanh chóng báo Công an
Trưa 12-3-2023, anh V. ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM phản ánh đến Chuyên đề Công an TPHCM trường hợp ông T. ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM (là anh em họ của ông V.) bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng. Hoàn cảnh của ông T. lại hết sức éo le, vốn là người làm ăn kinh doanh buôn bán, vợ ông vừa mất, trong khi chuyện đau buồn của gia đình chưa nguôi ngoai thì các đối tượng lừa đảo nhắm vào ông. Các đối tượng lừa đảo liên tục gọi vào điện thoại di động ông T. hù dọa, sau đó chúng gửi hàng loạt văn bản rất "oách" qua Zalo... khiến ông T. bấn loạn. Chưa xác minh gì với các cơ quan chức năng cũng như không chia sẻ với ai, ông T. âm thầm làm theo chỉ dẫn của những kẻ xấu. Vì quá nhẹ dạ, cả tin vào các "văn bản giả mạo", khiến ông T. sập bẫy lừa kiểu cũ rích.
Do ít xem tin tức, thiếu quan tâm đến những thông tin cảnh giác về cách thức các loại tội phạm lừa đảo thường dùng (đã được thông tin thường xuyên trên các phương tiện truyền thông) nên ông T. mất cảnh giác, không biết gì các kiểu lừa đảo thường gặp, cho đến khi bị hăm dọa từ điện thoại, rồi thông qua văn bản giả mạo đề ngày 10-3-2023 mang tên "Chính phủ” nhưng lại là "Quyết định điều tra bổ sung" mà các đối tượng lừa đảo gửi ông T. nêu những thông tin liên quan đến tài sản của ông T. cần "thẩm tra, thẩm định", khiến ông này hoảng loạn.
Trong văn bản giả mạo viết rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư ngụ cũng như tài sản do ông T. làm chủ... rồi "Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát tạm giữ, niêm phong tài sản và thi hành án. Sau khi thi hành lệnh tạm giữ tài sản trong thời gian thụ án". Chưa dừng lại ở đó, khi thấy ông T. lo sợ, hoảng loạn và bắt đầu sập bẫy lừa, các đối tượng lừa đảo đẩy kiểu hù dọa lên "cao trào", liên tục gửi các văn bản giả mạo đến ông T. Đối với những người có kiến thức về pháp luật thì sẽ biết ngay văn bản lủng củng, sai be bét và vô lý này là giả mạo, lừa đảo. Nhưng đối với một người suốt ngày lo làm ăn, buôn bán, ít hiểu biết về luật pháp, ít quan tâm đến thông tin thời sự, đến những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, đã được cảnh báo lâu nay như ông T., khiến ông này càng tin sái cổ.
Công an TPHCM bắt băng nhóm lừa đảo qua điện thoại...
Với chiêu lừa gửi văn bản giả mạo mang tên "Chính phủ” qua Zalo, rồi Quyết định hoàn trả... qua các ngân hàng số tiền 1,2 tỉ đồng tạm giữ của ông T., rồi ngân hàng này sẽ "bồi thường" cho ông T. lên tới 100 triệu đồng, ngân hàng khác cũng "bồi thường" 280 triệu đồng cho ông T., làm cho nạn nhân càng tin rằng mình chẳng liên quan gì đến vụ án hình sự nào cả, cho nên không những được hoàn trả số tiền 1,2 tỷ đồng, mà còn được 2 ngân hàng bồi thường 380 triệu đồng "theo quyết định" giả mạo, thêm cả "chi phí tổng hợp" lên đến 168 triệu đồng nữa. Nắm được tâm lý lo sợ của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo còn đánh trúng vào lòng tham của con người. Xem văn bản lừa đảo các đối tượng gửi, ông T. như người "cõi trên", nghĩ không những được hoàn trả tiền tỷ, mà tính sơ cũng "kiếm được" hơn nửa tỷ đồng(!?).
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an TPHCM mới đây đấu tranh 02 chuyên án, triệt phá 02 nhóm đối tượng sử dụng mạng internet lừa đảo, mạo danh ngân hàng, tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 người dân trên cả nước, bắt giữ, khởi tố 10 đối tượng, thu giữ 109 máy tính, 67 laptop, 02 xe ô tô cùng nhiều vật chứng. Kết quả đấu tranh chuyên án đã phản ánh công tác hiệp đồng tác chiến tích cực, hiệu quả giữa các đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Bộ với Công an các địa phương, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, răn đe, phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, ổn định tình hình an ninh, trật tự, củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân.
Điều đáng nói là sau khi chuyển 1,2 tỷ đồng, thấy quá dễ dàng, ông T. tiếp tục bị bọn lừa đảo tung chiêu lừa tiếp. Qua Zalo, ông T. không tài nào liên lạc được với những số máy đã gửi thông tin cho mình, mà thụ động chờ các đối tượng lừa đảo gọi vào máy của mình. Tuy nhiên, vì mặc cảm, ông T. khăng khăng không đi trình báo Công an. Ngay cả khi chúng tôi thực hiện bài viết cảnh giác này, vào lúc 15 giờ 30 chiều 12-3-2023, điện thoại của ông T. tiếp tục nhận cuộc gọi hối thúc chuyển tiếp cho chúng 2 tỷ đồng vào tài khoản mà bọn chúng đưa cho ông T. để "lo vụ việc cũng như kiểm tra thẩm định vì nghi can là ông T. liên quan vụ án hình sự... rồi sẽ chuyển trả lại". Do vậy, khi biết vụ việc, ông V. đã khuyên ông T. cần dừng ngay việc bị dính bẫy lừa liên tiếp, tránh "tiền mất tật mang". Đồng thời phải đến Công an địa phương trình báo vụ lừa đảo, để sau này Cơ quan điều tra phá án sẽ lấy lại tiền bị mất và cũng là để cảnh báo cho người dân những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cần tránh.
Đề phòng chiêu lừa cắt ghép hình ảnh và giọng nói
Với rất nhiều kiểu lừa đảo, đặc biệt là đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin cũng như ít hiểu biết, như trường hợp nhận được cuộc gọi, thậm chí nạn nhân còn nghe được cả giọng nói và thấy được hình ảnh qua video call của người thân, nhưng vẫn bị lừa tiền. Đó là do bọn lừa đảo sử dụng công nghệ để lừa người dân.
Theo phản ánh, hiện nay công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI (artificial intelligence) giúp ích được rất nhiều trong đời sống, tuy nhiên những kẻ xấu đã lợi dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh sao chép giọng nói. Từ việc chiếm đoạt tài khoản Facebook, Instagram... rồi nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch... để tạo ra những cuộc gọi giả và lừa tiền người thân, gia đình của tài khoản bị hack hoặc gọi điện trực tiếp cho bị hại để dựng lên những tình huống khẩn cấp cần chuyển tiền. Theo phản ánh của người dân, đã có rất nhiều vụ việc tương tự trên thế giới và hiện ở Việt Nam cũng đã xuất hiện. Điểm chung của những thủ đoạn trên đó là "tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chức năng bắt giữ, đang cần tiền để giải quyết. Đang khó khăn trong công việc cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau...".
Bọn lừa đảo gửi văn bản giả mạo qua điện thoại của ông T.
Đặc điểm của những cuộc gọi như vậy thường có tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ ràng mặc dù vẫn mang những nét tương đồng về hình ảnh hoặc giọng nói của người đó cùng cách xưng hô quen thuộc (do đã được nghiên cứu từ trước). Khi gặp những tình huống như vậy, đầu tiên người dân cần bình tĩnh. Sau đó cố gắng xác minh từ những nguồn khác như gọi số điện thoại di động, gọi cho những người đang ở gần với người yêu cầu chuyển tiền. Hoặc từ chính những bệnh viện, từ những cơ quan Công an, từ nhà trường tùy theo cuộc gọi trình bày lý do cần tiền... Tốt nhất người dân nên thấy và gặp trực tiếp, hoặc tiếp cận nhanh nhất tới hiện trường, địa điểm xảy ra nếu có thể. Thủ đoạn này hiện đang rất mới, tinh vi, rất cần mọi người nâng cao cảnh giác và chia sẻ đến người thân, bạn bè nắm và phòng ngừa.
Lừa đảo kiểu "ép buộc" chuyển khoản trắng trợn
Công an TPHCM cũng cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại của các đối tượng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh là giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp các bậc phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu tại một số bệnh viện, yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để đóng viện phí. Khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn... người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.
Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh...), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất (Công an phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP.Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban Công an TPHCM (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng CSHS (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp Cơ quan Công an nhanh chóng điều tra, xử lý.
Trước đây, Công an TPHCM đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Nhằm tạo thêm nhiều kênh thông tin để tuyên truyền rộng rãi đến người dân, Công an TPHCM cảnh báo 03 thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo phổ biến và gây nhiều thiệt hại nhất hiện nay, đó là: "Tội phạm lừa đảo qua điện thoại, tội phạm lừa đảo bẫy tình qua mạng xã hội và tội phạm lừa đảo hack email".