Công an TPHCM tiếp tục khuyến cáo:

Người dân cần cảnh giác cao độ trước những cuộc gọi hối thúc chuyển tiền

Thứ Tư, 08/03/2023 17:45

|

(CATP) Chuyên đề Công an TPHCM vừa đăng bài phản ánh và cảnh giác về trường hợp lừa qua điện thoại "Gọi điện lừa nộp tiền cho con em cấp cứu: Phụ huynh cần bình tĩnh để tránh sập bẫy", đã nhận được nhiều bức xúc về tình trạng lừa đảo này. Các trường hợp mất tiền vì nhẹ dạ, cả tin, thiếu xác minh đã chuyển khoản cho bọn xấu, nên hết sức đề phòng, cảnh giác. Bên cạnh các khuyến cáo, thì nạn nhân thường gặp phải lừa đảo là cách dàn dựng "hiện trường", kiểu "tung, hứng" rồi vẫn là hối thúc chuyển tiền. Hiện Công an TPHCM chỉ đạo đấu tranh mạnh, quyết liệt với loại tội phạm lừa đảo này...

Có chung kịch bản… "nguy kịch, mổ gấp"

Theo phản ánh của một số phụ huynh là nạn nhân của bọn lừa đảo gọi điện thoại thông báo là con em họ bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện, với yêu cầu cần tiền phải phẫu thuật gấp để cứu tính mạng. Rồi chúng dàn cảnh bằng kịch bản có nhiều người tham gia, đóng các vai như bác sĩ mổ, nhân viên y tế trực cấp cứu, thu ngân, rồi ngay cả đóng giả vai "thầy, cô giáo", giả làm nhân viên y tế nhà trường... và cuối cùng vẫn là kiểu hối thúc các phụ huynh vì lo lắng cho tính mạng con em mình, mà chúng ép buộc chuyển khoản vào tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt. Điều đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xác minh ngay sự việc qua điện thoại mình quen biết tại nhà trường, như thầy, cô giáo chủ nhiệm (nếu bận) thì phải xác minh tại ban giám hiệu, bảo vệ, nhân viên, hội phụ huynh và tốt nhất là trực tiếp đến trường con em mình theo học để biết chính xác thông tin.

Trường hợp phụ huynh H. tại một trường ở Q1, TPHCM cho biết, vừa bị bọn xấu dùng thủ đoạn lừa mất 100 triệu đồng vào trưa 06-3. Đối tượng lạ gọi điện cho chị H. và cho số tài khoản yêu cầu chuyển tiền gấp, vì con chị đang học lớp 9, bị té ngã, nên cấp cứu vào bệnh viện cần mổ gấp. Chị H. vì thương con và quên mất phải xác minh thông tin, nên vội vã chuyển tiền liền bị chúng chiếm đoạt. Bình tĩnh lại, chị H. gọi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm mà con đang theo học, mới hay con vẫn đang học ở lớp bình thường. Cũng tương tự trường hợp chị H. tại trường ở Q1, TPHCM này cũng đã xảy ra 3 trường hợp phụ huynh bị kẻ xấu gọi điện thoại lừa tiền. Tuy nhiên, các trường hợp bị lừa tiền, kiểu hối thúc chuyển khoản, cho đến khi phụ huynh đã chuyển tiền xong, mới nhớ đến việc xác minh thông tin gọi điện cho nhà trường, thì đã muộn. Do vậy, phụ huynh hết sức bình tĩnh, xác minh thông tin và cũng không nên chuyển tiền theo hướng dẫn của những kẻ lạ. Các trường hợp bị lừa đảo này đang được công an tiến hành điều tra truy xét.

Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh báo phụ huynh đề phòng bọn lừa đảo gọi điện "con em bị tai nạn"

Về thông tin cảnh giác đối với loại tội phạm lừa đảo gọi điện thoại báo tin con em bị tai nạn, phía ban phụ huynh, nhà trường, bệnh viện liên tục đưa ra những khuyến cáo đề cao cảnh giác. Nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền đến các ban đại diện phụ huynh học sinh để nắm bắt. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có các số liên lạc "nóng", các nhóm "thông báo" của nhà trường, như một số địa bàn quận, huyện bấy lây nay đã thực hiện... nên rất cần các bậc phụ huynh lưu ý để phòng ngừa tội phạm. Cũng rất cần lưu tâm, đó là để tránh lừa đảo, phụ huynh phải cần xác nhận lại thông tin với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường khi có những thông tin liên quan đến sức khỏe học sinh trước khi có những bước thực hiện kế tiếp. Tuyệt đối không nghe bọn xấu dàn dựng kịch bản rồi hối thúc chuyển tiền là điều không chấp nhận được.

Nhắm vào trường học "khá giả”... nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn"

Trong thời gian ngắn vừa qua (đầu tháng 3-2023), tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã có nhiều bậc phụ huynh đến tìm con em mình đang mổ cấp cứu, thì tá hỏa bị lừa mất 250 triệu đồng. Nạn nhân cho biết đều là kịch bản "bị chấn thương sọ não và yêu cầu chuyển tiền". Trong các vụ lừa đảo gọi điện thoại cho phụ huynh báo con em đang bị cấp cứu, cần mổ gấp, thì hầu như các đối tượng lừa đảo nhằm vào là những trường học được xem là "có điều kiện". Như nhiều trường hợp xảy ra đối với bậc phụ huynh có con em theo học tại một số trường quốc tế tại TPHCM. Cũng mới đây, liên quan trường hợp phụ huynh có con học tại một trường quốc tế trên địa bàn TP.Thủ Đức (TPHCM) bị bọn xấu nhắm vào, chúng gọi điện báo con em họ gặp tai nạn, đề nghị chuyển tiền gấp để mổ và bị lừa chuyển số tiền 90 triệu đồng. Cho đến khi phụ huynh đã chuyển tiền, rồi tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy thì mới hay bị lừa và được hướng dẫn đến Công an quận 5 trình báo vụ việc.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TPHCM chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBNDTP về các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2023. Triển khai hiệu quả các mặt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm. Trong tháng 02-2023, Công an TPHCM ghi nhận xảy ra 281 vụ phạm tội về trật tự xã hội, làm chết 06 người, bị thương 29 người, tài sản thiệt hại ước tính 03 tỷ đồng; đã điều tra, khám phá 182/281 (đạt 64,77%), bắt 358 đối tượng, triệt phá 07 băng nhóm tội phạm. Công an TPHCM đã phát hiện, xử lý 229 vụ, 175 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, chức vụ; thu hồi trên 01 tỷ đồng, phạt tiền trên 4,4 tỷ đồng. Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp; tập trung vào hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua tuyển cộng tác viên bán thời gian, làm việc online; hoạt động môi giới mại dâm, mua bán ma túy, chất kích thích trên không gian mạng; phát hiện một số đối tượng tạo lập các trang, nhóm facebook mạo danh chuỗi thương hiệu lớn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Tuy nhiên, có trường hợp bình tĩnh xử lý thông tin, như anh H.C.T. (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) là một điểm sáng mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm. Theo anh T., hơn 9 giờ ngày 06-3, anh nhận được cuộc gọi từ người lạ, xưng là giáo viên y tế của trường quốc tế nơi con anh đang theo học trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TPHCM). Người lạ cho biết, con anh T. sinh hoạt ở trường thì té, bị thương rất nặng, được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2. Hiện con anh T. đang ở phòng cấp cứu. Chúng dàn dựng kịch bản nói bằng giọng gấp gáp, người tự xưng là giáo viên y tế tỏ ra "nguy hiểm" tiếp tục đưa điện thoại cho một người khác nói chuyện. Người đàn ông tự xưng là bác sĩ trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 2 thông báo, con anh T. bị thương rất nặng ở đầu, máu ra nhiều và nói anh "trao đổi với người của nhà trường để mổ gấp cho bé”. Người tự xưng là giáo viên y tế trường sau đó bảo do đi gấp, không đủ tiền, yêu cầu anh T. nói chuyện với nhân viên thu ngân bệnh viện. Lúc này xuất hiện "nhân viên thu ngân của bệnh viện", một giọng nữ nghe điện thoại, tự xưng là nhân viên thu ngân của bệnh viện, yêu cầu anh T. chuyển số tiền 50 triệu đồng và gửi số tài khoản qua tin nhắn. Anh T. rất bình tĩnh, biết thông tin qua báo chí và nhận biết có dấu hiệu lừa đảo, nên gọi điện thoại đến giáo viên chủ nhiệm và nhà trường mới biết con anh vẫn đang học bình thường. Thấy lâu không thấy anh T. chuyển tiền, bọn xấu điện thoại lại hối thúc "chờ để mổ", thì lúc này anh T. bảo: "Tôi không có tiền", thế là bên kia dập máy vì biết bị bại lộ. Vụ việc đã được anh T. thông báo đến nhà trường và cơ quan chức năng.

Cũng khoảng 10 giờ 40 cùng ngày (06-3), chị Đ.T.T.H. (ngụ Q.Tân Bình) có con học chung trường với anh T. cũng nhận được cuộc gọi từ người lạ xưng là giáo viên của trường. Người này thông báo con chị H. gặp nạn, đang ở bệnh viện cần mổ gấp, yêu cầu chị chuyển số tiền 50 triệu đồng. Chị H. cho biết: "Họ nói nhanh lắm, không cho mình chen vào cuộc gọi. Đầu dây bên kia họ có đến 3, 4 người chuyển máy liên tục để cuốn mình theo cuộc nói chuyện của họ”. Theo chị H., trước đó, một người bạn của chị có con học tại trường đã gọi đến thông báo với chị bị người lạ gọi đến lừa đảo nói "con bị tai nạn". Do biết trước đây là cuộc gọi lừa đảo nên chị H. cũng không quá bất ngờ. Sau khi gửi tin nhắn đưa số tài khoản nhưng không thấy chị H. chuyển tiền, kẻ lừa đảo gọi lại. Trả lời trước sự hối thúc của kẻ lừa đảo là sự bình tĩnh của chị H.: "Tôi báo công an, bên đó sẽ chuyển tiền cho anh, lúc này kẻ lừa đảo gằn giọng: "Con chị vậy mà còn đùa giỡn" rồi hăm dọa chị H. và tắt máy.

Tối 07-3, một lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp Công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức khẩn trương điều tra vụ một số phụ huynh bị lừa đảo bằng chiêu trò gọi điện thông báo "có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền" xảy ra trên địa bàn trong vài ngày gần đây.

Ban Giám đốc Công an TPHCM yêu cầu Công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp nhận tin báo của phụ huynh bị lừa đảo, lấy lời khai cụ thể, chi tiết. Đồng thời, phối hợp với nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền đến người dân để kịp thời phòng chống, ngăn chặn thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Liên quan đến vụ việc, tối cùng ngày, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM cho biết, đang phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM, Công an 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp với các nạn nhân được thông báo "có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền" và làm rõ các số tài khoản mà phụ huynh đã chuyển tiền vào.

Bình luận (0)

Lên đầu trang