(CATP) Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ đối tượng xấu gọi điện cho phụ huynh (PH) báo tin, hối thúc nộp tiền để phẫu thuật do con em đang được cấp cứu. Trước "tin dữ", một số PH đã mất bình tĩnh, lập tức chuyển tiền và bị chiếm đoạt. Trong lúc cơ quan điều tra đang truy xét, về phần mình khi lâm vào tình huống này, các PH cần giữ bình tĩnh, liên lạc ngay với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hội PH hoặc đến trực tiếp nhà trường để xác minh, tránh sập bẫy đối tượng lừa đảo.
Từ nguồn thông tin lộ, lọt...
Bên cạnh tình trạng lừa đảo việc nhẹ lương cao, làm việc online kiếm tiền dễ dàng, tham gia sàn mua bán hàng ảo, tuyển lao động, giao hàng trên mạng... vi phạm pháp luật thì kiểu lừa vô nhân tính tiếp tục xuất hiện, nhắm vào các bậc PH: khi nghe các đối tượng thông báo con em bị tai nạn trong lúc đi học, cần tiền phẫu thuật gấp, yêu cầu chuyển vào tài khoản do bọn xấu chỉ định, không ít PH vì lo lắng cho con em đã sập bẫy.
Ngày 05-02-2023, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết vừa ghi nhận 2 trường hợp PH bị lừa 90 triệu đồng. Theo đó, vào trưa thứ sáu (03-3-2023), 2 anh M.T.D, T.M.H nhận được cuộc gọi của 1 thanh niên xưng là thầy giáo, thông báo con của 2 anh bị tai nạn, chấn thương sọ não, cần được mổ gấp tại BV Chợ Rẫy và yêu cầu PH phải chuyển tiền ngay để "thầy" đóng viện phí. Do lo lắng và thiếu cảnh giác, anh D. đã chuyển 20 triệu đồng, còn anh H. gửi 70 triệu vào số tài khoản theo tin nhắn trên ĐT. Đến khi tìm tới Khoa cấp cứu - BV Chợ Rẫy, 2 anh mới tá hỏa vì biết kẻ xưng là "thầy giáo" cũng như "hung tin" đều giả mạo. Đội bảo vệ của BV đã lập biên bản, hướng dẫn 2 PH sang Công an (CA) Q5, TPHCM trình báo. Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ, xử lý.
Công an triệt phá một đường dây lừa đảo
Thực tế cho thấy tình trạng lọt, lộ thông tin cá nhân để các đối tượng sử dụng lừa đảo đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Bà Nguyễn Minh Anh (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) bày tỏ: "Tại sao bọn lừa đảo gọi đến ĐT cầm tay của các PH và nói đúng tên tuổi con em mình, thậm chí đọc vanh vách số nhà, địa chỉ cư ngụ, đang theo học lớp, trường... nào, trong khi những hung tin như vậy thường khiến các bậc PH, nhất là phụ nữ như chúng tôi, rất dễ sập bẫy lừa".
Không những lộ, lọt thông tin về số ĐT của PH, mà ngay cả hoàn cảnh từng học sinh cùng gia đình cũng bị bọn xấu nắm được. Anh C.H (ngụ Q3, TPHCM) bức xúc: "Chẳng hiểu sao toàn bộ số ĐT, hoàn cảnh của gia đình, nhất là tên tuổi, trường lớp con mình học, họ cũng tường tận, rồi gọi ĐT với giọng tỏ ra gấp rút, bực nhất là đúng lúc đang bận việc nhưng ĐT cứ réo... Nhiều lúc thấy số lạ tôi không nghe, nhưng lại băn khoăn nếu lỡ ai có việc cần gấp, nên lại bắt máy và có lúc ... bị lừa!".
Phải xác minh rõ để tránh bị lừa
Trước tình trạng này, phía BV và nhà trường đưa ra khuyến cáo các bậc PH phải xác minh rõ vụ việc để tránh rơi vào bẫy kẻ gian. Công an TPHCM đã nhiều lần khuyến cáo các bậc PH cảnh giác đối với loại tội phạm trên. Do vậy, việc đầu tiên trong trường hợp con em đang đi học mà PH nhận thông tin từ đối tượng lạ tự xưng thầy, cô giáo hoặc nhân viên y tế, bảo vệ nhà trường... với chung mục đích: chuyển tiền vì nhiều lý do kiểu "hung tin" bất ngờ, PH cần xác minh ngay thông tin, ít nhất là gọi điện liên hệ với nhà trường, thầy, cô giáo (mà PH biết) hoặc gọi cho bảo vệ ngôi trường con em mình đang theo học để xác minh; tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, kiểu ép buộc chuyển tiền ngay vào số tài khoản mà các đối tượng đưa ra. Một chuyên gia về tâm lý học đường hướng dẫn: "Các PH cần giữ bình tĩnh, tuyệt đối không nghe theo lời đối tượng lạ. Trường hợp không liên lạc được với người mà mình biết ở trường có con em mình đang theo học, nên chạy thẳng tới trường để nắm tình hình, tuyệt đối không chuyển khoản theo yêu cầu của các đối tượng, dù câu cửa miệng của họ vẫn là chuyển tiền gấp...".
Nhà trường khuyến cáo các bậc phụ huynh cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo
Cô T.T.M.T (ngụ Q10, TPHCM) là giáo viên chủ nhiệm 1 trường phổ thông cho biết: "Giáo viên chủ nhiệm hoặc cô bảo mẫu của các học sinh bán trú, thậm chí giáo vụ nhà trường đều có số ĐT liên lạc với PH tất cả các em trong lớp. Đặt trường hợp nếu xảy ra sự cố liên quan đến sức khỏe các em, giáo viên chủ nhiệm lớp và Ban giám hiệu đều quan tâm, lo lắng. Vì thế, những người có trách nhiệm tại trường sẽ liên hệ với các bậc PH khi cần thiết, trường hợp có việc quan trọng cũng không bao giờ yêu cầu PH phải chuyển khoản, nộp tiền gấp".
Cũng theo cô T., có trường hợp đối tượng lừa đảo xưng là giáo viên của trường mà con em đang theo học, gọi vào số ĐT cầm tay của người mẹ, vì các đối tượng thường đánh vào tâm lý thương con nên dễ yếu mềm để dọa là con em họ đang cấp cứu vì tai nạn, cần tiền nộp vào để mổ cứu tính mạng. Người mẹ dù cũng cẩn trọng xác minh thông tin bằng cách gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm lớp con em mình đang theo học, nhưng có thể đang trong giờ dạy nên giáo viên không nghe máy và vì thời gian gấp gáp nên người mẹ đã chuyển tiền theo hướng đẫm. Trường hợp này, thay vì không gọi được cho giáo viên chủ nhiệm thì PH nên gọi đến số liên lạc khác của trường hay gọi cho hội PH của lớp, thậm chí có thể liên lạc với bảo vệ trường... Cuối cùng tất cả các số máy vẫn không liên lạc được thì đích thân PH cần đến ngay ngôi trường mà con em đang theo học để xác minh. "Như vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lạ”, cô T. nhấn mạnh.
Công an TPHCM khuyến cáo người dân cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo qua ĐT phổ biến hiện nay: giả mạo CA, Viện Kiểm sát, Tòa án... gọi điện lừa đảo; sử dụng nhiều kịch bản, như giả làm CSGT phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn, giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan CA để đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do họ cung cấp để phục vụ điều tra; giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email... mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng; hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản lệ phí, tiền trả góp để chiếm đoạt; giả danh nhân viên điện lực, cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện lừa đảo. Tự giới thiệu là người nước ngoài liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam nhưng yêu cầu phải nộp các khoản thuế, phí, cước vận chuyển vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà... Nạn nhân bị lừa đảo hoặc phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần đến ngay cơ quan CA gần nhất để trình báo.