Tội phạm lừa đảo qua mạng gia tăng hoạt động ở TPHCM

Thứ Năm, 07/10/2021 09:52

|

(CATP) Dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên TPHCM phải thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch trên tinh thần "ai ở đâu ở yên đó”. Lợi dụng giai đoạn người dân ít ra ngoài, thiếu thông tin, thường xuyên sử dụng mạng xã hội, tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao liền gia tăng hoạt động. Ghi nhận 10 tháng đầu năm nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra 286 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 30 vụ so với cùng kỳ năm trước).

Giả người quen trên mạng

Có 308 đối tượng liên quan đến 286 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị Công an TPHCM lập hồ sơ xử lý trong 10 tháng đầu năm 2021. Theo phân tích của các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM thì phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội chủ yếu là "đánh" vào tâm lý tin tưởng của nạn nhân, yêu cầu họ thực hiện giao dịch qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TPHCM thống kê, phân tích, đề xuất Công an TP.Thủ Đức cùng Công an các quận, huyện kịp thời tuyên truyền đến người dân để nâng cao phòng tránh theo từng thời điểm, trước từng phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Theo đó, nổi lên trong giai đoạn giãn cách xã hội là phương thức lừa đảo giả tin nhắn ngân hàng.

Cụ thể, kẻ gian nhắn tin đến số điện thoại của người dân, giả dạng các ngân hàng gửi thông báo: "Ngân hàng... nâng cấp hệ thống. Vui lòng đăng nhập https://xyz... và nâng cấp. Nếu không tài khoản sẽ bị khóa"; hoặc "Ngân hàng X. trân trọng thông báo, tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khóa. Đăng nhập htt://www...bank.top để xác thực hôm nay". Nếu khách hàng thiếu tỉnh táo, tin tưởng tin nhắn trên là của ngân hàng mình đang có tài khoản mà bấm vào đường link hoặc những chữ có chèn đường link ẩn để phản hồi, đối tượng lừa đảo sẽ đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, gửi đường link lạ hoặc tạo giao diện tương tự của ngân hàng để đánh lừa, lấy cắp thông tin từ nạn nhân rồi chiếm đoạt số tiền có trong tài khoản của họ.

Người dân cảnh giác với các phương thức lừa đảo qua mạng

Một phương thức khác cũng thường được các nhóm lừa đảo khai thác là chiếm đoạt rồi dùng số điện thoại, tài khoản mạng xã hội của người quen của nạn nhân, giả làm chính chủ để nhắn tin, bịa ra các tình huống cấp bách để mượn tiền, như: đang đi đường thì phát hiện quên giấy tờ, thẻ ATM ở nhà mà lại cần dùng đến tiền; bị tai nạn giao thông, người thân nằm viện..., đề nghị chuyển tiền qua tài khoản Internet Banking. Nếu người nhận được tin nhắn sơ ý không kiểm chứng lại đối với người quen (như gọi điện thoại xác minh), vội chuyển tiền thì sẽ bị kẻ lừa đảo rút sạch trong thời gian rất ngắn. Đến khi nạn nhân sinh nghi bị lừa, trình báo cơ quan công an hoặc ngân hàng để ngăn chặn thì đã muộn.

Lừa người bán lẫn người mua

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, vì hạn chế ra ngoài, nhiều khách hàng trẻ chủ động mua bán hàng online. Đây quả là một kênh mua bán hấp dẫn, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Do rắp tâm trước, các đối tượng lập nhiều trang cá nhân trên mạng Facebook, ứng dụng Zalo..., vờ rao bán hàng qua mạng. Khi khách hàng tin tưởng, chuyển tiền mua hàng hoặc đặt cọc thì chúng chiếm đoạt, hủy các trang cá nhân đã tự tạo và chặn kết nối với khách hàng.

Kế tiếp là phương thức chiếm đoạt tài sản qua dịch vụ "ship COD" (dịch vụ vận chuyển sẽ ứng số tiền hàng cho người bán khi nhận hàng và thu tiền của người mua khi giao hàng). Nhiều trường hợp người mua yêu cầu người bán nâng giá ghi trên phiếu mua hàng để hưởng khoản chênh lệch giá, do nhận thức không đầy đủ về vấn đề này, người bán cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến mình nên đồng ý và sử dụng dịch vụ "ship COD" để giao hàng.

Công an, viện kiểm sát làm việc với đối tượng sản xuất giấy tờ giả trong giai đoạn giãn cách xã hội

Sau khi đưa hàng cho dịch vụ vận chuyển và nhận tiền ứng hàng lớn hơn so với giá trị sản phẩm, người bán chuyển khoản số tiền chênh lệch lại cho người mua theo như thỏa thuận. Tuy nhiên, khi dịch vụ vận chuyển hàng thông báo không tìm được người nhận ở địa chỉ nhận hàng hoặc tại đó không có ai mang tên như trên phiếu giao hàng, người bán phải hoàn lại tiền ứng hàng. Như vậy, người bán đã bị lừa chiếm đoạt số tiền chênh lệch giá đã thỏa thuận và chuyển khoản trước đó cho người mua.

Một thủ đoạn khác là sử dụng ảnh chụp màn hình điện thoại về lệnh chuyển khoản giả. Không ít người bán hàng bị một nhóm đối tượng trên mạng xã hội Facebook lừa vì tưởng nhầm khách đã chuyển tiền cho mình. Theo đó, đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua Internet Banking. Bên bán coi hình thì tưởng đó là thật nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách. Khi shipper lấy hàng và giao xong, bên bán không nhận được tiền, không thể liên lạc với người mua và bị mất hàng. Để thực hiện phương thức lừa đảo này, kẻ gian thường sử dụng địa chỉ giả, khu vực không rõ ràng hay các địa điểm, chung cư có cổng sau, lối thoát khác làm địa điểm nhận hàng.

Tin nhắn giả mạo ngân hàng để lừa đảo

Xuất hiện gần đây nhất là phương thức mời gọi đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, tiền ảo, crypto, vàng, cổ phiếu, tỉ giá trái pháp luật. Đây là các tổ chức hoạt động trái phép, không đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động theo phương thức "đa cấp biến tướng", lấy tiền người sau trả lãi cho người trước để "dụ” nhiều người tham gia nhằm chiếm đoạt tiền của họ. Vì thế, người dân cần hết sức cảnh giác các thủ đoạn trên của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang