Mất tiền tỷ vì ứng dụng “Tiktok Bonus”
Là một trong những nạn nhân tham gia kiếm tiền online qua ứng dụng “Tiktok Bonus” tải về điện thoại di động từ trang web “http://tiktokbonus5-wwtengyubxg.com”, anh Đặng Đình T. (SN 1982, trú tại TP Hạ Long) và một số người khác bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 1 tỷ đồng.
Theo đơn trình báo của anh T, ngày 18/10/2020, anh tham gia vào nhóm “Hỗ trợ App MMO New” (nhóm tập hợp những người có cùng sở thích kiếm tiền online) trên mạng xã hội Zalo.
Tại đây, anh T thấy có người tên Thịnh (ở TP Hồ Chí Minh) đăng đường link kèm giới thiệu về cách kiếm tiền qua việc “like” các đoạn clip trên ứng dụng Tiktok. Thấy hứng thú nên anh T đã truy cập vào đường link, dẫn tới trang web http://tiktok bonus5-wwtengyubxg.com và đăng ký tài khoản tên “tik28235” tải từ trang web trên ứng dụng “Tiktok Bonus” về điện thoại di động.
Cách đăng ký tài khoản Tiktokbonus
Sau đó, anh T đăng nhập tài khoản vừa tạo vào ứng dụng thì thấy có cách chơi, kiếm tiền bằng cách làm ra các hệ thống nhiệm vụ, tương đương với gói “VIP” người chơi mua giá dao động từ 480.000 đồng đến 20 triệu đồng. Người chơi kiếm tiền bằng cách nạp tiền mua các gói, nhận các nhiệm vụ như thích các đoạn clip, đăng ký theo dõi các người dùng trên mạng xã hội video Tiktok, chụp ảnh màn hình đăng tải lên ứng dụng “Tiktok Bonus” để hưởng tiền thưởng theo các mức tương ứng các gói “VIP” đã mua.
Sau khi đăng nhập, tài khoản Zalo có tên viết bằng tiếng Trung Quốc, dịch ra là “Dương” kết bạn Zalo với anh T, hướng dẫn anh cách kiếm tiền trên ứng dụng “Tiktok Bonus” và mời anh T mua gói “VIP 5” giá 16,888 triệu đồng. Gói này có 60 nhiệm vụ mỗi ngày, tương ứng anh T phải vào Tiktok thích, đăng ký theo dõi 60 lần, chụp ảnh màn hình đăng tải lên ứng dụng để nhận tiền 15.000 đồng mỗi nhiệm vụ. Những ngày đầu mới tham gia chơi, anh T kiếm được 900.000 đồng mỗi ngày từ ứng dụng “Tiktok Bonus”, rút tiền qua tài khoản ngân hàng.
Thấy việc kiếm tiền qua ứng dụng “Tiktok Bonus” dễ dàng, anh T đã đăng ký đường link giới thiệu của tài khoản lên các mạng xã hội Facebook và Zalo để mọi người cùng tham gia, mỗi người tải ứng dụng từ đường link giới thiệu (gọi tắt là F1), thì anh T được hưởng 15% tiền tương ứng với số tiền những người F1 nạp vào ứng dụng để mua gói.
Tiếp đó, những F1 của anh T nếu giới thiệu thêm được người khác tham gia (gọi tắt là F2 của anh T) thì anh được hưởng tiếp 5% số tiền F2 nạp vào ứng dụng mua gói và 3%, đến F4 thì không được thưởng tiền nữa. Quá trình tham gia ứng dụng “Tiktok Bonus”, anh T đã tư vấn, giới thiệu, trợ giúp khoảng 19 người là F1, F2, F3 bằng cách nạp tiền vào ứng dụng mua gói hộ. Toàn bộ các F1, F2 và F3 đã nhiều lần gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng của anh T, sau đó nhờ anh đăng nhập vào các tài khoản của họ để nạp tiền, mua các gói trong ứng dụng theo yêu cầu.
Đến ngày 30/10/2020, ứng dụng “Tiktok Bonus” hoàn toàn “sập”, mọi thông tin người chơi đều hiện thị về con số “0”, những người tự nhận là nhân viên ứng dụng đồng loạt khóa tài khoản, giải tán các nhóm, chặn tài khoản Zalo của anh T.
Quảng cáo kiếm tiền trên mạng khiến nhiều người mờ mắt
Quá trình xác minh, cơ quan Công an xác định cách thức tham gia chơi, cách thức nạp tiền, kiếm tiền vào tài khoản qua ứng dụng “Tiktok Bonus” như sau: Người chơi nạp tiền qua hình thức chuyển khoản vào các tài khoản mà ứng dụng cung cấp. Số tiền này sẽ dùng để mua các “gói VIP” bao gồm các nhiệm vụ (like, share các video trên ứng dụng), người chơi làm nhiệm vụ để hưởng số tiền hoa hồng tương ứng với mỗi nhiệm vụ.
Để lôi kéo các “con mồi” tham gia, ứng dụng “Tiktok Bonus” đưa ra các gói nhiệm vụ dễ làm với mức hoa hồng cao, thời gian đầu người chơi tham gia được hoàn vốn rất nhanh, tiền được rút về tài khoản ngân hành của mình nên nhiều người tin tưởng và bị “sập bẫy”.
Bị lừa vì nhẹ dạ và hám lợi
Ngoài thủ đoạn trên, thời gian gần đây, các đối tượng tạo dựng các webisite đầu tư tài chính, thương mại điện tử, đầu tư ngoại hối (như Busstrade.com, Bigbuy24h, Bimono, Coolcat…) giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia với những hứa hẹn lợi nhuận cao, hoa hồng hấp dẫn. Người đầu tư tiền bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống, đến khi số lượng người tham gia nhất định, các đối tượng sẽ can thiệp vào hệ thống hoặc ngừng hoạt động để chiếm đoạt số tiền của người tham gia.
Trong 2 ngày 17 và 18/5/2021, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận đơn trình báo của 10 công dân trú tại TP Hạ Long và Cẩm Phả tố giác về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo tại trang web: http://www.busstrade.com.
Quá trình tiếp nhận đơn trình báo của số người trên, cơ quan Công an xác định, những người này đều tham gia đầu tư với phương thức giống nhau. Cụ thể, sẽ có người mời chào, giới thiệu với người chơi sàn giao dịch Busstrade là sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, sử dụng đồng tiền ảo USDT, giao dịch trực tuyến tại trang web: http://www.busstrade.com có trụ sở tại nước Anh, bảo hiểm vốn 100%, người chơi chỉ cần đóng bảo hiểm 2% tuần/vốn đầu tư. Có 5 gói đầu tư gồm: gói Copytrade 100 (tương ứng 100 USDT)… cho đến gói Copytrade 5.000 (tương ứng với 5.000 USDT), tùy vào gói người chơi chọn đầu tư thì sẽ có lợi nhuận tương ứng từ khoảng 05% đến 07% mỗi tuần.
Nhiệm vụ của người chơi chỉ cần mở tài khoản, nạp tiền vào tài khoản, thực hiện đặt lệnh theo mục Copytrade của “chuyên gia” Hà Công Tài trên trang web http://www.busstrade.com, không cần làm gì khác, tài khoản sẽ tự động đặt lệnh theo Hà Công Tài và sẽ thắng.
Sau khi người chơi đồng ý tham gia đầu tư, người mời chào sẽ gửi cho họ đường link của trang web này để truy cập, tạo tài khoản theo hướng dẫn, sau đó để nạp tiền vào tài khoản, người chơi sẽ mua USDT từ người bán (có thể chính là người mời chào) bằng cách chuyển tiền Việt Nam cho người bán qua tài khoản ngân hàng, người bán sẽ chuyển USDT tương ứng với tài khoản giao dịch Busstrade cho người mua theo tỷ giá 1 USDT giá 23.600 đồng hoặc 24.500 đồng tùy từng thời điểm, việc rút tiền được thực hiện bằng cách tương tự là bán USDT cho người khác, tuy nhiên giá bán này sẽ thấp hơn, 1 USDT bằng khoảng 22.600 đồng.
Trong thời gian từ năm 2020 đến nay, những nạn nhân trên đã tham gia đầu tư, mở tài khoản và nạp tiền để chơi, tổng số tiền mà số người này đã nạp lên đến hàng tỷ đồng. Ngày 5/5/2021, sàn giao dịch Busstrade thông báo người chơi phải rút tiền ra khỏi tài khoản trước ngày 8/5/2021, phải đổi từ Busstrade sang đồng Btoken thì mới cho phép rút ra, tỷ giá sàn Busstrade đưa ra là 10 USDT bằng 1 Btoken, tại thời điểm này, những người chơi kiểm tra giá trị của đồng Btoke trên các trang, sàn thấy 1 Btoken xấp xỉ từ 0,02 – 0,08 USD tùy từng thời điểm.
Thấy sàn giao dịch Busstrade đưa ra tỷ giá quy đổi quá thấp, tài khoản của người chơi bị giảm hơn 200 lần giá trị, vì vậy, những người nạn nhân trên đã không quy đổi, rút tiền ra khỏi tài khoản. Đến ngày 7/5/2021, trang web: http://www.busstrade.com không truy cập được nữa. Nghi ngờ số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều người đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.