(CATP) Ngày 26-9-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 6 đối tượng trong đường dây lừa đảo có sự tham gia của nhóm người nước ngoài, gồm: Diallo Micheal (28 tuổi, quốc tịch Guinea, tạm trú Q7), Agada Samuel (27 tuổi), Ezegbogu Francico Emeka (28 tuổi, cùng quốc tịch Nigeria), Bùi Thị Nghi (29 tuổi, ngụ TPHCM), Nguyễn Thị Hương (ngụ Bình Dương) và Cáp Xuân Thùy (22 tuổi, ngụ TPHCM).
Lừa "quý bà” sập bẫy
Tháng 6-2020, bà N.T.K (52 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đến Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Đồng Nai trình báo bị lừa chiếm đoạt 2,9 tỷ đồng. Trước đó, qua ứng dụng Zalo, bà K. làm quen đối tượng người nước ngoài tự xưng tên M.Anderson (quốc tịch Mỹ). Sau thời gian ngắn trao đổi, người này cho biết mình là lính Mỹ đang ở Afghanistan, có số tiền gần 1 triệu USD, nhưng chưa biết dùng làm gì, nhã ý muốn gửi tặng bà K. Để nhận quà, bà K. phải đóng phí và thuế "bôi trơn" để nhân viên hàng không tận tình giúp đỡ vận chuyển sang Việt Nam.
Trong lúc cô đơn, bà K. hết sức vui mừng, không hề cảnh giác trước trò lừa đảo cũ này. Chưa đầy một tuần, bà K. nhiều lần chuyển số tiền gần 2,9 tỷ đồng đến các tài khoản do một người xưng là "nhân viên hàng không" cung cấp. Chờ mãi không thấy quà chuyển đến, bà K. gọi điện, gửi email cho Anderson và nhân viên hải quan, nhưng đều bị chặn hoặc không phản hồi. Đến lúc này, nạn nhân mới biết mình sập bẫy lừa.
Tương tự, khoảng tháng 8-2020, bà N.T.H (ngụ TP.Biên Hòa) được người thân đưa đến cơ quan công an, trình báo bị một nhóm đối tượng lừa gửi tiền vào tài khoản do chúng cung cấp và chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng. Trong vụ này, các đối tượng xưng là người Anh và người Mỹ, đang có số tiền lớn trong ngân hàng, nhưng vướng thủ tục nhận, cần khoản tiền để "bôi trơn" thủ tục. Chúng bảo bà H. chuyển tiền vào tài khoản, sẽ được trả lãi suất cao. Sau khoảng một tháng chuyển tiền vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau do chúng cung cấp, bà H. đem câu chuyện khoe với một người bạn thân, được người bạn giải thích, bà mới biết bị lừa.
Công an lấy lời khai một đối tượng người nước ngoài
Theo cơ quan công an, nạn nhân thiệt hại lớn nhất là bà L. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa). Tháng 4-2020, trong lúc chán chồng, vào mạng Facebook, bà L. được một số đối tượng chủ động làm quen, tự xưng là các doanh nhân thành đạt ở nước ngoài. Chỉ thời gian ngắn, chúng dụ dỗ bà L. chuyển hơn 13 tỷ đồng để thực hiện dự án tại nước ngoài, với lời hứa sẽ trả lại tiền cùng lãi suất cao. Sau khi nhận tiền, nhóm "doanh nhân" lập tức "biến mất".
Tóm "ổ" lừa đảo qua mạng
Tiến hành điều tra, cơ quan điều tra gặp không ít khó khăn, do phần lớn các đối tượng lừa đảo đều ở nước ngoài, sử dụng mạng xã hội để cấu kết với các nạn nhân, ít để lại manh mối. Toàn bộ số tiền các đối tượng chiếm đoạt được nhanh chóng chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau rồi rút ra từ nước ngoài bằng thẻ visa. Cơ quan điều tra lưu ý đến một số trường hợp các đối tượng rút tiền tại Việt Nam hoặc chuyển qua nhiều tài khoản khác rồi mới rút tiền.
Từ trái qua: Diallo Micheal, Agada Samuel, Cáp Xuân Thùy và Bùi Thị Nghi
Emeka
Điều tra viên xác minh trong vụ lừa 1,6 tỷ đồng của bà H., có một tài khoản tên Nguyễn Thị Hương (ngụ TX.Bến Cát, Bình Dương) đã nhận 300 triệu đồng. Từ tài khoản này, các điều tra viên lần ra nơi ở của Hương và bắt đối tượng. Qua đấu tranh, Hương liên quan đến đường dây lừa đảo này. Cụ thể, sau khi lập tài khoản cá nhân, Hương cho một số đối tượng mượn để nhận tiền từ các nạn nhân và được trả hoa hồng. Mặc dù biết rõ hành vi trên là phạm pháp, nhưng Hương vẫn tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai lần lượt bắt 5 đối tượng, gồm: Daillo Micheal, Samuel, Emeka, Nghi và Thùy.
Theo lời khai của các đối tượng, chúng thuê một căn hộ chung cư ở TPHCM làm "đại bản doanh" để gây án. Nghi và Thùy sống chung với Daillo Micheal và Samuel như vợ chồng, cùng thực hiện hành vi lừa đảo. Nghi và Thùy đóng vai "nhân viên hải quan", còn Emeka nói chuyện trực tiếp và cung cấp số tài khoản để các nạn nhân chuyển tiền. Để có được các tài khoản ngân hàng và thẻ ATM, Emeka mua từ nhiều người hoặc thuê với giá từ 10-20 triệu đồng/thẻ/tháng.
Sau khi nạn nhân vừa chuyển tiền, Daillo Micheal, Samuel, Nghi và Thùy sử dụng các thẻ ATM mà Emeka cung cấp, đến các ngân hàng ở khu vực TPHCM rút tiền rồi chuyển vào tài khoản cho đối tượng chủ mưu ở nước ngoài. Mỗi vụ lừa đảo, nhóm này được các đối tượng ở nước ngoài trả công từ 1 - 3%/tổng số tiền giao dịch.