"Dính bẫy" mượn tiền qua tài khoản Facebook

Thứ Bảy, 02/10/2021 11:04  | Quang Vinh

|

(CATP) Mặc dù đã được cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông cảnh báo, thế nhưng ngay trong thời điểm giãn cách xã hội, vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của những tin nhắn mượn tiền lừa đảo qua Facebook và mạng xã hội. Mới đây, gần 10 người ngụ Q.Bình Thạnh tiếp tục trở thành nạn nhân của kiểu lừa đảo này.

Đang loay hoay chăm sóc cho bố mẹ già lúc giữa trưa 30-9, chị Nguyễn Thị H. (ngụ P6, Q.Bình Thạnh) bất ngờ nhận được tin nhắn messenger của em trai ở Mỹ hỏi mượn gần 200 triệu đồng để chuyển cho một tài khoản Ngân hàng BIDV.

Vốn cẩn trọng, chị H. còn chần chừ chưa kịp chuyển thì từ tài khoản người em trai tiếp tục nhắn tin thúc giục. Do thời điểm giữa khuya nên chị H. định để mai gọi điện xác minh rồi chuyển sau. Tuy nhiên, khi chị còn đang phân vân thì các tin nhắn lại dồn dập yêu cầu chuyển gấp khiến chị chủ quan, dùng app điện thoại chuyển gần 200 triệu đồng vào tài khoản đã được cung cấp.

Gần 30 phút sau, một người thân tình cờ biết chuyện cảnh báo, chị H. giật mình kiểm tra thì đúng là tài khoản em trai đã bị hack. Đến lúc này, chị H. đành gọi báo ngân hàng và CAP. Tuy nhiên, kẻ gian đã rút số tiền ngay khi chị H. vừa chuyển vào. Điều bất ngờ là có gần 10 người là bạn bè, người thân của em trai chị H. cũng bị lừa mượn với số tiền tổng cộng gần 1 tỷ đồng.

Trước đó, trung tuần tháng 9-2021, anh Trung (tài khoản Quách Trung, đang định cư ở Úc) cũng bị kẻ gian chiếm đoạt. Sau đó, hàng loạt người thân, bạn bè anh này ở Việt Nam cũng đã bị "mượn tiền" với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi về việc vì sao không kịp thời gian chặn kẻ gian rút tiền khi bị nạn nhân kịp thời phát hiện tố giác, đại diện Ngân hàng BIDV cho biết: "Theo quy định của pháp luật, ngân hàng không được phép tự ý chặn hoặc phong tỏa giao dịch của bất cứ khách hàng nào ngoại trừ có quyết định hoặc yêu cầu của cơ quan điều tra.

Về những trường hợp trên, phía ngân hàng cũng đã liên tục đưa ra nhiều khuyến cáo để khách hàng cảnh giác. Nhằm hỗ trợ khách hàng, ngân hàng chỉ có thể lưu ý với các số tài khoản tham gia thực hiện các giao dịch trên, đưa vào danh sách cảnh báo trong toàn hệ thống nhằm tư vấn trước với các khách hàng thực hiện giao dịch, giúp nhiều người tránh trường hợp trở thành nạn nhân của kẻ gian".

Hiện các nạn nhân vụ hack tài khoản Facebook rồi chiếm đoạt tiền trên đã gửi đơn tố giác gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra CAQ Bình Thạnh và CATP Hồ Chí Minh để đề nghị điều tra, truy xét. Xin được nhắc lại các khuyến cáo của Bộ CA, CATP Hồ Chí Minh đề nghị mọi người phải cảnh giác, cẩn trọng trong việc chuyển tiền nhất là những tin nhắn mượn tiền, nhờ chuyển tiền qua mạng xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang