Tội phạm lừa đảo qua điện thoại chiếm đoạt tiền tỷ bằng “chiến thuật” mới

Thứ Hai, 23/03/2020 18:55  | Chí Dũng

|

(CATP) Gần đây, các đối tượng lừa đảo tiếp tục tung ra nhiều "chiến thuật" mới để "câu mồi". Dù đã rất cảnh giác, nhưng không ít người dân vẫn mất tiền oan cho bọn lừa đảo.

Anh H. (ngụ xã Chư Á, TP.Pleiku, Gia Lai) được Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an tỉnh Gia Lai mời lên làm việc và thông báo, anh đã bị lừa 30 triệu đồng. Anh H. rất bất ngờ, vì số tiền 30 triệu chuyển cho một người bạn đang bị tạm giam mượn cách đây hơn 3 tháng lại rơi vào tay kẻ lừa đảo. Điều đặc biệt kẻ lừa đảo lại chính là người anh H. quen biết.

Anh H. kể: Sáng mùng 4 Tết (28-1-2020), anh có mang đồ thực phẩm vào gửi cho một người bạn tên Tý đang bị tạm giam trong trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai. Khoảng 16 giờ cùng ngày, H. nhận được một cuộc gọi xưng là Tý, gửi lời cảm ơn vì đã gửi đồ ăn vào. Tý nhờ mua cho mấy vỉ thuốc và mượn tiền để lo công việc trong trại tạm giam. Nói được mấy câu, người xưng là Tý, chuyển máy cho một người tự xưng là quản giáo. Người xưng quản giáo, nói cho Tý mượn tiền, có thể chuyển khoản qua tài khoản của anh ta. Tuy nhiên, do H. đi vay mượn nên nói phải đưa tiền mặt.

"Qua điện thoại rất giống giọng anh Tý. Buổi sáng mới gửi đồ ăn, đến chiều nhận được cuộc gọi của người này nên tôi không nghi ngờ gì cả. Khi đã chuẩn bị đủ 30 triệu đồng, người xưng quản giáo điện lại bảo, có việc bận không đến được, nhờ tài xế taxi đến lấy tiền nên tôi đưa. Sau này, tôi không liên lạc được với số điện thoại đó nữa, nhưng cứ nghĩ ở trong trại giam không có điện thoại. Đến khi, công an thông báo, tôi mới biết có người mạo danh anh Tý để lừa tiền. Mấy bạn bè của tôi cũng bị lừa mượn tiền giống tôi", anh H. chia sẻ.

Anh H. là nạn nhân của Mai Thế Dũng (SN 1987, ngụ P.Thống Nhất, TP.Kon Tum, Kon Tum) vừa bị Công an tỉnh Gia Lai bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Phòng CSHS, Dũng bị bắt khi đang ở trong một khách sạn tại tỉnh Phú Yên. Mặc dù ở Phú Yên, nhưng Dũng dùng điện thoại và sim rác để lừa đảo các bị hại chủ yếu tại Gia Lai và Kon Tum. Đây là loại tội phạm giả danh bị can đang bị tạm giam gọi điện cho thân nhân bạn bè của bị can để vay tiền.

Mai Thế Dũng giả bị can để lừa đảo

Còn trường hợp ông T.V.D (ngụ P.Yên Thế, TP.Pleiku, Gia Lai) bị chiếm đoạt quyền sử dụng Gmail rồi còn bị gọi điện thoại "hù dọa", cuối cùng mất gần 3 tỷ đồng cho chúng.

Các đối tượng chiếm đoạt quyền sử dụng Gmail của ông D., nhưng vẫn để chủ tài khoản truy cập bình thường. Ông D. vẫn dùng Gmail để làm việc mà không biết có người đang theo dõi từng thư đến, thư đi. Qua theo dõi Gmail của ông D, các đối tượng biết ông D. có một khoản tiền lớn trong tài khoản ngân hàng.

Đến ngày 6-3-2020, có đối tượng là nam giới gọi điện thoại đến số máy bàn ông D, tự xưng là công an đang điều tra một vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia, có liên quan đến ông D. Sau đó, đối tượng chuyển máy cho một người khác tự xưng kiểm sát viên. Người này yêu cầu ông D. chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng sang tài khoản của đối tượng, nếu xác minh không liên quan sẽ trả lại. Tin tưởng là thật, ông D. chuyển toàn bộ số tiền gần 3 tỷ đồng theo yêu cầu của đối tượng. Sau đó, ông D. liên hệ lại số điện thoại trên thì không được rồi mới báo công an.

Các đối tượng còn "dùng chiêu" giả vờ nhân viên ngân hàng, thông báo tài khoản ngân hàng đang có vấn đề, yêu cầu cung cấp mã OTP rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Điển hình, như ngày 25-2- 2020, có đối tượng tự xưng nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo cho anh Tr. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai), về việc số tiền chuyển đến tài khoản ngân hàng của anh đang bị treo. Đối tượng yêu cầu anh cung cấp mã OTP để được xử lý. Sau khi nghe theo, anh Tr. phát hiện số tiền hơn 100 triệu đồng trong tài khoản của mình đã không cánh mà bay. Vội vàng đến báo ngân hàng thì anh Tr. mới biết mình đã bị lừa.

Trên đây chỉ là một số vụ điển hình, đã có rất nhiều người dân bị các nhóm lừa đảo tấn công qua điện thoại, mạng xã hội với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau. Chuyện bị lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội đã được thông tin nhiều nhưng có người vẫn bị mắc bẫy, đặc biệt là phụ nữ, người lớn tuổi. Có nạn nhân đã mất trắng số tiền tích góp cả đời chỉ sau khi nghe một cú điện thoại.

Theo đó, Công an tỉnh Gia Lai thông tin, tội phạm công nghệ cao đang sử dụng 4 thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Thứ nhất là hack tài khoản email, chiếm quyền điều hành, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp mã số OTP để vào tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tiền. Thứ hai là giả danh người quen của bị can vụ án, gọi điện vay mượn tiền giúp bị can rồi chiếm đoạt. Thứ ba là lập tài khoản facebook giả để bán các mặt hàng khan hiếm như khẩu trang, nước rửa tay với mức giá rẻ, sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc. Thứ tư là gửi đường link lạ đề nghị xác thực để nâng cao tính bảo mật của tài khoản ngân hàng, rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Đặc điểm chung là các đối tượng sử dụng tài khoản facebook giả, sim rác để liên lạc, yêu cầu chuyển tiền lòng vòng nhiều lần qua các tài khoản ngân hàng.

Tại Gia Lai đã có hàng chục người mắc phải những thủ đoạn lừa đảo này của tội phạm. Số tiền bị chiếm đoạt từ vài triệu đồng cho tới hàng tỷ đồng. Cá biệt có người đã bị lừa số tiền 3 tỷ đồng.

Thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh Gia Lai, khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, không mắc bẫy tội phạm công nghệ cao. Theo thượng tá Sơn, khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng internet người dân tuyệt đối không chuyển tiền khi không biết người bán là ai; không cung cấp mã OTP cho bất kỳ đối tượng nào; thường xuyên nâng cao tính bảo mật của tài khoản ngân hàng có sử dụng internet banking, email. Cùng với đó, không tải phần mềm về điện thoại để quản lý tài khoản ngân hàng khi không hiểu rõ tác dụng của phần mềm. Khi nhận được tin nhắn về điện thoại, nếu không rõ người gửi tiền vào tài khoản của mình là ai thì không được thao tác theo hướng dẫn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang