Hội nghị do Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 01/TW về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội" của Tổng Cục cảnh sát – cơ quan thường trực phía nam đã tổ chức.
Các đại biểu tham dự Hội Nghị
Tham dự hội nghị có đồng chí Trung tướng Nguyễn Công Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát; đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công an và Hội phụ nữ một số tỉnh thành trọng điểm phía nam.
Theo Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng Cục Chính trị Cảnh sát - Bộ Công an thì Việt Nam có khoảng gần 30 triệu người sử dụng Internet (1/3 dân số cả nước), khoảng 180.000 tên miền Việt Nam (.vn) được đăng ký, 115 triệu thuê bao điện thoại di động, 15 triệu thuê bao điện thoại cố định. Mạng xã hội trở thành nơi các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo nhiều phụ nữ để chiếm đoạt tài sản của họ bằng cách lợi dụng tình cảm.
Thời gian qua, công an đã thụ lý hàng trăm vụ việc liên quan đến lừa đảo với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đa số đối tượng phạm tội là người gốc Phi (chủ yếu tập trung tại TP.HCM) cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận phụ nữ.
Thủ đoạn của các đối tượng này là cặp bồ, sống như vợ chồng với phụ nữ Việt Nam, trong đó, một số vụ do các đối tượng người Việt Nam giả danh người nước ngoài. Chúng lập tài khoản trên mạng xã hội với ảnh đại diện lịch lãm, đến từ phương Tây như Anh, Pháp... hoặc Mỹ để tìm, kết bạn…
Sau một thời gian làm quen, hứa hẹn kết hôn, đưa đi nước ngoài định cư. Tiếp theo là đề nghị tặng quà có giá trị và chuyển số tiền lớn về Việt Nam để xây nhà, hoặc giả thông báo nhờ nhận hộ để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam. Chúng thông báo cho nạn nhân gửi tiền và quà tặng về, số tiền phí gửi đã thanh toán tại nơi gửi đi (ở nước ngoài), số tiền phí chút ít còn lại đối tượng nhờ nạn nhân nộp và nhận giúp.
Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt
Khi lòng tham bị “sập bẫy”, chúng cấu kết với đồng bọn gọi điện thoại giả làm nhân viên hải quan của sân bay yêu cầu nạn nhân nộp tiền phí hoặc tiền thuế, thủ tục hải quan…. Mỗi bị hại thường phải chuyển cho đối tượng 2-3 lần với số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu. Đến khi nạn nhân không còn khả năng tài chính thì đối tượng lừa đảo cắt liên lạc.
Tại hội thảo, công an các địa phương đã đưa ra nhiều nhận định, phương án phòng chống thực trạng này trọng đó chủ yếu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để chủ động trong việc đối phó.
Theo Đại diện Công an TP.HCM, một trong những điều trọng điểm là khuyến cáo mọi người nhất là chị em phụ nữ không chia sẻ thông tin cá nhân, tâm tư nguyện vọng… lên các mạng xã hội. Cẩn trọng khi kết bạn với người lạ chưa biết rõ thông tin cá nhân, nhất là người nước ngoài.
Hội liên hiệp phụ nữ cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để tuyên truyền cảnh báo. Phát huy sức mạnh truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, chia sẻ các bài viết, phóng sự về tội phạm liên quan, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản.
Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra phương án đề nghị Hội phụ nữ, đoàn thanh niên các cấp phát huy vai trò đoàn thể, phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, có trọng tâm trọng điểm cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng biết, nâng cao tinh thần cảnh giác, tự phòng ngừa.
Đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng và đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo các công ty viễn thông di động gửi cảnh báo dưới dạng tin nhắn đến các thuê bao di động để chị em biết được thủ đoạn của bọn tội phạm nhằm mục đích phòng ngừa.
Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an khen tặng đại diện các mô hình tiêu biểu trong phòng, chống tội phạm
Công an tỉnh Bình Dương chỉ ra nguyên nhân chung của những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra đối với phụ nữ đó là sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết; đối với những vụ liên quan đến đối tượng là người nước ngoài, nguyên nhân chính là do tâm lý hướng ngoại và lòng tham… Hậu quả của những vụ việc lừa đảo trên không chỉ bị thiệt hại về tài sản mà còn dẫn đến thiệt hại về tính mạng, mua bán người, cướp tài sản…
Công an tỉnh Bến Tre cho rằng phải làm tốt công tác tiếp nhận tin tố giác tội phạm, thực hiện đúng quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, kịp thời điều tra và nên xét xử lưu động các vụ án “bẫy tình”. Điều này sẽ góp phận nâng cao ý thức, nhận thức của người dân.
Bên cạnh đó, các hội đoàn cần phải quán triệt với các hội viên, đoàn viên, xây dựng các chương trình hành động, phát tờ bướm tuyên truyền nâng cao hiệu quả phòng ngừa.
Trong khi Công an TP.Cần Thơ kiến nghị ngân hàng nhà nước siết chặt quản lý việc mở và sử dụng tài khoản cá nhân trong các ngân hàng thương mại cổ phần, tránh tình trạng các đối tượng lừa đảo lợi dụng các tài khoản tên của người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý và sử dụng thuê bao di động. Tránh tình trạng sử dụng sim rác, sim khuyến mãi, sim không có thông tin cá nhân để hoạt động vi phạm pháp luật, làm tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú đối với người nước ngoài.