(CATP) Ngày 15-02, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC) Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết dù nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhưng không ít người vẫn nhẹ dạ cả tin, ham lợi nhuận "khủng" dẫn đến sập bẫy, thiệt hại tiền tỷ.
Mất tiền tỷ vì thủ đoạn cũ
Ngày 07-02, ông N.T.D (ngụ X.Tân Quới, H.Thanh Bình) nhận được tin nhắn qua Facebook của một người bạn hỏi mượn 22,2 triệu đồng. Tin tưởng, ông D. đã chuyển số tiền trên qua tài khoản ngân hàng mà không biết rằng Facebook của người bạn đã bị hack. Sau đó, ông D. gọi điện cho bạn mới phát hiện mình bị lừa.
Phòng ANM&PCTPSDCNC Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không tin tưởng vào những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng. Người dân cần cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng, không truy cập vào đường link lạ. Ngoài ra người dân tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi có người lạ gọi vào số điện thoại của mình tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát... Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc là nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần báo ngay với Công an địa phương nơi gần nhất hoặc qua Phòng ANM&PCTPSDCNC, SĐT hotline: 0978.620.105 để được hướng dẫn, xử lý.
Cũng trong ngày 07-02, chị P.T.H (ngụ X.Bình Tấn) lướt Facebook thấy app vay tiền từ ngân hàng. Chị H. đã click vào link và được nhân viên hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu và báo thành công. Chị H. thực hiện thao tác chuyển tiền vào tài khoản cá nhân thì nhận được thông báo vượt ngưỡng tín dụng, cần nâng điểm tín dụng và yêu cầu phải chuyển tối thiểu 15 triệu. Vì muốn rút được tiền, chị H. đã chuyển 15 triệu vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu chuyển thêm 34 triệu đồng nên chị H. mới phát hiện bị lừa đảo và đến cơ quan công an trình báo.
Theo thống kê, Phòng ANM&PCTPSDCNC Công an tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2022 đã tiếp nhận 47 nguồn tin về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Thủ đoạn phổ biến, như: mạo danh Công an, cán bộ viễn thông, Viện kiểm sát, cho vay tiền qua app, làm nhiệm vụ qua ứng dụng không rõ nguồn gốc, đầu tư sàn giao dịch chứng khoán, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội nhắn tin mượn tiền, link giả mạo ngân hàng, bẫy tình qua mạng, giật đơn hàng "ảo"...
Điển hình, chị N.T.T.V (SN 1988, ngụ TP.Cao Lãnh) phản ánh có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là nhân viên viễn thông, thông báo chị đang nợ cước viễn thông. Sau đó có đối tượng xưng là Công an Đà Nẵng gọi cho chị V. thông báo tài khoản ngân hàng do chị đứng tên có tiền bất chính và yêu cầu cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng đang sử dụng để phối hợp điều tra. Sau khi chị V. cung cấp toàn bộ thông tin (tài khoản, mật khẩu, mã OTP dịch vụ E-banking), đối tượng đã đăng nhập tài khoản và chiếm đoạt trên 1,4 tỷ đồng.
Nữ nạn nhân đến Công an tỉnh Đồng Tháp trình báo bị sập bẫy bọn lừa đảo
Tương tự, chị N.B.T.N.C (SN 1986, ngụ TP.Cao Lãnh) nhận được lời mời kết bạn từ tài khoản Facebook, giới thiệu là nhân viên của công ty cổ phần có địa chỉ tại TPHCM. Người này mời chị C. tham gia làm cộng tác viên tăng tương tác cho các mặt hàng trên mạng để hưởng hoa hồng (10% mỗi sản phẩm). Sau khi đồng ý tham gia, chị C. hy vọng nhận được số tiền lãi khi làm nhiệm vụ nên nhiều lần chuyển tiền và bị chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng.
Bị khởi tố vì mua bán tài khoản ngân hàng
Ngày 15-02, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Cao Thanh Phong (SN 1992, ngụ H.Trà Cú) và Huỳnh Tấn Kiệt (SN 2001, ngụ H.Châu Thành) về hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Theo kết quả điều tra, vào khoảng tháng 6-2022, Kiệt quen với Phong qua mạng xã hội Zalo. Phong trao đổi với Kiệt nếu làm được tài khoản ngân hàng có thẻ cứng (ATM) bán cho Phong với giá 2 triệu đồng/tài khoản, cần tiền tiêu xài nên Kiệt đồng ý. Phong thỏa thuận với Kiệt, khi có số tài khoản ngân hàng và mật khẩu thì Phong đưa trước 1 triệu đồng/tài khoản, khi nào nhận được thẻ ATM để rút tiền thì Phong đưa 1 triệu đồng còn lại.
Cao Thanh Phong và Huỳnh Tấn Kiệt
Như vậy, khi nào cần tài khoản ngân hàng thì Phong sẽ liên lạc với Kiệt đưa từ 5 - 6 điện thoại di động loại cảm ứng để Kiệt mua sim điện thoại và tìm bạn bè, người quen đến các ngân hàng thương mại ở các tỉnh: Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, TPHCM để tạo tài khoản ngân hàng và tải app của ngân hàng. Kiệt trả công từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tài khoản. Sau đó, Kiệt liên lạc với Phong và đi ra khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) để giao điện thoại đã cài app của ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu và thẻ ATM cho đối tượng mà Phong đã liên hệ trước đó.
Qua điều tra, xác minh, Kiệt đã thuê bạn bè và người quen làm 100 tài khoản ngân hàng (gồm tài khoản đăng nhập trên điện thoại di động và 40 thẻ ATM). Phong đã chuyển vào tài khoản của Kiệt số tiền 130 triệu đồng. Do bị gia đình phát hiện, không cho Kiệt thuê người tạo tài khoản nữa nên Phong liên lạc với Kiệt đòi trả lại số tài khoản, thẻ ATM mà người này đã giao trước đó. Đồng thời Phong đòi Kiệt trả lại số tiền đã nhận. Kiệt không đồng ý nên Phong thuê người đến nhà người này đe dọa.
Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh xác định một số tài khoản ngân hàng được Kiệt, Phong bán có liên quan đến các vụ việc sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.