Nhận diện 24 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay:

Bài 2: Lừa đảo tinh vi bằng cuộc gọi video Deepfake

Thứ Hai, 31/07/2023 19:44

|

(CAO) Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng…

Theo đó, mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là chiếm đoạt tài sản; trong đó phải kể đến hình thức lừa đảo cực kỳ tinh vi từ việc đối tượng lợi dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để yêu cầu “nạn nhân” chuyển tiền.

Chị Nguyễn Hải L (ngụ TPHCM) kể lại, đang làm việc thì nhận được tin nhắn của bạn thân qua Facebook với nội dung “Cho mình mượn tạm 10 triệu đồng vì đang có việc cần gấp”; đồng thời cô này nhờ chuyển số tiền đó vào tài khoản của người khác. Nghi ngờ Facebook của bạn bị hack nên chị L đã gọi video để kiểm chứng. Phía bên kia bắt máy, chị L thấy mặt bạn nhưng hơi mờ nên có thắc mắc thì được bạn trả lời đang ở vùng sóng yếu.

Vì thấy được bạn qua video call nên chị L yên tâm chuyển khoản 10 triệu đồng theo số tài khoản bạn yêu cầu. Sau đó, chị L gọi điện thoại trực tiếp cho bạn thì mới biết mình đã sập bẫy deepfake.

Theo cơ quan chức năng, deepfake đang là mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính.

Deepfake có thể sao chép hình ảnh, âm thanh như thật trong khoảng vài giây (ảnh minh họa)

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều nạn nhân trên cả nước đã trở thành nạn nhân của deepfake với số tiền bị chiếm đoạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Để tránh việc người dân bị mất tiền một cách oan uổng, Cục An toàn thông tin- Bộ thông tin và truyền thông khuyến cáo, ngay cả khi nhận được các cuộc gọi liên quan đến các nội dung về tài chính, người dân cần tỉnh táo xác nhận thêm với người mượn tiền thông qua chuyển khoản.

Theo đó, người dân cần lưu ý những dấu hiệu nhận biết sau đây khi nhận cuộc gọi deepfake:

+ Thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây.

+ Khuôn mặt thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán với nhau…

+ Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên.

+ Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

+ Ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu... Yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.

Trên cơ sở nhận biết các dấu hiệu, cơ quan chức năng cũng đưa ra những biện pháp phòng tránh, cụ thể là khi nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên hãy bình tĩnh và xác minh thông tin:

- Liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác xem có đúng là họ cần tiền không.

- Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền; nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch.

- Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không.

- Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.

Từ những thông tin thiết thực trên, rất mong người dân nâng cao cảnh giác để không trở thành “mồi ngon” cho các đối tượng xấu.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Chiêu trò lừa đảo “combo du lịch giá rẻ” khiến nhiều người sập bẫy
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang