(CATP) Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn xài hàng giá rẻ, một số đối tượng đăng tải lên mạng xã hội nhiều nội dung bán hàng thanh lý kèm hình ảnh như: tủ quần áo, bàn trang điểm, bàn ghế ăn uống, tủ lạnh, bếp gas… đã qua sử dụng. Khi có người liên hệ, chúng nhắn tin yêu cầu chuyển tiền đặt cọc qua tài khoản rồi cho người giao hàng tận nhà. Sau khi khi nhận tiền, đối tượng cắt đứt mọi liên lạc.
Mới đây, chị L.T.Y (30 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) đã mất một khoản tiền vì mua hàng thanh lý qua mạng xã hội. Trước thủ đoạn rất tinh vi này, chị Y. muốn cảnh báo người dân không nên ham của rẻ để rồi "sập bẫy" kẻ lừa đảo. Theo trình bày, trưa 31/6, chị Y. sử dụng điện thoại để vào mạng xã hội Facebook giải trí, vô tình nhìn thấy tài khoản có nickname "K.T" đăng tải vào nhóm "Hội thanh lý đồ cũ”. Nội dung cần bán một số đồ dùng và nội thất không xài, trong đó có chiếc lò nướng hiệu Sanaky giá 1 triệu đồng (còn bảo hành hơn 3 tháng).
Sau khi lướt đọc nội dung và xem hình ảnh về sản phẩm còn mới, giá rẻ giống như ở nhà đang dùng, chị Y. quyết định mua cái lò điện. Chị Y. gửi tin nhắn cho tài khoản "K.T" để hỏi thêm thông tin về các sản phẩm thanh lý khác. Quá trình trao đổi, tài khoản này đã thỏa thuận sẽ giảm giá và có chế độ bảo hành cho hàng cũ. Chị Y. phải chuyển khoản trước 300.000 đồng để cọc.
Sợ không mua được món hàng cần dùng, chị Y. lập tức chuyển khoản theo yêu cầu. Tài khoản "K.T" cho chị địa chỉ kèm số điện thoại để đến lấy hàng. Lúc này chị Y. kêu người thân chạy đến địa chỉ và gọi vào số máy trên, tuy nhiên máy đã khóa, số điện thoại không liên lạc được. Khi chị Y. nhắn tin hỏi thì "K.T" không trả lời, sau đó ẩn nick. Nghi ngờ lừa đảo, chị Y. vào đọc một số bình luận của cộng đồng mạng thì phát hiện một số người phản hồi thông tin lừa đảo tương tự. Qua sự việc này, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội, không ham đồ cũ, giá rẻ để bị mất tiền oan uổng.
Chiếc lò nướng cũ được rao bán trên mạng xã hội
May mắn hơn chị Y., đó là trường hợp của anh L.V.U (trú tỉnh Bình Dương). Với nhu cầu mua một chiếc xe cũ phục vụ việc đi lại của gia đình, anh U. lên các trang mạng xã hội thanh lý xe để tìm kiếm. Sau quá trình trao đổi thông tin với một người bán, người này yêu cầu anh U. chuyển khoản tiền đặt cọc vào một số tài khoản không chính chủ. Sinh nghi, anh U. liền lên các trang mạng xã hội tìm kiếm, kiểm tra thông tin và phát hiện đã có không ít người mất tiền vì chiêu lừa của đối tượng này. Đăng tin bán xe thanh lý với giá rẻ bằng nửa giá thị trường, đưa ra chính sách bán dễ dàng, cho phép kiểm tra thoải mái, nếu không ưng được hoàn trả cọc, yêu cầu chuyển cọc trước từ 5 đến 10 triệu cùng các loại phí để chuyển xe đi. Có nạn nhân đã chuyển đến 80 triệu tiền cọc để mua con xe SH nhập khẩu rồi bị mất tiền.
Việc mua bán hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng, hàng cũ được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn mua được sản phẩm ưng ý. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đang lợi dụng việc giao dịch, mua bán các loại hàng hóa này trên các trang mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hệ quả là có không ít người nhận phải những món đồ kém chất lượng, không đúng như lời quảng cáo hoặc thậm chí mất tiền vì trót tin lời của các đối tượng lừa đảo.
Trong quá trình mua bán trên mạng, người tiêu dùng cần chú trọng kiểm tra thông tin người bán và chỉ mua sản phẩm từ nơi uy tín. Chủ động tìm kiếm thông tin liên quan đến người bán hàng trên các phương tiện tìm kiếm, về tên tuổi, địa chỉ và các đánh giá. Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi ngờ hãy dừng ngay các giao dịch và không chuyển khoản trước cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào nếu chưa kiểm chứng thông tin.
Bên cạnh đó, việc mua bán hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng trên mạng xã hội tiềm ẩn không ít rủi ro về chất lượng. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải có cơ chế kiểm tra chất lượng hàng hóa và các yêu cầu về hoàn, hủy đơn hàng khi xảy ra vấn đề. Đặc biệt, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ vì các loại hàng hóa này sẽ không được hưởng chính sách bảo hành.